Chiến sự tối 7.10: Ukraine tuyên bố 'giải phóng' 500 km2 chỉ trong chưa đầy một tuần

07/10/2022 19:00 GMT+7

Ukraine tuyên bố tiếp tục giành nhiều thắng lợi trên chiến trường trong lúc các bên liên tục cáo buộc nhau về việc gây ra mối đe dọa hạt nhân.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị khai hỏa lựu pháo D-30 về phía Nga tại Kharkiv ngày 5.10

reuters

Ukraine tiếp tục thắng thế ở Kherson

Theo The Guardian, trong bài phát biểu tối 5.10, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết lực lượng nước này đang tiếp tục giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực ở miền nam.

“Kể từ đầu tháng 10, hơn 500 km2 đã được giải phóng chỉ riêng ở tỉnh Kherson", ông Zelensky tuyên bố.

Bà Natalia Gumeniuk, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh miền nam Ukraine, cũng cho biết lãnh thổ nước này vừa giành lại quyền kiểm soát là nơi có hàng chục thị trấn và làng mạc đã bị quân đội Nga kiểm soát trong nhiều tháng.

Xem nhanh: Ngày 225 chiến dịch, Ukraine muốn thêm thắng lợi trước mùa đông, muốn NATO tấn công phủ đầu Nga

Khí tài quân sự Nga chiếm phần lớn kho vũ khí Ukraine

Báo cáo tình báo quân sự Anh công bố ngày 7.10 nhận định số vũ khí thu giữ được từ Nga hiện chiếm một tỷ lệ lớn trong khí tài quân sự của Ukraine. Theo đó, Ukraine có thể đã thu được ít nhất 440 xe tăng chiến đấu chủ lực của Nga và khoảng 650 xe bọc thép khác kể từ đầu chiến dịch quân sự. Hơn một nửa đội xe tăng của Ukraine trên chiến trường có khả năng là xe tăng thu giữ được từ Nga.

Bộ Quốc phòng Anh nhận định việc binh sĩ Nga không phá hủy các khí tài nguyên vẹn trước khi rút lui hoặc đầu hàng cho thấy họ được huấn luyện kém và có kỷ luật chiến đấu thấp. Anh cũng dự đoán Nga có thể sẽ tiếp tục mất vũ khí hạng nặng với việc lực lượng Nga đang gặp nhiều áp lực và tinh thần binh sĩ ngày càng sa sút.

Nga lại đang là nguồn cung cấp vũ khí hạng nặng lớn nhất cho quân đội Ukraine

Nga chưa lên tiếng về các nhận định trên.

Nga tố Ukraine tấn công xe buýt

Hãng thông tấn TASS của Nga ngày 7.10 đưa tin ít nhất 5 người thiệt mạng và nhiều người bị thương sau khi lực lượng Ukraine tấn công một chiếc xe buýt trong khi pháo kích vào một cây cầu chiến lược ở khu vực Nga đang kiểm soát tại Kherson, phía nam Ukraine.

Nhà chức trách khu vực do Nga hậu thuẫn nói cuộc tấn công diễn ra khi chiếc xe buýt chở dân thường đang đi qua cầu Daryivskiy, gần làng Darivka.

Các đoạn video được hãng tin Zvezda của lực lượng vũ trang Nga đăng tải cho thấy đống đổ nát cháy rụi của thứ giống khung gầm của một chiếc xe buýt và một chiếc xe tải bị hư hỏng nặng phía sau.

“Các đội cứu thương đã nhanh chóng đến hiện trường và cấp cứu cho các nạn nhân”, kênh Telegram của các cơ quan y tế do Nga thành lập cho biết.

Đặc vụ tình báo Pháp đang được triển khai tại Ukraine

Cầu Daryivskiy dài gần 100 m là một trong những cây cầu duy nhất do Nga kiểm soát bắc qua sông Inhulets, một nhánh của sông Dnipro. Cây cầu này có tầm quan trọng chiến lược vì nó nối liền với hai khu vực do Nga kiểm soát trong khu vực. Cây cầu này chỉ cách thành phố Kherson 20 km về phía đông bắc và nằm trong khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập.

