Chiến sự tối 19.11: Ukraine bác bỏ ‘thuyết âm mưu’ về khả năng đầu hàng

Khánh An
Khánh An
19/11/2022 19:14 GMT+7

Cố vấn Mykhailo Podolyak của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bác bỏ thuyết âm mưu cho rằng nước này đang đầu hàng, trong khi ông Zelensky cho rằng Nga tìm kiếm lệnh ngừng bắn ngắn hạn để hồi phục sức mạnh.

Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn chính trị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky

reuters

Tờ The Guardian ngày 19.11 dẫn lời ông Mykhailo Podolyak, cố vấn chính trị của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, bác bỏ “những thuyết âm mưu” về việc nước này đang đầu hàng, sau gần 9 tháng Nga tiến hành chiến dịch quân sự.

“Ukraine sẽ không quỳ trước người Nga. Đó không phải là chuyện chính trị mà là chuyện sống còn”, ông Podolyak viết trên Twitter.

Xem nhanh: Ngày 268 chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine có diễn biến gì nóng?

Ông cũng bác bỏ những đồn đoán về việc phương Tây bí mật đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin để dàn xếp tình hình Ukraine.

Theo AFP, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby ngày 18.11 nhấn mạnh rằng chỉ có Tổng thống Zelensky mới quyết định về việc tiến hành hòa đàm với Nga, đồng thời bác bỏ thông tin cho rằng Mỹ đang gây áp lực để Ukraine đàm phán.

Các binh sĩ Ukraine bắn pháo 152 mm tại Donetsk

afp

“Chúng tôi đều đồng ý rằng sự dàn xếp đàm phán ngoại giao là điều tốt nhất chỉ sau khả năng ông Putin rút quân. Chúng tôi cũng nói rằng ông Zelensky mới quyết định về việc ông có sẵn sàng đàm phán hay không, thời điểm khi nào và đàm phán ra sao”, ông Kirby phát biểu và nhấn mạnh rằng không ai từ Mỹ đang thúc đẩy nhà lãnh đạo Ukraine đến bàn đàm phán.

Phát biểu từ xa tại Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax (Mỹ), Tổng thống Zelensky nhấn mạnh rằng việc nhượng bộ đất đai để chấm dứt xung đột sẽ không thể dẫn đến hòa bình thực sự.

“Sự thỏa hiệp trái đạo đức sẽ dẫn đến việc có thêm người đổ máu”, ông phát biểu và cho rằng Nga hiện đang tìm kiếm lệnh ngừng bắn ngắn hạn để khôi phục sức mạnh.

Về tình hình chiến sự, báo Kyiv Independent ngày 19.11 đưa tin phía Nga pháo kích tỉnh Sumy 13 lần, nhưng chưa có thông tin thiệt hại.

Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng vũ trang Ukraine cho hay Nga tổn thất 83.880 binh sĩ tại Ukraine kể từ ngày 24.2.

Bên cạnh đó, từ ngày 10-16.11, khoảng 500 binh sĩ Nga bị thương đã được đưa đến các bệnh viện tại Horlivka ở Donetsk.

Tại miền nam, Nga tổn thất thêm 26 binh sĩ và 2 xe tăng gần Oleshky thuộc tỉnh Kherson trong ngày 18.11. Phía Ukraine còn tấn công một điểm tập trung các binh sĩ và thiết bị của Nga tại Mykolaiv khiến Nga tổn thất 7 binh sĩ và 2 xe bọc thép.

Nga chưa bình luận về các thông tin trên.

Dân Nga vẫn chi 15 tỉ USD sắm hàng ngoại nhập bất chấp cấm vận bằng cách nào?

Theo Sputnik ngày 19.11, lực lượng Ukraine đã tấn công bằng hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) tại Luhanks nhưng chưa rõ thiệt hại.

Ukraine nói về tên lửa rơi ở Ba Lan

Ukraine đã thừa nhận có khả năng mảnh tên lửa của nước này rơi xuống Ba Lan trong lúc có quá nhiều tên lửa trên bầu trời trong vụ Nga tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine ngày 15.11.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 18.11, phát ngôn viên không quân Ukraine Yuriy Ignat cho biết Nga đã phóng tổng cộng 96 tên lửa vào Ukraine trong ngày 15.11, trong đó ít nhất 20 quả được phóng về phía khu vực miền tây, giáp giới Ba Lan, theo tờ The Washington Post.

Để ngăn chặn, Ukraine cũng phóng hàng loạt tên lửa và bắn rơi được 77 quả tên lửa của Nga. Chỉ trong vài phút, Ukraine phóng ít nhất 30 quả tên lửa để đánh chặn 20 quả của Nga bắn về miền tây, do đó không loại trừ khả năng mảnh vỡ tên lửa của hai bên đã rơi xuống Ba Lan.

Ukraine thừa nhận khả năng tên lửa của mình rơi ở Ba Lan gây chết người

“Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra do cuộc chiến phòng không này”, ông Ignat nói và thừa nhận ít nhất một vài phần tên lửa có thể là của Ukraine.

