Chiến sự đến chiều 6.4: Quân đội Nga không kích hàng loạt mục tiêu ở Ukraine

Khánh An
Khánh An
06/04/2022 18:42 GMT+7

Nga tiếp tục không kích nhiều nơi tại Ukraine được cho là các kho nhiên liệu cung cấp cho các binh sĩ Ukraine tại những vùng Kharkiv, Mykolaiv và Donbass.

Đống đổ nát còn lại sau cuộc không kích tại thị trấn Rubizhne thuộc vùng Luhansk vào ngày 6.4

reuters

Đài CNN ngày 6.4 đưa tin quân đội Nga thông báo đã tiến hành hàng loạt cuộc không kích quanh Ukraine nhằm vào các kho nhiên liệu và căn cứ tiếp tế.

“Vào sáng 6.4, các tên lửa chính xác cao từ trên không và trên bộ đã phá hủy 5 căn cứ lưu trữ nhiên liệu và dầu nhờn tại các khu vực Radekhiv (vùng Lviv), Kozyatyn (vùng Vinnytsia), Prosiana (vùng Dnipropetrovsk), Novomoskovsk (vùng Dnipropetrovsk) và Mykolaiv”, theo phát ngôn viên Igor Konashenkov của Bộ Quốc phòng Nga.

Ông Konashenkov cho rằng những cơ sở trên cung cấp nhiên liệu cho các binh sĩ Ukraine tại những vùng Kharkiv, Mykolaiv và Donbass. Trước đó, giới chức Ukraine xác nhận các vụ nổ và không kích tại một số khu vực thuộc vùng Lviv, Vinnytsia và Dnipropetrovsk, nhưng chưa bình luận về phát biểu trên.

Nga nói bắn rơi trực thăng Ukraine đến sơ tán chỉ huy Tiểu đoàn Azov

Ukraine báo động tình hình tại Mariupol

Theo Reuters, đạn pháo Nga dội vào các thành phố Mariupol và Kharkiv trong ngày 6.4, trong đó thành phố cảng Mariupol gần như liên tục hứng hỏa lực kể từ đầu chiến dịch quân sự của Nga hôm 24.2 đến nay.

“Tình hình nhân đạo tại thành phố này đang xấu đi. Hơn 160.000 người dân không có ánh sáng, liên lạc, thuốc men, nhiệt độ sưởi ấm và nước”, tình báo Anh cho biết.

Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho hay cơ quan chức năng sẽ cố gắng sơ tán người dân qua 11 hành lang nhân đạo vào ngày 6.4, nhưng họ sẽ phải sử dụng xe cá nhân.

Quân đội Nga tuyên bố hôm 5.4 đã bắn rơi hai trực thăng Mi-8 của Ukraine đang tìm cách sơ tán các chỉ huy của Tiểu đoàn Azov khỏi thành phố Mariupol, TASS cho hay.

Tiểu đoàn Azov của Ukraine vì sao khét tiếng?

Được thành lập năm 2014, Tiểu đoàn Azov là lực lượng bán quân sự có nguồn gốc từ các nhóm cực hữu và bị cáo buộc mang tư tưởng tân phát xít. Đơn vị này được sáp nhập vào Vệ binh Quốc gia Ukraine, và bị Nga quy trách nhiệm cho các vụ giết hại dân thường và tấn công phá hoại ở Mariupol.

Xem thêm: Chiến sự Ukraine ngày thứ 40: Mariupol đổ nát, tranh cãi lạm sát dân thường quanh Kyiv

Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine

Chính quyền Washington thông báo sẽ viện trợ thêm vũ khí trị giá 100 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng số viện trợ cho nước này lên hơn 1,7 tỉ USD, theo AFP dẫn thông tin từ Lầu Năm Góc.

Ngoại trưởng các nước NATO sẽ gặp những người đồng cấp từ châu Á - Thái Bình Dương trong 2 ngày từ ngày 6.4, nhằm tăng cường hợp tác và đối phó về kinh tế và ngoại giao với Nga.

Xem thêm: NATO đẩy mạnh hợp tác với nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương

Sloviansk - Chiến trường then chốt tiếp theo ở Ukraine?

Châu Âu sắp tăng cấm vận Nga

Ủy ban châu Âu vừa đề xuất giảm dần nhập khẩu than từ Nga, trong đợt cấm vận thứ 5 nhằm phản ứng việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết đề xuất cấm nhập khẩu than trị giá 4 tỉ euro/năm, bên cạnh đề xuất nhằm vào lĩnh vực nhập khẩu công nghệ và hàng sản xuất của Nga trị giá 10 tỉ euro.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Nga là nước xuất khẩu than lớn thứ 3 thế giới trong năm 2020, sau Úc và Indonesia, với khách hàng lớn nhất là châu Âu. Năm 2020, châu Âu nhập khẩu 57 triệu tấn than đá cứng từ Nga, so với 31 triệu tấn từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, châu Âu đang giảm sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch ô nhiễm này và sản lượng điện than đã giảm dần. Theo dự báo của IEA đưa ra trước chiến dịch của Nga ở Ukraine, nhu cầu than của châu Âu sẽ tiếp tục giảm 6% vào năm 2024. Bà von der Leyen cảnh báo sẽ còn có thêm cấm vận đối với Nga và có thể nhằm vào thị trường dầu khí. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng điều này không dễ dàng.

Lệnh cấm nhập than Nga của EU sẽ ảnh hưởng ra sao?

Xem thêm: Vì sao châu Âu không dễ cấm vận năng lượng Nga?

Chiến trường trọng điểm tiếp theo?

Lực lượng Nga sau khi rút khỏi miền bắc Ukraine được cho là đang tập trung vào việc kiểm soát thành phố Sloviansk nhằm kết nối các mũi tấn công ở vùng Donbass.

Trong báo cáo ngày 5.4, Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, Mỹ) cho rằng việc kiểm soát thành phố Sloviansk tại tỉnh Donetsk sẽ quyết định khả năng thành công của Nga tại vùng Donbass ở miền đông Ukraine.

Sloviansk là thành phố có khoảng 111.000 dân, cách thủ đô Kyiv 643 km về hướng đông. Sloviansk chưa hứng chịu đợt tấn công quy mô lớn nào từ đầu chiến dịch quân sự của Nga.

Xem thêm: Sloviansk - chiến trường then chốt tiếp theo ở Ukraine?

Mục tiêu đàm phán của Ukraine

Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định Ukraine không thể ngừng đàm phán với Nga dù giữ nguyên cáo buộc Nga lạm sát dân thường, điều Moscow bác bỏ.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine sau chuyến thăm thị trấn Bucha, ông Zelensky nói việc tiếp tục đối thoại với Nga sẽ là một “thách thức” do áp lực trong nước nhưng ông nhận ra rằng bản thân không còn lựa chọn nào khác:

Tổng thống Ukraine Zelensky đặt mục tiêu khi tiếp tục đàm phán với Nga

Tổng thống Ukraine nhấn mạnh mục tiêu đối thoại với Nga là “tìm lối ra cho tình hình hiện tại mà không mất lãnh thổ”. Ông khẳng định muốn có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán và sự ủng hộ từ người dân Ukraine đã hỗ trợ cho điều này.

Tại buổi họp báo ngày 6.4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng hòa đàm giữa Moscow và Kyiv thiếu tiến triển. Ông cho biết đang triển khai thiết lập vòng đối thoại mới nhưng còn chặng đường dài trước khi đạt tiến triển.

Xem thêm: Tổng thống Ukraine Zelensky đặt mục tiêu gì khi tiếp tục đàm phán với Nga?

Xem thêm về tình hình chiến sự Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.