Đó cũng là chia sẻ của PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh khi tham gia Ban giám khảo cuộc thi viết Sống đẹp lần 2 (trao giải hôm nay tại Tòa soạn Báo Thanh Niên, TP.HCM).
Theo nhận xét của nữ giám khảo: “Các tác giả đã đem đến cho người đọc những chân dung giản dị, bình thường nhưng hết sức xúc động, lay động lòng người - những ai còn lương tri và lòng nhân ái”.
Thầy Thanh An tổ chức hội xuân cho trẻ em dân tộc Cam Lâm, Khánh Hòa, trong bài Người thầy có trái tim trẻ thơ |
Lê Đức Dương |
Đó có thể là câu chuyện về cô sinh viên hiến máu; về cụ ông xây cầu, làm nhà; về những thầy cô giáo nhiều năm đưa chữ lên non, bám trụ với trẻ vùng cao; về anh tài xế xe buýt có sở thích làm vui mắt lẫn vui lòng hành khách, bên cạnh “tài phụ” bắt cướp; về người vớt xác hay về một ông chủ quán bún bò làm thay đổi nhiều số phận… Dù là bất kỳ ai, làm bất kỳ điều gì, với bất kỳ khả năng nào tự thân có được hay vận động để hiệp lực cùng nhau, tất cả đều có thể chia sẻ, đóng góp vì cộng đồng, miễn là ta có lòng và biết nghĩ về người khác.
“Tôi nghĩ cần nhân rộng những tấm gương thầm lặng này bằng cách này hay cách khác. Đây thực sự là những “bài học tâm hồn” trung thực, có giá trị, giúp thanh lọc tâm hồn, giúp dạy chúng ta học cách làm người tốt, có nhân phẩm và có đạo đức”, PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh nói.
Là giám khảo và cũng là đại sứ cho cuộc thi viết Sống đẹp, thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương cho biết anh không cầm cân nảy mực hay đánh giá về chuyên môn, thay vào đó anh “đọc những câu chuyện như một độc giả bình thường, với những cảm xúc rất bình thường; nói cách khác, tôi mang tâm thế là cầu nối giữa tác giả với các khán giả của tôi”. Và dù được yêu cầu đánh giá trên thang điểm 10, song Thái Dương chọn cho mình cách chấm “đọc bằng trái tim nên sẽ cho điểm bằng trái tim”.
Nhân vật Hoàng An trong Bài ca cuộc đời |
TGCC |
Điều khá thú vị là ở hạng mục ký sự, ghi chép, theo thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương: “Các tác giả gửi bài dự thi đã xứng đáng 10 điểm, và những nhân vật trong bài đều là những nhân vật có thật đang sống đẹp nên cũng xứng đáng 10 điểm. Cảm nhận của tôi thể hiện ở điểm số bài viết truyền cảm hứng sống đẹp, đó cũng là những bài cần được lan tỏa thêm”. Chi tiết hơn với phần truyện ngắn, Thái Dương chấm theo “thang điểm”: “khiến tôi rung động, khiến tôi hứng thú, và chưa khiến tôi rung động hoặc hứng thú”.
Tác giả của những ca khúc lay động Sài Gòn tôi sẽ, Bài ca tôi viết lần này… chia sẻ thêm anh quan tâm đến những góc nhìn mới, những cảm thương sâu sắc mà đa số mọi người không có, những “ngóc ngách” trong tâm hồn những người bị xã hội hiện đại ruồng bỏ. “Tôi nhấn mạnh là “xã hội hiện đại”, tức không phải “xã hội ngày xưa”. Ví dụ, có những câu chuyện về những người khuyết tật bị xa lánh. Tôi e là điều đó sẽ khó khiến cho độc giả hứng thú, bởi thực tế trong xã hội hiện đại, rất, rất nhiều người trong chúng ta đều thương và tôn trọng người khuyết tật. Trái lại, tôi rất ấn tượng với câu chuyện về một kẻ trộm, bởi trong “xã hội hiện đại”, vẫn khó để ta thương cảm cho một kẻ trộm hay “dân anh chị khét tiếng”. Vì vậy, những câu chuyện như thế này không những không cổ xúy cho tội phạm, mà lại còn giúp ta bao dung hơn cho những người lầm lỡ, và ta cảm hóa họ bằng nghĩa cử tử tế”, giám khảo đại diện thế hệ 9X bày tỏ.
