Chắp cánh - Truyện ngắn dự thi của Ny An

Ny An
Đà Nẵng
16/10/2024 10:00 GMT+7

Bà đứng giữa sân bay, cảm thấy tay chân thừa thãi, lóng ngóng, lọng cọng. Bé cháu cầm chiếc vé máy bay dày đặc chữ, dẫn bà tới khu vực làm thủ tục. Mọi người xếp hàng nhích dần từng bước đợi tới lượt mình.

Tối nay bà được lên máy bay, lần đầu. Ước mơ bấy lâu nay đã thành sự thật.

Bà mở nắp chai dầu gió đưa lên mũi hít một hơi dài, rồi xoa dầu khắp mang tai và cổ. Cả đời bà chưa từng đi máy bay, đâu biết máy bay có mùi chi. Liệu có giống thứ mùi hỗn tạp trộn giữa mồ hôi người, đồ ăn, bụi mốc… như trên chiếc xe buýt công cộng. Hồi nhỏ, mỗi lần có tiếng động cơ vù vù trên bầu trời, bà cùng đám con nít trong xóm chân trần chạy theo reo hò. Ngước mỏi cổ. Có khi vấp phải bụi cỏ té cái uỳnh. Cười vang mọi nẻo. Trong mắt bà thuở đó, chiếc máy bay giống như một con chim sắt khổng lồ bay lượn, xé mây xuất hiện rồi biến mất thần kỳ. Nghe nói máy bay chở nhiều người lắm, tới bây chừ trôi qua mấy chục năm trời, bà mới được trải nghiệm.

Bên trong máy bay mát lạnh, mỗi người một ghế riêng, không ai tranh được của ai, khác xa mỗi bận bà đi xe buýt đều chen chúc nóng nực, phụ xe nhét người chật kín. Máy bay cất cánh, hai khoang tai bà như căng phồng ra, ù nghẹt khó chịu. Nhìn qua ô cửa sổ máy bay, bà thấy như bà đang lơ lửng giữa bầu trời. Những tảng mây xam xám chồng lên nhau, gần thiệt gần. Ở bên dưới, các căn nhà nhỏ dần, chỉ thấy được những chấm sáng nối nhau thành hàng dài. Chắc có lẽ là đèn đường, đèn xe, đèn từ mái ấm nào đó.

May nhờ Dương - cô con gái đầu, bà mới có cơ hội ngồi máy bay, đi một quãng đường gần tám trăm cây số ra tới Hà Nội. Bà nhớ Dương lắm, mỗi lần nhìn thấy nụ cười rạng rỡ hệt nắng ban mai của con bé, bao mệt mỏi vì mưu sinh liền tan biến ngay. Nhìn phía bầu trời đêm mù đen, bà càng khao khát mau chóng được ôm Dương vào lòng như ngày con bé còn nhỏ.

Chắp cánh - Truyện ngắn dự thi của Ny An- Ảnh 1.

ẢNH: TN

Hồi bà mang bầu Dương, chồng bà trông chờ một đứa con trai đầu lòng. Không phải muốn nó nối dõi tông đường hay lo chuyện thờ cúng tổ tiên, mà để có người cáng đáng bớt gánh nặng cơm áo sau này. Hai bên nội ngoại bị cái nghèo dí quanh, không tấc đất cắm dùi. Vợ chồng bà đi ở chực, ở ké nhà bà con, chuyển sang dựng lều ven sông, rồi cuối cùng dắt nhau tìm trọ. Hai lăm năm trời dạt từ nơi này sang chốn nọ như bèo trôi trên sông.

Xóm trọ bà ở hiện tại nằm trong vùng thấp trũng giữa thành phố mà các tòa cao ốc đang mọc lên dày đặc như nấm sau mưa. Trong căn phòng lợp tôn bé tin hin chừng mười lăm mét vuông, kê được chiếc giường và cái bàn nho nhỏ cho con ngồi học, chỗ đặt bếp nấu, thêm cái nhà vệ sinh là hết không gian sống. Vợ chồng bà ngủ ở dưới, con cái chui trên gác lửng sắp chạm trần nhà. Tường mỏng, khe cửa lọt gió, mùa hè nắng nung căn phòng ngột ngạt hệt hộp diêm nhốt những con dế mèn, mùa mưa bão lạnh run phải khoác ba, bốn lớp áo. Trận lụt tràn qua, căn phòng lênh láng nước, đồ đạc nổi lềnh bềnh chẳng khác chi phận người.

