Chung tay ngăn người trẻ phạm pháp

16/04/2021 06:03 GMT+7

Tại tọa đàm “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội ”, các đại biểu cho rằng cần sự chung tay của toàn xã hội, trong đó vai trò của gia đình và nhà trường đặc biệt quan trọng.

Tọa đàm do Báo Thanh Niên tổ chức hôm qua 15.4, với sự tham dự của đại diện Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM, Đồng Tháp, Công an TP.HCM, các nhà xã hội học, chuyên gia tâm lý tội phạm... và phóng viên các báo, đài truyền hình.

Trong thời gian tới, ngoài việc các gia đình cần quan tâm tới các em hơn, thì cơ quan công an hãy tiếp tục tăng cường ra tay trấn áp tội phạm, nhằm giảm nguy cơ người trẻ phạm tội

Thầy Nguyễn Minh Thuần, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (H.Tháp Mười, Đồng Tháp)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhận định các vụ phạm pháp, hành vi bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, nhiều nghi phạm và nạn nhân đều rất trẻ, đang là học trò, khiến dư luận rất lo lắng. Đáng lo ngại là trong các vụ việc này có dáng dấp băng nhóm, gây hậu quả đau lòng và dài lâu. Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ, mạng xã hội phát triển là nét mới so với trước đây, thì hành vi của người trẻ do tác động của mạng xã hội lan truyền nhanh dẫn đến những mâu thuẫn, xúc phạm lẫn nhau. “Để ngăn chặn tình trạng tội phạm nhí, thông qua buổi tọa đàm, Báo Thanh Niên mong muốn cùng các vị đại biểu nêu ra được những giải pháp chung của toàn xã hội và tìm ra các giải pháp cụ thể để ngăn chặn, giải quyết, xử lý”, ông Nguyễn Quang Thông đề cập.

Giải pháp nào nhăn chặn người trẻ phạm tội?

Đừng để “khoảng trống” cho người trẻ

Phát biểu ngay sau đó, thiếu tá Trịnh Khánh Hùng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, cung cấp thêm thực trạng người trẻ phạm tội thông qua các “con số biết nói”. Theo thiếu tá Hùng, từ năm 2018 đến hết quý 1/2021 (tức 14.3.2021), Công an TP.HCM ghi nhận 516 vụ phạm pháp hình sự do người dưới 18 tuổi thực hiện; đã khám phá 474/516 vụ, xử lý 775 đối tượng, gồm xử lý hình sự 336 vụ/554 đối tượng, xử phạt hành chính 108 vụ/221 đối tượng, đang tiếp tục điều tra 42 vụ/109 đối tượng.

Cũng cần thay đổi hình thức phổ biến tuyên truyền pháp luật, song song với giáo dục kỹ năng phòng vệ cho học sinh nhằm ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội

Ông Lê Văn Ngợi, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng Sở GD-ĐT Đồng Tháp

Về độ tuổi và giới phạm tội, thiếu tá Hùng nêu theo thông kế, trẻ dưới 14 tuổi chiếm 3,62%, đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm 27,26%, dưới 18 tuổi chiếm 69,12%; nam giới phạm tội chiếm 95,99%, nữ là 4,01%. Có 46,51% người trẻ phạm tội trình độ văn hóa THCS, tiếp đến là THPT 20,41%, tiểu học 29,33%, không biết chữ chiếm 3,75%. Đáng lưu ý, trong số 884 người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi phạm pháp công an ghi nhận được, có 553 em đã bỏ học, chiếm 71,44%. “Vì vậy, môi trường giáo dục tại nhà trường rất quan trọng để định hướng tư duy cho người trẻ”, ông Hùng đúc kết.
Đến từ Đồng Tháp, ông Đinh Minh Phương (ngụ TT.Mỹ An, H.Tháp Mười), phụ huynh em Đ.M.T (học sinh lớp 12 Trường THPT Đốc Binh Kiều, là 1 trong 2 học sinh của trường trong vụ việc bị nhóm côn đồ từ bên ngoài vào trường bắt đưa đi hành hung gây bức xúc dư luận vừa qua), bày tỏ “rất bức xúc” vì con mình bị đánh dù không hề có mâu thuẫn với ai. “Bản thân tôi là phụ huynh, chỉ mong cơ quan chức năng, nhà trường, ngành giáo dục đưa ra giải pháp cụ thể để ngăn chặn những hậu quả xấu có thể xảy ra”, ông Phương mong muốn.