Sách Sống đẹp - tuyển tập những bài viết chất lượng của cuộc thi ra mắt hôm nay |
n.v |
Ở góc nhìn khác, như giám khảo - nhà văn Trần Nhã Thụy chia sẻ: “Sống đẹp, không chỉ là đẹp giữa người với người, mà còn đẹp giữa người với thiên nhiên. Qua đại dịch, một lần nữa chúng ta thấy tinh thần đại ngã, sự trong sáng và tự nhiên vẫn luôn là nền tảng cho con người trong xã hội hôm nay”. Anh cho rằng: “Cuối cùng thì tôi nhận ra điều này: Những tác giả tham gia cuộc thi viết cũng chính là những người sống đẹp hoặc đang trên hành trình khai triển, mang cái đẹp, điều thiện, việc nghĩa đến cho mọi người”.
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi viết Sống đẹp lần 2 được phát trực tiếp lúc 14 giờ 30 hôm nay 21.12 trên các kênh online của Báo Thanh Niên: thanhnien.vn, YouTube Báo Thanh Niên, Facebook.com/thanhnien, TikTok Thanh Niên.
“Vòng xe” của Hậu đoạt 3 giải thưởng
Hạng mục phóng sự, ký sự, ghi chép:
Giải dành cho tác giả:
- Giải nhất: “Vòng xe” của Hậu - Võ Minh Huy (Quảng Ngãi)
- Giải nhì: Bài ca cuộc đời - Dương Giang Châu (Hưng Yên), Cô sinh viên mồ côi “nghiện” hiến máu, làm từ thiện - Hà An (Kon Tum)
- Giải ba: Nghị lực của Nũng - Diệu Ái (Quảng Trị), Người chọn nghề… vớt xác - Trần Thị Thúy Vân (Hà Nội), Người mang ngọn gió mát lành từ “phía tây thành phố” - Thủy Vũ (Ðắk Nông)
- Giải khuyến khích: Cô Quyên da cam - Cao Minh Tèo (Cà Mau), Ngỡ như là cổ tích - Hà Kim Quy (Nam Ðịnh), Người đi tìm màu xanh cho đất - Bùi Thị Hồng Vân (Hòa Bình), Một ông chủ quán làm thay đổi nhiều số phận - Bùi Thuận (Lâm Ðồng), Người thầy có trái tim trẻ thơ - Lê Ðức Dương (Khánh Hòa)
Giải dành cho nhân vật:
- Nhâm Quang Văn (Thái Bình) trong tác phẩm Người chọn nghề… vớt xác - Trần Thị Thúy Vân; Lâm Kim Hùng (Ðồng Nai) trong tác phẩm Một ông chủ quán làm thay đổi nhiều số phận - Bùi Thuận; Quảng Ðình Hậu (Quảng Ngãi) trong tác phẩm “Vòng xe” của Hậu - Võ Minh Huy; Nguyễn Thị Thảo Nguyên (Kon Tum) trong tác phẩm Cô sinh viên mồ côi “nghiện” hiến máu, làm từ thiện - Hà An; Trương Văn Kiềm (Cần Thơ) trong tác phẩm Cánh chim không mỏi - Thiên Lộc
- Giải dành cho tác phẩm truyền cảm hứng: “Vòng xe” của Hậu - Võ Minh Huy (Quảng Ngãi)
- Giải bài viết được yêu thích nhất (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): Bài ca cuộc đời - Dương Giang Châu (Hưng Yên)
Hạng mục truyện ngắn:
- Giải nhất: Món quà ánh sáng - Hiền Dương (Bạc Liêu)
- Giải nhì: Bông hoa dại giữa chiều mưa - Diệu Ái (Quảng Trị)
- Giải ba: Mắt biếc - Nguyễn Văn Thiện (Ðắk Lắk); Nhịp song lang
giãn cách - Trần Thu Hằng (Ðồng Nai)
- Giải khuyến khích: Ăn cơm nghen - Phát Dương (Sóc Trăng), Gội đầu cho mẹ - Trương Văn Tuấn (Bến Tre), Khoảnh khắc - Trần Thị Tú Ngọc (Hà Tĩnh), Còn trong cây lá bốn mùa - Mai Nguyên (TP.HCM).
Bình luận (0)