Sanh đứa con gái thứ hai, chồng bà xác định hết mong đợi. Chớ đẻ nữa thì đào đâu ra tiền mà nuôi. Thỉnh thoảng, trong hơi men mỗi nhá nhem tối, ông lại lè nhè trách cứ. Nhà này âm thịnh dương suy, làm bao nhiêu hết bấy nhiêu, riết rồi biết chừng nào mới hết khổ. Cái nghèo dễ sinh sự oán thán, mà càng chán nản càng muốn vùi đầu vào bia rượu quên đời. Không nhờ vả được chồng, ba má con bà ôm nhau sống, miếng đói gói no tự biết với nhau. Bởi thế, Dương tự lập từ sớm, ôm đồm đủ thứ vào người. Học lớp hai, con bé đã biết giúp bà cắt chỉ quần áo, gấp dán túi giấy tại nhà để kiếm tiền.

Nắng hè miền Trung rát bỏng như lửa đốt. Bà đẩy xe ve chai dừng bên cạnh cây xà cừ lớn, trải tấm bìa các tông ra nền đất, hai má con ngồi xuống nghỉ mệt dưới bóng mát tán lá xanh. Bà mở cái nón lá rách bươm từ trên đầu, cầm ngửa quạt cho Dương ráo mồ hôi. Mặc kệ bà cản, một buổi tới trường, buổi còn lại Dương sẽ theo chân bà lội khắp các ngóc ngách phố thị. Hai má con cùng đếm vỏ lon, cùng gom giấy báo cũ, cùng nhặt sắt vụn. Dù đói mệt, Dương chưa bao giờ than thở. Có đồ chi ngon cũng để dành phần cho em gái trước tiên.

"Đẻ được đứa con gái mát lòng mát dạ quá chị hỉ". Mấy người hàng xóm trong khu trọ nghèo luôn ganh tị với bà mỗi bận nhắc về Dương. Bình thường mọi người cắm cúi làm, suốt ngày bận túi bụi, chỉ biết con cái no hay đói chớ nào có thời gian quan tâm sát sao con vui hay buồn, khỏe hay đau, học giỏi hay dở. Chuyện nhà còn mơ hồ thoang thoáng, huống chi việc thiên hạ. Nhưng những căn nhà trọ lụp xụp vẫn ráng quây lại, đùm bọc nhau mà sống. Dương được tiếng chăm chỉ, ngoan ngoãn nhất xóm, được mọi người thương quý. Dương hay đi loanh quanh, khi trông con giùm chị công nhân may làm ca đêm, lúc giúp cô hàng nước cột các bịch ya-ua, bữa phụ ông vé số bán hết những tờ cuối cùng của ngày, mỗi chiều lại dạy mấy đứa trẻ con trong xóm tập đọc tập viết.

***

- Má cho con thi tiếp viên hàng không nha má - Dương xin xỏ.

- Thôi bớt đèo bòng! - Chồng bà cau có gạt phắt đi.

- Má khỏi lo, đăng ký thi không tốn phí đâu - Mặc kệ lời bàn ra, Dương chỉ cần bà đồng ý.

Nhận xong tấm bằng Cử nhân Ngoại ngữ, Dương quyết định rẽ sang hướng khác. Con bé có chính kiến từ nhỏ, bà tin Dương tự biết điều gì nên làm và có thể làm được. Thời sinh viên, ngoài thời gian đi học, Dương chạy ba, bốn chỗ làm thêm, nào lễ tân, phục vụ, bán hàng, gia sư, dịch thuật… Tới khi con bé được nhận làm quản lý cho một nhãn hàng nước ngoài, lương thưởng cao nhưng giờ giấc thất thường, làm việc sáng đêm. Bao năm nhờ có Dương san sớt một phần gánh nặng trên vai bà. Bây chừ, con bé muốn làm gì đó cho bản thân, bà sẽ tin tưởng đồng hành.