Học sinh vi phạm cần biện pháp hợp lý

Trả lời câu hỏi của độc giả gửi đến tọa đàm, về việc khi học sinh vi phạm, thay vì giữ các em trong trường để giáo dục, nhà trường lại thường áp dụng biện pháp đuổi học, tức là đẩy ra ngoài môi trường giáo dục sẽ dễ dẫn đến trẻ phạm pháp, ông Trần Văn Đạt nhìn nhận nếu chỉ áp dụng biện pháp đuổi học khi xử lý là ứng xử một cách cứng nhắc. “Trong quá trình xử lý, nhà trường phải linh hoạt để đưa ra giải pháp hợp lý”, ông Đạt nói.
Chia sẻ thêm về vụ việc, thầy Nguyễn Minh Trí, Phó hiệu trưởng Trường THPT Đốc Binh Kiều, cho biết nguyên nhân 2 học sinh bị đánh vì quen nhóm bạn ở ngoài và “vô tình liên đới trách nhiệm”. “Sau vụ việc, nhà trường tư vấn theo hướng chọn bạn chơi, tổ chức hoạt động tâm lý, sân chơi cho các em học sinh trong trường nhiều hơn. Nhưng điều nhà trường băn khoăn nhất, là thời gian các em không ở trường. Vì tại trường, nếu các em sa sút về ý thức, về học tập, hay tâm lý... là nhà trường sẽ nắm được. Còn thời gian không học tại trường, các em có tụ tập, gặp gỡ bạn bè xấu hay không? có sa vào những hành vi vi phạm pháp luật hay không?... là những điểm đáng lo”, thầy Trí nói và cho rằng: “Gia đình nên chủ động quan tâm thường xuyên, nắm bắt tâm lý bất thường (nếu có) của các em học sinh và báo với nhà trường, để cùng nhau có giải pháp”.
Chung quan điểm, thầy Nguyễn Minh Thuần, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (H.Tháp Mười, Đồng Tháp), cũng cho rằng các em ngoài giờ học nếu bị đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng làm những chuyện không tốt thì lại nằm quá tầm can thiệp của nhà trường. “Trong thời gian tới, ngoài việc các gia đình cần quan tâm tới các em hơn, thì cơ quan công an hãy tiếp tục tăng cường ra tay trấn áp tội phạm, nhằm giảm nguy cơ người trẻ phạm tội”, thầy Thuần kiến nghị.