Ukraine chưa bình luận các cáo buộc của Nga.

Tổng thống Biden nói về mối đe dọa hạt nhân từ Nga

Theo AFP, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 6.10 nói việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chính là hiểm họa lớn nhất của thế giới kể từ Chiến tranh lạnh.

“Chúng ta chưa từng đối diện với viễn cảnh tận thế từ thời (Tổng thống John F.) Kennedy và cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Lần đầu tiên từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, chúng ta có một mối đe dọa trực tiếp về việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nếu mọi thứ tiếp tục diễn ra như thực tế”, ông Biden nói.

Tổng thống Biden nói ông Putin 'không nói đùa', mối nguy tận thế hạt nhân đã quay lại

Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng người đồng cấp Nga “không nói đùa” khi đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học, sinh học nhằm đạt được mục tiêu tại Ukraine “vì quân đội của ông ta, bạn có thể nói, đang ngày càng thể hiện yếu kém”.

Ông Biden cũng nhận định ngay cả khi Nga quyết định thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân chiến thuật với sức công phá nhỏ, điều đó cũng gây nguy cơ khơi mào một thảm họa tận thế.

Xem thêm: Tổng thống Biden: mối đe dọa tận thế hạt nhân thời Chiến tranh lạnh đã quay lại

Nga cáo buộc Ukraine 'châm ngòi chiến tranh thế giới'

Đài RT đưa tin Điện Kremlin cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cố châm ngòi một cuộc chiến tranh thế giới, sau khi ông kêu gọi NATO thực hiện cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào Nga để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Phát biểu trước Viện Lowy (Úc) hôm 6.10, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh NATO phải đảm bảo Moscow không sử dụng vũ khí hạt nhân nhắm vào lực lượng Ukraine. Để làm được điều này, ông Zelensky kêu gọi NATO và cộng đồng quốc tế thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu chống lại Nga để nước này “biết điều gì sẽ xảy ra” nếu quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân.

Sau đó, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố những phát ngôn của nhà lãnh đạo Ukraine cho thấy ý đồ châm ngòi một cuộc chiến tranh thế giới, vốn sẽ dẫn đến “những hậu quả tàn khốc không thể lường trước được”.

Tổng thống Ukraine muốn NATO tấn công phủ đầu Nga, bị Moscow tố kích động chiến tranh thế giới

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nói rằng phát biểu của ông Zelensky cho thấy sự cần thiết của việc phải thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Tuy nhiên, người phát ngôn của tổng thống Ukraine, ông Serhii Nykyforov, ngày 7.10 đã đính chính rằng Tổng thống Zelensky đang đề cập đến việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, theo Reuters.

Xem thêm: Nga cáo buộc Tổng thống Zelensky cố 'châm ngòi chiến tranh thế giới'

Belarus tố Ba Lan đem tới mối đe dọa hạt nhân

Đài RT đưa tin Tổng thống Alexander Lukashenko của Belarus ngày 6.10 tuyên bố nước này đang đối mặt với khả năng bị Ba Lan tấn công hạt nhân chiến thuật và cho biết ông sẽ thảo luận vấn đề này với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda trong bài phỏng vấn được tạp chí Gazeta Polska xuất bản ngày 5.10 cho biết Ba Lan đã hỏi Mỹ về việc tham gia vào chương trình "chia sẻ hạt nhân".

Chiến trường Ukraine giữa 'bóng ma' vũ khí hạt nhân

Tuy nhiên, tờ The Guardian dẫn lời một quan chức Nhà Trắng nói Mỹ "không biết về vấn đề này đang được nhắc tới”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel ngày 6.10 cho biết Washington “không biết về vấn đề đang được nêu ra. Và tôi có thể nói rằng Mỹ không có kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ thành viên NATO gia nhập liên minh sau năm 1997”. Trong khi đó, Ba Lan gia nhập NATO năm 1999.

Xem thêm: Belarus nói đang phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ Ba Lan

Chiến sự Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.