Xem thêm: Kyiv thừa nhận khả năng tên lửa rơi ở Ba Lan là của Ukraine

Pháo tự hành Đức gặp trục trặc

Tạp chí Der Spiegel ngày 19.11 đưa tin Đức đã bàn giao tổng cộng 14 khẩu pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 cho Ukraine, nhưng việc thiếu phụ tùng thay thế đang đe dọa khả năng hoạt động của vũ khí này.

Theo đó, Bộ Quốc phòng Đức đã không kịp thời đặt hàng các gói phụ tùng thay thế để sửa chữa thường xuyên và duy trì hoạt động của chúng.

Pháo tự hành của Đức gặp khó trên chiến trường Ukraine

Trong khi đó, phần lớn các hệ thống pháo do Đức cung cấp đang cần sửa chữa do được sử dụng nhiều ở mặt trận phía đông Ukraine. Có thông tin cho rằng mỗi khẩu pháo tự hành này được Ukraine phóng đến 300 quả đạn mỗi ngày khiến chúng bị hao mòn nhanh.

Trước đó vào tháng 7, Der Spiegel lần đầu đưa tin về những hư hao của loại pháo tự hành trên đã lưu ý rằng việc phóng 100 quả đạn hằng ngày đã được xem là việc sử dụng cường độ cao, trong khi việc thiếu đạn khiến Ukraine dùng đạn không tương thích.

Vì sao Nga còn nhiều tên lửa?

Liên quan vấn đề vũ khí trong xung đột ở Ukraine, tờ The New York Times ngày 19.11 đưa ra nhận định về khả năng Nga tiếp tục có nhiều tên lửa để sử dụng.

Giới chức Ukraine và phương Tây từng nói rằng kho tên lửa của Nga đang cạn dần, nhưng đợt phóng ồ ạt hôm 15.11 với 96 tên lửa làm dấy lên nghi vấn.

New York Times giải thích vì sao Nga vẫn còn nhiều tên lửa?

Bài báo nêu những khả năng giải thích cho vấn đề trên, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 16.11 cho rằng Nga đã liên hệ với Iran và CHDCND Triều Tiên để bổ sung kho đạn dược. Nga và Triều Tiên đều bác bỏ cáo buộc này.

Công ty tình báo Janes (Anh) lại cho rằng Nga đang chế tạo thêm nhiều tên lửa, có thể sử dụng những vi mạch lưu trữ hoặc công nghệ khác bị Mỹ và các đồng minh cấm vận.

Xem thêm: Pháo tự hành Đức gặp trục trặc, đồn đoán về kho tên lửa Nga

Mỹ sắp thiếu vũ khí cung cấp cho Ukraine?

Mùa đông đầu tiên đang đến Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự và xung đột bùng nổ, và số lượng dự trữ của một số loại vũ khí hiện đại và đạn dược mà Mỹ có thể cung cấp cho Ukraine đang tụt xuống mức thấp.

Đài CNN mới đây dẫn lời 3 quan chức Mỹ nắm thông tin trực tiếp cho biết trong số những thách thức đối với Washington hiện nay có áp lực đối với kho vũ khí cũng như khả năng đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Mỹ sắp cạn kho vũ khí hiện đại dành cho Ukraine?

Một quan chức cho hay dự trữ một số loại vũ khí đang “thu hẹp” sau gần 9 tháng cung cấp cho Ukraine trong chiến sự cường độ cao, và số lượng còn lại mà Mỹ có thể cung cấp đang có “mức độ hạn chế”.

Xem thêm: Mỹ sắp hết một số vũ khí hiện đại cung cấp cho Ukraine?

Châu Âu muốn Israel hỗ trợ Ukraine

Báo Haaretz của Israel dẫn lời ba quan chức ngoại giao cấp cao của châu Âu hôm 17.11 cho biết Mỹ đã tiếp cận chính phủ Israel vài tuần trước, thúc đẩy nước này hợp tác với NATO và phương Tây trong cuộc đấu tranh chống lại Nga và Tổng thống Vladimir Putin.

Theo các quan chức châu Âu, Mỹ muốn Israel cung cấp hệ thống phòng không cho Ukraine. Tuy nhiên, sau các cuộc đàm phán giữa hai chính phủ, cũng như sự cân nhắc của giới lãnh đạo và cơ quan an ninh Israel, nước này đã đồng ý tài trợ cho Ukraine các "vật liệu chiến lược".

Israel chi tiền mua 'vật liệu chiến lược' bí ẩn cho Ukraine dưới sức ép của Mỹ?

Các quan chức cho biết Thủ tướng Yair Lapid và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz của Israel đã phê chuẩn quyết định này.

Xem thêm: Israel chi tiền mua 'vật liệu chiến lược' bí ẩn cho Ukraine dưới sức ép của Mỹ?

Xem thêm diễn biến xung đột Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.