Hướng thiện trên không gian mạng

Xây dựng “mạng lưới” gia đình - nhà trường  - xã hội chặt chẽ hơn

Tôi rất đồng tình, đánh giá cao việc cần có một hệ thống tham vấn học đường hoạt động thật sự hiệu quả. Tham vấn học đường không chỉ làm việc những trường hợp có vấn đề, đó còn là giáo dục, là phòng ngừa, là cố vấn cho nhà trường, thậm chí còn là nghiên cứu. Tại VN hiện rất thiếu các nghiên cứu khoa học về tâm lý giáo dục trong thanh thiếu niên. Đối với tham vấn học đường, hệ thống trường học của Tập đoàn Nguyễn Hoàng xem là rất cần thiết và đã được triển khai từ lâu nay. Bởi vì khi chăm sóc đến các bạn trẻ, chúng ta cần chăm sóc đến từng
cá nhân để đạt được hiệu quả tốt nhất. Đặc biệt là phát hiện sớm những trường hợp các bạn đang có vấn đề.
Làm sao để tăng sự kết nối giữa học sinh với giáo viên, nhà trường và tích hợp các kỹ năng cảm xúc - xã hội vào công tác giáo dục là điều hết sức cần thiết. Từng gia đình, nhà trường phải kéo các em về phía mình, tránh để các em sa vào những phần tiêu cực của mạng xã hội và từ đó có những hành xử không phù hợp.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Ân (quyền Trưởng bộ môn Tâm lý học Đại học Hoa Sen)
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, cho rằng mạng xã hội, internet ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý trẻ. Dẫn hiện tượng “VN dường như quay lại điện ảnh Hồng Kông thập niên 1980” khi văn nghệ sĩ làm phim giang hồ, duyệt không được thì đưa lên web drama đăng với nội dung nhuốm màu bạo lực, kích động phong trào..., ông nhận định: “Điều đó dẫn tới định hướng giá trị của chúng ta đang có sự thay đổi. Nghệ sĩ muốn làm nghệ sĩ giang hồ, giang hồ thì muốn làm nghệ sĩ. Cứ như vậy xã hội lẫn lộn, tạo thành trào lưu. Huấn “hoa hồng” nói gì cũng được không ít người trẻ nghe theo, tôn là thầy. Rồi YouTuber xuất hiện. Họ đi đâu họ cũng tự xưng là YouTuber, họ tự dưng xông vào nhà mình rồi nói là YouTuber, buộc người dân phải tiếp…”, và cho rằng đã đến lúc chúng ta nên nhìn nhận lại, cả những bậc phụ huynh và những bạn trẻ, định hướng giá trị sống của mình. “Người dân không bao giờ nhạt phai niềm tin vào báo chí, và tin vào báo chính thống. Vì vậy, vai trò của báo chí trong định hướng cách sống với giới trẻ cũng rất quan trọng”, tiến sĩ Báu phân tích.
Tiến sĩ tâm lý học Đào Lê Hòa An, Giám đốc Trung tâm ứng dụng khoa học tâm lý, cũng nhìn nhận thế hệ trẻ hiện được sinh ra trong môi trường internet, smartphone, YouTuber, nên được tiếp nhận thông tin rất nhanh chóng nhưng thông tin đó không được kiểm chứng rõ ràng. “Tiếp cận nhanh, thụ hưởng nhanh nhưng có nhiều thông tin lại sai lệch. Trong khi bộ lọc bạn trẻ bị yếu. Phải nâng cao bộ lọc này từ sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan truyền thông, nhà trường, xã hội bằng các biện pháp nâng cao kỹ năng sống”, tiến sĩ An nhấn mạnh. Ông chia sẻ từng phỏng vấn 20 nạn nhân trong tình huống bạo lực học đường diễn ra, trong đó có em đứng một chỗ cho một bạn tát nhiều lần, đến khi chảy máu mũi. “Tôi hỏi tại sao không chạy, thì em này trả lời “khi các bạn đánh em, chỉ có 1 bạn đánh thôi, còn lại 20 - 30 bạn còn đứng xung quanh livestream trên điện thoại. Em mà quay lưng bỏ chạy thì bị nhục. Thà em bị ăn đục chứ không chịu nhục được”, tiến sĩ An kể và cho rằng: “Sự phát triển tâm lý cái tôi của các bạn rất lớn. Phải có giải pháp dành cho các bạn cổ vũ và không can ngăn. Tôi đã nghiên cứu các quy định pháp luật, và sách giáo khoa liên quan hiện nay, quy định xử lý về tình huống bạo lực cũng như xử lý các bạn trẻ tiếp tay bạo lực như thế nào, lại không thấy văn bản hay quy định đó. Do đó giải pháp chưa đồng bộ để xử lý triệt để”. Bên cạnh đó, theo tiến sĩ An, nếu tạo được sân chơi giúp các bạn bày tỏ, giải tỏa và khẳng định được bản sắc thì tiêu cực sẽ được đẩy lùi và tích cực ngày càng phát triển hơn.

Tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ

Chia sẻ tại tọa đàm, tiến sĩ Đoàn Văn Báu cũng cho rằng các nội dung giáo dục hiện vẫn quá nặng nề về lý thuyết, kỹ năng mềm học ở trường lại hạn chế. “Chưa có bộ sách riêng về tâm lý sống để đưa chính thức vào chương trình của Bộ Giáo dục. Như vậy thì các em làm sao biết cách để đối phó với những đối tượng xấu đang muốn lôi kéo? Đào tạo kỹ năng sống cũng phải rõ ràng, có chương trình rõ ràng, mới trang bị cho các em kỹ năng tốt được”, ông Báu nói.