Để chuẩn bị cho kỳ tuyển dụng, mỗi tối Dương đứng trước gương tập cười, tự giới thiệu về bản thân. Có bữa Dương đặt sách trên đầu rồi luyện dáng đi, chân bước cần uyển chuyển, mắt phải nhìn thẳng, miệng nên cười thiệt duyên. Cả nước có tới 300 thí sinh mà chỉ chọn 17 người, tỷ lệ chọi rất gắt. Đa số họ đều có gốc gác, quen biết, là sinh viên Học viện Hàng không hoặc du học sinh. Ngoài trình độ ngoại ngữ và khả năng giao tiếp, Dương phải cố gắng để lại ấn tượng tốt cho giám khảo trong vòng phỏng vấn.

Cho tới khi loa phát kết quả, Dương vẫn không thể tin được vào tai mình. "Xin thông báo, thí sinh mang số báo danh 034 đã trúng tuyển. Chúc mừng em, chúng tôi rất cần những tiếp viên có nụ cười như em".

- Con đậu rồi, mừng quá mừng má ơi. Thành phố mình chỉ có hai người đậu thôi đó.

Bất kể khi nào có chuyện vui buồn, con bé đều chia sẻ liền với bà. Nghe giọng Dương qua điện thoại mà bà tưởng như con bé đang tíu tít trước mặt, nhảy cẫng lên ôm chặt cổ bà, dụi dụi mặt nó vào mái tóc khen khét mùi nắng. Chắc con bé cũng giống bà, mong muốn được cất cánh bay thỏa thích giữa bầu trời xanh. Bà từng nghĩ đó chỉ là mơ mộng hão huyền. Nào ngờ con gái đã thay bà thực hiện ước mơ.

- Má mượn điện thoại thông minh của hàng xóm được không. Để con gởi ảnh qua cho má coi. Con mặc áo dài tiếp viên đẹp lắm.

Nghe kể, người ta thi mấy đợt mới đậu, Dương thi lần đầu mà trúng tuyển liên tiếp hai hãng hàng không nội địa. Con bé chọn hãng có đồng phục là chiếc áo dài truyền thống thướt tha. Con gái bà mặc áo dài là xinh mê mẩn. Chỉ tiếc hồi Dương học cấp ba, bà ít khi nào rảnh rỗi để tự tay ủi bộ áo dài trắng cho nó.

- Con đi bốn ngày rồi con về. Sau đó vào Nam huấn luyện thêm ba tháng là có thể đi làm. Má ráng đợi con một thời gian nữa, con sẽ kiếm thiệt nhiều tiền rồi mua nhà cho má ở.

Buổi tối trước khi lên máy bay ra Hà Nội, Dương hồ hởi nhờ bà chọn giúp mấy bộ quần áo đẹp. Bà có biết gì về thời trang đâu, Dương vẫn nằng nặc hỏi ý kiến. Căn trọ chật chội tự nhiên sáng bừng bởi nụ cười của cô con gái lớn. Bà ở trọ mấy chục năm, giấc mơ có căn nhà của riêng mình luôn nằm xa tầm tay với. Tiền kiếm được buổi sáng tới buổi chiều đã hết. Ăn chưa xong bữa nay đã phải lo bữa mai. Tự dưng nghe Dương hứa hẹn, lòng bà chớm nhen một tia hy vọng. Hệt như đất cát miền Trung mùa hè khô ran khô rốc đang mỏi mắt ngóng chờ một cơn mưa.

***

Máy bay hạ cánh. Một tiếng ba mươi phút khuôn mặt bà nhòe nhoẹt nước. Bà theo dòng người bước ra ngoài, hơi nóng xộc thẳng vào mặt khiến bà hơi choáng. Gạt nước mắt, bà kiếm taxi đi thẳng vào nội thành. Bà ra đây đón con gái trở về.

