Chao đảo thời dịch giã: Dìu nhau qua đại dịch

11/06/2021 05:19 GMT+7

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong con hẻm 415 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp), Hội Phụ nữ phường đã sẵn sàng đi chợ giúp người dân trong khu vực phong tỏa, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn .

Chính sự chia sẻ của cộng đồng, sự quan tâm kịp thời của chính quyền đến sức khỏe, nhu cầu thiết yếu hằng ngày đã giúp người dân trong khu cách ly, những mảnh đời khó nghèo vơi bớt chao đảo giữa làn sóng dịch Covid-19 những ngày này ở TP.HCM.
Cách đây hơn chục ngày, chị Nguyễn Thị Ái Vân (ngụ đường Vườn Lài, khu phố 1, P.An Phú Đông, Q.12) bất ngờ nhận điện thoại, bên kia đầu dây giới thiệu công tác ở Hội Phụ nữ P.An Phú Đông hỏi thăm đủ thứ chuyện gia đình, rồi đặt vấn đề nếu gia đình có nhu cầu đi chợ hay mua nhu yếu phẩm thì cứ nhắn lại. Ngày 29.5, chị Vân biết mình đã tiếp xúc với một F1 nên ra phường trình báo, nhân viên y tế khuyến cáo chị ở nhà để theo dõi sức khỏe. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm, chị Vân thường xuyên nhận được cuộc gọi hỏi thăm sức khỏe, các triệu chứng của bệnh viêm đường hô hấp cấp như ho, sốt, khó thở... Rồi chị được thêm vào nhóm chat của các hộ thuộc diện F2 để tiện trao đổi.
“Suốt thời gian cách ly tại nhà, mình chưa nhờ lần nào vì đã mua sẵn đồ dự trữ và có mối mua thực phẩm riêng. Nhưng những cuộc điện thoại hỏi thăm như vậy của cán bộ ở phường khiến gia đình thấy ấm lòng. Mình cảm nhận được tinh thần tương thân tương ái của người Việt trong những lúc ngặt nghèo”, chị Vân chia sẻ. Trước ngày cách ly cuối cùng (6.6), cán bộ phường vẫn đều đặn gửi các tin nhắn, gọi điện đến chị Vân nhắn nhủ giữ gìn sức khỏe.

Bà Trương Thị Cúc, ngụ hẻm 158 Phạm Văn Chiêu, P.9, Q.Gò Vấp, rạng rỡ niềm vui khi nhận quà tiếp tế

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Ngay từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trong con hẻm 415 Nguyễn Văn Công (P.3, Q.Gò Vấp), Hội Phụ nữ phường đã sẵn sàng đi chợ giúp người dân trong khu vực phong tỏa, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từng bao gạo, thùng mì gói, chai nước mắm, ổ bánh mì cho đến rau xanh, củ quả cứ thế về phường rồi được chia thành từng phần nhỏ phân phối đến các hộ dân. Những ngày giãn cách ở Gò Vấp, các thành viên tham gia công tác mặt trận, đoàn thể trở thành cầu nối những tấm lòng thiện nguyện đến các hoàn cảnh éo le.
Hôm 6.6, gần chục người tập trung trước sảnh UBND P.9 (Q.Gò Vấp) xếp từng chai nước mắm, nước tương, bột ngọt, nước ngọt vào một túi; rau xanh như bắp cải, đậu bắp, khổ qua thì bỏ vào túi riêng. Hơi nóng ban trưa gay gắt phả hầm hập, áo ai cũng thẫm mồ hôi. Liền sau đó, 6 thành viên là cán bộ ở khu phố 4 (P.9) xách lên xe máy chở đến các gia đình khó khăn. Nhận phần quà, bà Trương Thị Cúc nhà số 158/65/21 Phạm Văn Chiêu không giấu được xúc động. Bà Cúc là người khuyết tật, làm nghề bán vé số dạo nhưng từ khi đợt dịch khởi phát hồi trung tuần tháng 5, bà ở nhà vì sợ lây nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Trưởng ban Điều hành khu phố 4 (P.9), cho biết nhiều gia đình là thương binh, bệnh binh, khó khăn trong việc đi lại nên “đội shipper” của khu phố thường chở quà đến tận nhà. “Khi nghe phường nói cần hỗ trợ là chúng tôi lấy xe đi luôn chứ không đắn đo, nề hà gì”, ông Đồng nói.
Vào lúc cao điểm, P.9 có 11 điểm phong tỏa hoặc cách ly tạm thời, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Ông Hoàng Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND P.9, cho biết bên cạnh việc kiểm soát dịch bệnh, công tác chăm lo các đối tượng yếu thế được phường quan tâm, vận động ủng hộ từ nhiều nguồn để giúp người dân vững tin vượt qua đại dịch. Ngoài các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách, phường cũng hỗ trợ các gia đình thuộc diện cách ly, người bán vé số...
Là quận trung tâm TP.HCM, nhiều người dân ở Q.1 từ đầu năm đến nay trải qua nhiều phen “xất bất xang bang” dưới tác động của dịch giã. Phố đi bộ Bùi Viện (P.Phạm Ngũ Lão) 2 lần đóng cửa, còn khu Mả Lạng cũng có 2 lần bị phong tỏa nên hàng trăm hộ dân, chủ yếu là lao động nghèo, lâm vào cảnh khó khăn. Lãnh đạo UBND Q.1 cho biết ngay khi khu Mả Lạng bị phong tỏa lần hai, chính quyền đã có những hỗ trợ bước đầu đến 259 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn với các phần quà là gạo và mì gói...