Xây dựng văn hóa ứng xử học đường

Ngành giáo dục TP.HCM đang thực hiện 2 giải pháp mang tính căn cơ, làm giảm thiểu tối đa người trẻ vi phạm pháp luật. Thứ nhất, là công tác phổ cập giáo dục và đảm bảo duy trì chỉ số ở các nhà trường, cấp học. Đây là điều quan trọng. Bởi số liệu do ngành công an, các diễn giả đưa ra thì trường hợp người trẻ phạm tội phần lớn các em nghỉ học, bỏ học, hoàn cảnh khó khăn. Nếu giữ được học sinh trong môi trường học đường, giáo dục các em thì ngăn chặn nguy cơ các em tiếp xúc các thành phần phức tạp ngoài xã hội.
Thứ hai, đó là giáo dục toàn diện học sinh. Trường học bây giờ không chỉ là nơi dạy học, mà còn là nơi để các em được tham gia các hoạt động toàn diện. Trong đó tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, phổ biến tuyên truyền pháp luật, giúp các em có kiến thức nền tảng về pháp luật, và hướng các em đến sống theo pháp luật, để không vi phạm.
Về giải pháp tương lai, ngành giáo dục TP.HCM sẽ quán triệt và nâng cao kỹ năng sống đến từng cá thể học sinh. Nhà trường, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh phải phối hợp chặt chẽ trong câu chuyện giúp đỡ, giáo dục học sinh, theo quan điểm phòng trước. Nếu mối quan hệ này tốt, mọi diễn biến, tư tưởng của học sinh chúng ta có thể kiểm soát được và hạn chế tối đa học sinh có những hành động bộc phát, hoặc những hành động mang tính chất vi phạm pháp luật; các trường cần thực hiện tốt hơn bộ quy tắc ứng xử tại nhà trường để xây dựng văn hóa ứng xử học đường cho các bạn trẻ.
Ông Trịnh Duy Trọng (Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM)
Ông Lê Văn Ngợi, Trưởng phòng Chính trị - Tư tưởng Sở GD-ĐT Đồng Tháp, cũng cho rằng đến lúc phải có quy trình xử lý bạo lực học đường ngay tại nhà trường, vì thực tế đã chứng minh có những vụ việc không xử lý kịp. Bên cạnh đó, các trường phải được đầu tư thêm sân chơi. “Các trường gần như thiếu sân bóng đá, thiếu hồ bơi… khiến học sinh hở ra thì ôm điện thoại. Cũng cần thay đổi hình thức phổ biến tuyên truyền pháp luật, song song với giáo dục kỹ năng phòng vệ cho học sinh nhằm ngăn chặn nguy cơ người trẻ phạm tội”, ông nêu ý kiến.
Đánh giá cao Báo Thanh Niên tổ chức tọa đàm tìm giải pháp về “một thực trạng cả xã hội đang rất quan tâm”, ông Trần Văn Đạt, quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ GD-ĐT, cho biết ngành giáo dục từ nhiều năm qua đã có những giải pháp tốt, mô hình hay để góp phần vào công tác này. “Ngành xác định có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người trẻ phạm pháp là đạo đức lối sống xuống cấp, thiếu hiểu biết pháp luật, coi thường pháp luật. Từ đó, ngành đã có nhiều chương trình tập trung giải quyết các nguyên nhân, xây dựng từng chương trình phù hợp lứa tuổi, quy định pháp luật. Tại mỗi trường học đều có các quy định, từ đó nhà trường, giáo viên sẽ giúp các em biết những hành vi nào đúng, hành vi nào vi phạm, từ đó hình thành ý thức chấp hành pháp luật”, ông Đạt nói.
Phát biểu kết thúc tọa đàm, ông Nguyễn Quang Thông đánh giá cao các ý kiến đã phân tích làm rõ thêm nguyên nhân, thực trạng và giải pháp phòng ngừa người trẻ phạm tội. “Chúng tôi tin rằng ngành giáo dục sẽ có nhiều chương trình, nội dung liên quan kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ bản thân… truyền đạt đến học sinh. Đáng chú ý, đối với hành vi livestream trên mạng xã hội những vụ đánh nhau, bạo lực để câu view, câu like, vì mục tiêu kinh tế, tôi kiến nghị ngành công an nói chung và Công an TP.HCM nói riêng cần xử lý vài trường hợp người livestream phản cảm để làm gương, răn đe”, ông Nguyễn Quang Thông nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.