Lan tỏa tinh thần sống đẹp đến nhiều thế hệ

Nguyên Vân
Nguyên Vân
04/08/2022 06:37 GMT+7

Nói đến “sống đẹp”, Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên nghĩ đến chữ “tử tế”, Hoa khôi Đặng Trần Thủy Tiên cho rằng “sống không khuất phục” và thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương chọn cụm từ khóa “từng chút một”…

Chiều qua 3.8, Báo Thanh Niên đã tổ chức tọa đàm Sống đẹp - Góc nhìn Gen Z, sự kiện thuộc khuôn khổ cuộc thi viết Sống đẹp lần 2, được phát động từ ngày 26.3.2022 với sự đồng hành của Tôn Đông Á và One IBC.

Chương trình có sự tham gia của các gương mặt tiêu biểu, thuộc thế hệ Z (sinh sau năm 1995): Nguyễn Thúc Thùy Tiên - Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021, Đặng Trần Thủy Tiên - Hoa khôi truyền cảm hứng Đại học Ngoại thương, Phan Đình Long Nhật - Top 3 cuộc thi Schneider Go Green 2021, 2022, Nguyễn Phương Thảo - blogger tự do, sáng lập chương trình Vẽ nụ cười cho em, Nguyễn Thiện Minh, Phù Quốc Vương - chủ nhân clip lan tỏa thông điệp “người Việt mình giàu tình thương lắm” và thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương - người đã viết “bài ca không quên” trong đợt dịch Covid-2021: Sài Gòn tôi sẽ. Bên cạnh đó, còn có sự tham gia của các học sinh Trường THPT Trần Nhân Tông, Q.Bình Tân (TP.HCM), sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Cao đẳng Phát thanh - Truyền hình II.

Tọa đàm Sống đẹp - Góc nhìn Gen Z, giao lưu cùng Nguyễn Thái Dương, Nguyễn Thiện Minh, Phù Quốc Vương và Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Nhật Thịnh

“Sống đẹp” tùy theo cách mỗi người

Nói đến “sống đẹp”, một số bạn trẻ thuộc thế hệ gen Z cho rằng đơn giản là biết bảo vệ môi trường khi hiện nay ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, người chọn sống là chính mình - sống thật với bản thân, người khác hướng đến cuộc sống có ý nghĩa cho chính bản thân và những người xung quanh, biết chia sẻ với mọi người và lan tỏa những điều tốt đẹp đó đến cộng đồng…

Theo thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương, “trong tiếng Anh có thành ngữ “cái đẹp phụ thuộc vào mắt người nhìn”; và sống đẹp cũng vậy. Dù mỗi người có cảm nhận khác nhau nhưng có điều chắc chắn là cái đẹp luôn làm cho người khác vui mắt, sống đẹp sẽ làm cho người khác vui lòng”. Thái Dương cho rằng, ai có điều kiện kinh tế thì “sống đẹp” theo điều kiện kinh tế, người có sức ảnh hưởng thì làm theo sức ảnh hưởng, người không có gì vẫn có thể “sống đẹp” theo cách của mình, miễn cuối cùng mang lại niềm vui cho người khác.

Từng là thủ khoa đầu ra ngành kỹ thuật của Trường ĐH KHTN (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhưng lại rẽ hướng sư phạm khi trở thành giáo viên dạy tiếng Anh, Thái Dương cho biết anh đã từng trải qua quá trình dài hoài nghi bản thân, đắn đo, sợ sệt, hoang mang, đấu tranh với gia đình, thầy cô và chính bản thân mình… Nhưng rồi anh nhận ra “khi tôi giảng dạy tiếng Anh, tôi làm cho mọi thứ dễ hiểu, tôi làm cho người không giỏi tiếng Anh cảm thấy không còn lo sợ về điều đó, tôi nhận ra khi mình mang lại niềm vui cho người khác cùng hiệu quả thực sự thì mình cũng vui và tôi bị nghiện cảm giác này, rồi bắt đầu chuyển nghề - trở thành thầy giáo như hiện nay”.

Với Đặng Trần Thủy Tiên - Hoa khôi truyền cảm hứng Đại học Ngoại thương, khi nhận tin bị ung thư, cô “rất hoang mang và sốc vì mình còn quá trẻ…”. Và cô cho rằng, động lực để quyết tâm chiến đấu là “vì cuộc đời mình có nhiều thứ chưa trải nghiệm, muốn được đi nhiều nơi, muốn được yêu thương, và muốn sống”. Vì thế, cô cho rằng, sống không khuất phục cũng là một biểu hiện của lối sống đẹp.