TP.HCM triển khai 2.000 giường điều trị, chuẩn bị tình huống Covid-19 diễn biến xấu

Siêu thị nghĩa tình

Hôm 6.6, chiếc xe tải nhỏ của P.Linh Đông (TP.Thủ Đức) chở các túi quà đến hẻm 74/2 đường số 36 (khu phố 8, P.Linh Đông). Chiếc lều bạt đơn sơ với chừng 6 người trực, bên trong là dãy phòng trọ có 11 phòng nhưng chỉ 5 người ở, thuộc diện nội bất xuất, ngoại bất nhập đã 10 ngày qua vì tiếp xúc với F1 nguy cơ cao. Một đoàn viên trẻ gọi điện vào bên trong thông báo có phần quà nhỏ, gồm gạo, mì gói, rau xanh kèm nhu yếu phẩm hỗ trợ các trường hợp cách ly tại nhà. Từng người ra nhận, nói lời cảm ơn, mắt ánh lên niềm vui.

TP.HCM sớm giải ngân gói hỗ trợ hơn 1.000 tỉ đồng

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 10.6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết tối 9.6, Thường trực UBND TP.HCM đã họp về gói hỗ trợ người dân và hộ kinh doanh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hiện các sở ngành liên quan hoàn thiện tờ trình để duyệt thông qua. TP.HCM sẽ cố gắng giải ngân sớm nhất có thể để khoản hỗ trợ đến tay người dân giúp họ vượt qua khó khăn, bởi nếu khi hết dịch rồi mới hỗ trợ thì không còn ý nghĩa như giải ngân ngay lúc này. Các quận, huyện và TP.Thủ Đức phải rà soát chặt chẽ để không bỏ sót trường hợp khó khăn nào.
Còn ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết gói an sinh lần 2 (trị giá 1.075 tỉ đồng) sẽ có thủ tục đơn giản hơn để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận hơn, qua đó hỗ trợ kịp thời với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Bên cạnh nguồn ngân sách, Sở LĐ-TB-XH cũng đề nghị sử dụng nguồn kinh phí vận động của Mặt trận Tổ quốc các cấp ở TP.HCM hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng.
Về điều kiện, riêng đối với người lao động tự do bị mất việc làm, chỉ cần có đủ 2 điều kiện là cư trú hợp pháp tại địa phương (có đăng ký tạm trú được cơ quan công an xác nhận) và làm một trong 7 loại công việc sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên đường phố không có địa điểm cố định (buôn gánh bán bưng); thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); làm công việc thuộc các lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo tại Văn bản số 1749 ngày 30.5 của UBND TP.HCM. Mức hỗ trợ cụ thể đang được UBND TP.HCM xem xét thông qua.
Đây là các phần quà trong chuỗi chương trình “Siêu thị nghĩa tình Thủ Đức” do Ủy ban MTTQ VN TP.Thủ Đức phát động từ ngày 5.6, tổ chức vào 2 ngày cuối tuần, kéo dài đến hết tháng 6.2021.
Ông Trần Hữu Phước, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.Thủ Đức, cho biết hoạt động này nhằm động viên một số bà con có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại các khu vực phong tỏa, cách ly y tế trên địa bàn. Thông qua hoạt động này, TP.Thủ Đức kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, các cơ sở tôn giáo trên địa bàn chung tay chăm lo cho người dân. Do nguồn lực có hạn nên sẽ ưu tiên các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ khó khăn tại 64 khu vực phong tỏa (khoảng 649 hộ dân bị ảnh hưởng), mỗi phần quà trị giá từ 300.000 - 500.000 đồng. Trong 2 ngày đầu, hơn 800 phần quà được chuyển đến các hộ khó khăn.
Trong những ngày này, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, về phía chính quyền ở TP.HCM, thành viên Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên... ở hầu hết các quận, huyện, xã, phường và TP.Thủ Đức đã liên tục vận động, tổ chức thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa, tặng quà động viên, giúp đỡ người dân các khu vực tạm thời phong tỏa, đặc biệt là những trường hợp lao động tự do, công nhân... vơi bớt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 kéo dài.
(còn tiếp)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.