Năm 2014, Ford Việt Nam trình làng thị trường trong nước mẫu Ford EcoSport hoàn toàn mới. Thời điểm đó, mẫu xe cỡ nhỏ của thương hiệu Mỹ gây tò mò bởi kiểu dáng gọn gàng nhưng khoảng sáng gầm cao, mang lại khả năng vận hành linh hoạt, đáp ứng cùng lúc nhiều nhu cầu của người dùng. Chính sự khác biệt này giúp EcoSport nhanh chóng thu hút sự quan tâm và liên tục ghi nhận doanh số tăng trưởng mạnh; đồng thời trở thành cái tên khai sinh khái niệm SUV đô thị, cũng là phân khúc xe mới tại Việt Nam.
Xe Hàn vượt xe Nhật ở phân khúc SUV đô thị
Nhóm xe cạnh tranh nhất thị trường
Sau thành công bất ngờ của Ford với EcoSport, một số thương hiệu ô tô khác cũng bắt đầu nhìn thấy tiềm năng từ các mẫu mã SUV đô thị và lần lượt đưa quân "tham chiến". Hyundai giai đoạn đầu quyết giành miếng bánh "béo bở" bằng việc đưa về Việt Nam cùng lúc nhiều mẫu mã ở nhóm SUV đô thị, như i20 Active, Creta hay Kona. Chevrolet góp mặt dòng Trax. Về sau có thêm Toyota với bộ đôi Corolla Cross, Raize.
Đáng chú ý, giai đoạn 5 năm trở lại đây, phân khúc này chứng kiến màn "đổ bộ" của liên tiếp hàng chục mẫu mã. Và dù chứng kiến những màn "đào thải" liên tục bởi nhiều cái tên cứ đến rồi đi; thế nhưng tính đến cuối năm 2023, SUV đô thị phổ thông vẫn trở thành nhóm xe "chật chội" nhất thị trường, với sự hiện diện của gần 20 mẫu mã (cả xe xăng lẫn xe điện), đến từ hơn 10 thương hiệu khác nhau.
Bao gồm Toyota Corolla Cross, Toyota Raize, Toyota Yaris Cross, Kia Seltos, Kia Sonet, Mazda CX-3, Mazda CX-30, Honda HR-V, Hyundai Creta, Hyundai Venue, VinFast VF e34, VinFast VF 5, VinFast VF 6, Nissan Kicks, MG ZS, Peugeot 2008, Skoda Karoq, Volkswagen T-Cross. Hay gần đây còn có thêm Mitsubishi Xforce, BYD Atto 3, Link & Co 06, MG4 EV, Subaru Crosstrek và Omoda C5.
Thậm chí, con số này chắc chắn chưa dừng lại. Sức "nóng" ở nhóm xe này dự kiến tiếp tục tăng thêm trong thời gian tới, bởi nhiều thương hiệu cũng đang rục rịch gia nhập cuộc đua. Điển hình như Haval bắt đầu kế hoạch mở bán mẫu Jolion. Hay một thương hiệu con khác của Chery dự kiến cũng trình làng mẫu Jaecoo J7, định vị "chung mâm" với Toyota Corolla Cross hay Kia Seltos.
Khi đó, miếng bánh SUV đô thị sẽ chứng kiến cuộc tranh giành của gần 30 mẫu mã, chưa kể các dòng xe sang.
'Chật vật' giành miếng bánh thị phần
Số liệu thống kê từ báo cáo bán hàng của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Motor - đơn vị lắp ráp và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam cho thấy, suốt 3 năm gần đây, bất chấp những biến động và khó khăn của ngành ô tô, SUV đô thị vẫn duy trì sức hút, đồng thời là nhóm xe chiếm tỉ lệ doanh số hàng đầu.
Cụ thể, năm 2021 thị trường ô tô trong nước bán ra tổng cộng hơn 410.000 xe, riêng SUV đô thị đã đóng góp hơn 47.000 xe, tương đương gần 12% thị phần. Thời điểm thị trường "bùng nổ" với kỷ lục doanh số trên mốc 500.000 xe vào năm 2022, phân khúc này tiếp tục dẫn đầu về lượng xe đến tay người dùng, khi đạt gần 70.000 xe, chiếm đến hơn 14%.
Bước sang năm 2023, trong bối cảnh ngành ô tô trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động từ suy thoái kinh tế, tổng dung lượng thị trường ô tô trong nước giảm xuống chỉ còn chưa đến 370.000 xe; thế nhưng SUV đô thị vẫn chứng minh vai trò "trụ cột" thị trường bằng việc đóng góp gần 57.000 xe, chiếm đến gần 16% thị phần.
Và gần đây nhất, năm 2024 dù chưa chính thức "kết sổ", tuy nhiên số liệu sau 10 tháng đầu năm cũng cho thấy, SUV đô thị tiếp tục là phân khúc xe đóng góp thị phần lớn nhất với hơn 57.000 xe, chiếm hơn 18% và tiếp tục tăng rất đều so với các năm trước đó.
Rõ ràng, kết quả bán hàng thống kê từ VAMA và TC Motor đang cho thấy một thực tế, rằng nhóm xe SUV đô thị đang ngày càng được số đông khách hàng Việt chú ý, nhất là nhóm khách trẻ. Đó cũng là lý do, rất ít hãng xe góp mặt trên thị trường muốn bỏ qua "mảnh đất màu mỡ" này.
Hiện tại, Mitsubishi Xforce đang là mẫu xe dẫn đầu phân khúc. Lũy kế 10 tháng đầu năm, mẫu SUV Nhật đã bán ra tổng cộng hơn 11.000 xe. Trong khi, nếu xét theo thương hiệu, Toyota mới đang là hãng xe hút khách nhất ở nhóm SUV đô thị. Cộng dồn cả 3 mẫu mã góp mặt gồm Yaris Cross, Corolla Cross và Raize, hãng xe Nhật đã đóng góp đến gần 17.200 xe, chiếm hơn 30% thị phần.
Mặc dù vậy, theo nhiều chuyên gia trong ngành ô tô trong nước, với sự "nở rộ" mẫu mã, phiên bản như hiện nay, cuộc đua doanh số ở nhóm SUV đô thị dự báo sẽ còn khốc liệt hơn nữa trong thời gian tới. Về phía người tiêu dùng, điều này giúp đa dạng thêm lựa chọn khi mua xe, đồng thời sự cạnh tranh cũng mang đến những sản phẩm chất lượng với mức giá hợp lý hơn. Tuy nhiên, với các hãng xe, đây sẽ là áp lực không nhỏ, kể cả với những thương hiệu đang có được vị thế tốt. Cứ nhìn vào sự "đổi ngôi" liên tục ở nhóm xe này trong vòng 10 năm qua sẽ rõ.
Bình luận (0)