Chuyến thiện nguyện tại châu Phi - dự án cá nhân của Hoa hậu Thùy Tiên đang tạo hiệu ứng truyền thông rất tích cực

NVCC

Khi việc mình làm là điều hay, điều tốt, nó sẽ được nhân rộng ra. Nếu ai đó nói mình làm màu, tôi nghĩ rằng làm màu mà giúp được người khác thì cứ làm, mình được vui, người được giúp cũng vui, vẫn tốt hơn là không làm gì…

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên

Trong khi đó, là Hoa hậu thế hệ gen Z, hình ảnh Thùy Tiên mang lại cũng rất khác với các hoa hậu nhiều năm trước, như xuống phố ăn mừng với đội tuyển bóng đá VN, làm những clip ăn uống… Theo Hoa hậu Thùy Tiên, không có khuôn khổ nào nhất định để nói về sự mẫu mực hay sống đẹp của một người, một hoa hậu; mà mỗi người tùy theo sức và cách của mình để thể hiện và làm điều ấy. “Khi việc mình làm là điều hay, điều tốt, nó sẽ được nhân rộng ra. Nếu ai đó nói mình làm màu, tôi nghĩ rằng làm màu mà giúp được người khác thì cứ làm, mình được vui, người được giúp cũng vui, vẫn tốt hơn là không làm gì…”. Theo cô, những việc mình đang làm cũng là những gì cô muốn đưa đến mọi người: Một hình ảnh Thùy Tiên thật nhất, đời thường nhất; bởi “hoa hậu không phải người đi theo khuôn khổ nào đó, mà là người có thể lan tỏa những điều tích cực, truyền cảm hứng sống tích cực đến nhiều người”.

“Người Việt mình giàu tình thương lắm”

Mới đây, clip quay cảnh chàng trai giả vờ mất bóp rồi xin tiền nhiều người nghèo ở TP.HCM được chia sẻ mạnh trên cộng đồng mạng. Cụ thể trong clip này, sau khi được giúp đỡ, 2 thanh niên không chỉ gửi lại số tiền đã xin mà còn tặng thêm người giúp mình 500.000 - 1 triệu đồng, theo 2 bạn chia sẻ là để bày tỏ sự cảm ơn về lòng tốt. Chủ nhân của clip này là Nguyễn Thiện Minh, Phù Quốc Vương (đều 21 tuổi). Theo 2 bạn, sau khi làm kênh YouTube, được mọi người ủng hộ và bắt đầu có doanh thu, các bạn có điều kiện để có thể chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn. “Khi làm, thực tế chúng tôi nhận được nhiều hơn, có người hỏi con mất bóp có mất giấy tờ gì không; điều đó cho thấy còn có sự quan tâm chứ không dừng lại giúp đỡ. Càng làm, chúng tôi càng thấy và có niềm tin hơn rằng: Người VN mình giàu tình thương lắm, mọi người dễ mở lòng giúp đỡ nhau”, Vương bày tỏ. Cả hai cho biết hiện nay, doanh thu từ YouTube đủ trang trải cho nhóm của mình (9 thành viên) và đủ giúp đỡ những người cần giúp.

Đặng Trần Thủy Tiên - Hoa khôi truyền cảm hứng ĐH Ngoại thương: Sống không khuất phục là biểu hiện của sống đẹp

Đồng hành cùng cuộc thi viết Sống đẹp từ khi bắt đầu ý tưởng đến nay - mùa thứ 2, ông Lê Hùng Anh - Tổng giám đốc Tập đoàn BIN Corporation Group và One IBC, cho biết lý do không gì khác ngoài mong muốn được đóng góp điều gì đó cho quê hương, cho xã hội. “Ban đầu tôi hy vọng chương trình sẽ tôn vinh những người đóng góp thầm lặng cho xã hội, những nghĩa cử đời thường như chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn, éo le… Hôm nay tôi bất ngờ với nhiều ý tưởng của các bạn trẻ để lan tỏa những việc nghĩa, lòng thiện. Cuộc sống bây giờ sung túc hơn ngày xưa, các bạn trẻ có nhiều phương cách để giúp đời hơn. Khi cuộc sống vật chất tăng lên, mưu cầu hạnh phúc cũng tăng lên, không chỉ là cơm áo gạo tiền mà còn là tình cảm thân thương giữa người với người”, ông Hùng Anh chia sẻ. Ông cũng hy vọng chương trình sẽ ngày càng được lan tỏa với những câu chuyện “sống đẹp”, một cách thiết thực, ý nghĩa, đồng nghĩa với việc xã hội quan tâm nhiều hơn, để cùng nhau nối dài những nhịp cầu tử tế và yêu thương.

Gia hạn nhận bài dự thi Sống đẹp đến hết 30.9.2022

Được phát động từ ngày 26.3.2022, cuộc thi viết Sống đẹp lần 2 do Báo Thanh Niên tổ chức, với sự đồng hành của Tôn Đông Á và One IBC, đã nhận được ngày càng nhiều bài dự thi chất lượng. Thời gian qua, nhiều câu chuyện người tốt việc tốt, những gương mặt truyền cảm hứng, những nghĩa cử vì cộng đồng đã được lan tỏa trên các kênh Báo Thanh Niên.

Tại tọa đàm, cùng với việc công bố các thành viên ban giám khảo, gồm: nhà văn Trần Nhã Thụy, PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh, thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương, CEO Lê Văn Lực, nhà báo Hải Thành - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhà báo Lâm Hiếu Dũng - Tổng thư ký Tòa soạn báo in Thanh Niên, Ban tổ chức đã thông báo gia hạn nhận bài dự thi đến hết 30.9.2022.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.