Dương từng hỏi bà muốn căn nhà như thế nào. Nhà cấp bốn có phòng khách và phòng ngủ riêng hay nhà có gác lửng để làm nơi thờ phụng. Dương sẽ mua căn nào có tủ bếp gắn thêm bồn rửa chén, để bà khỏi phải ngồi chồm hổm đau nhức chân. Nhiều căn nhà ở ngoại thành có sân vườn trồng cây thoải mái. Nếu bà thích ở chung cư, Dương cố gắng tìm căn nào thoáng rộng, sạch sẽ mà giá rẻ một chút. Dương vừa tính vừa cười rạng rỡ. Má cứ yên tâm, từ nay về sau con là trụ cột của cái nhà này. Con sẽ lo cho má!

Dương đã rơi vào hôn mê sâu, bà chỉ được nhìn con gái từ phía ngoài phòng bệnh. Hôm qua, Dương gọi điện thoại than đau đầu. Con bé đã đau từ trước chuyến đi Hà Nội. Chắc có lẽ áp lực dồn nén quá nhiều quá lâu. Nhưng Dương nhất quyết không lùi ngày bay bởi đó là buổi gặp mặt quan trọng với các lãnh đạo hãng hàng không. Xe cứu thương đưa Dương vào bệnh viện khi nó bỗng nhiên bất tỉnh. Bác sĩ chẩn đoán Dương đột quỵ, tình trạng quá nặng không thể cứu chữa.

Bà không cần nhà nữa, chỉ cần con gái bà khỏe mạnh thôi. Sao Dương lại nằm trong căn phòng lạnh ngắt, im ắng lạ lùng thế này. Sao trên người Dương lại tùm lum dây nhợ, như thể chính chúng gắn chặt con bé với chiếc giường trắng toát. Làm sao để Dương được tự do chạy nhảy như trước? Con bé vốn hay nói hay cười, ôm má tỉ tê đủ thứ chuyện kia mà. Tất cả là tại bà. Bà không nên đẩy trách nhiệm kiếm tiền sang đứa con gái mới lớn. Dương trưởng thành quá sớm, thành thử ra nông nỗi này. Má sai rồi Dương ơi… Dương, tỉnh lại với má đi con…

Suốt chặng đường bay, bà cầu nguyện hàng trăm lần, nhưng đã quá muộn. Dương vẫn rời khỏi vòng tay bà. Bà biết, trời kêu ai nấy dạ. Mà phải chi Dương được sống thêm vài tháng. Phải chi Dương vượt qua đợt huấn luyện rồi, phải chi con bé được bay chuyến bay đầu tiên với tư cách tiếp viên hàng không. Còn một xíu nữa thôi, con bé đã có thể chạm vào giấc mơ của mình.

***

- Không ký chú mổ xẻ chi hết. Tui cấm đó nghe chưa!

Chồng bà không đồng ý, ông muốn đem xác con gái nguyên vẹn về nhà. Lúc Dương còn sống, ông thờ ơ mặc kệ, giờ đây mới biết hối hận. Con gái chết rồi, ông muốn nó được toàn thây, không chịu giày vò thân xác. Bà nén cơn đau quặn thắt từng khúc ruột, chậm rãi nói ông hiểu.

Chỉ một chữ ký của bà mà cứu được bốn bệnh nhân. Trái tim hừng hực yêu thương của con gái bà sẽ đập những nhịp rộn ràng trong một lồng ngực khác. Đôi mắt long lanh ngày trước Dương luôn đùa vui thị lực 11/10 sẽ đem lại ánh sáng cho một cuộc đời mới. Quả thận mạnh mẽ và lá gan can đảm đối diện mọi thử thách mà Dương sở hữu có thể chắp cánh cho ước mơ của ai đó. Đối với bà, được sống đã là ước mơ tốt đẹp nhất trên đời. Bà muốn Dương được ở lại nhân gian dù là trong hình hài người khác.

Bà nhẹ nhàng cầm bàn tay con gái, đưa lên môi hôn lần cuối. Nấc nghẹn. Từ nhỏ, Dương luôn tự mình lựa chọn, bà đứng sau ủng hộ. Bây chừ, bà thay con quyết định một lần. Trong lúc mơ màng vì quá mệt mỏi, hình như bà thấy Dương mỉm cười. Con bé vẫy tay chào bà rồi nhẹ nhàng bay lên giữa bầu trời triệu sao lấp lánh.

Chắp cánh - Truyện ngắn dự thi của Ny An- Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.