Chuyên gia phản biện quyết liệt với đề xuất bỏ cảng Liên Chiểu

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
08/11/2019 06:36 GMT+7

Cuộc hội thảo quốc tế lấy ý kiến về phương án quy hoạch, đầu tư các cảng biển Đà Nẵng diễn ra chiều 7.11 tại Trung tâm hành chính TP.Đà Nẵng nóng như chảo lửa bởi những ý kiến phản biện gay gắt.

Theo đề xuất của Công ty Sakae Corprate Advisory - Công ty tư vấn Surbana Jurong (Singapore), liên danh được UBND TP.Đà Nẵng chọn lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP đến 2030, tầm nhìn 2045 và thiết kế chiến lược phát triển kinh tế TP đến 2030 cho rằng: không nên xây Cảng Liên Chiểu (phía bắc vịnh Đà Nẵng) để bảo vệ tầm nhìn từ đồi núi ra vịnh; Việc hình thành cảng mới tạo 2 luồng nước sâu qua lại với Cảng Tiên Sa, lo ngại vịnh Đà Nẵng sẽ biến đổi không thể đảo ngược.
Surbana Jurong đánh giá Cảng Tiên Sa hiện tại có vị trí lý tưởng để phục vụ 2 mục đích du lịch và hàng hóa, có cơ hội mở rộng, nâng cao tính cạnh tranh của TP nếu giải phóng mặt bằng, nâng đường bờ lên 5,4 km thì đủ đáp ứng thay Cảng Liên Chiểu với đảo nhân tạo, cầu, khu kiểm soát hải quan, tiện ích hải quân, kết hợp phục vụ tàu du lịch.
Cần nói thêm rằng, chủ trương đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, vốn đã được bàn bạc từ 20 năm qua và mới đây được Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045. Chính vì vậy, đề xuất này nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân và dư luận.

Đa số ý kiến không đồng tình

Tham gia ý kiến, ông Satoshi Sugimoto (Y-port Expert), chuyên gia của Yokohama (Nhật Bản - TP kết nghĩa với Đà Nẵng), và ông Nguyễn Hoàng, Cục phó Cục Hàng hải, đồng quan điểm cho rằng tư vấn Surbana Jurong chưa cung cấp đủ dữ liệu để so sánh ưu nhược điểm xây Cảng Liên Chiểu hay chỉ mở rộng Cảng Tiên Sa.
Trong khi đó, ông Bas Van Dijk, Tổng giám đốc Công ty Royal Haskoning DHV VN, cảnh báo nếu không tháo gỡ sớm nguy cơ quá tải ở Cảng Tiên Sa. Phương án cầu vượt, đường bộ, đường sắt trên cao qua trung tâm để kết nối giao thông khi mở rộng Cảng Tiên Sa của Surbana Jurong khi tăng tiếng ồn, giảm giá trị đất đai. Chưa kể mở rộng Cảng Tiên Sa để tích hợp giữa hàng hóa và du lịch sẽ xung đột với cảng hải quân. Ông Trần Dân, Phó chủ tịch Hội Cầu đường TP, phát biểu ngắn gọn nhưng gay gắt: “Tôi phản đối mở rộng Cảng Tiên Sa, vì không nên đụng vào đất Sơn Trà!”.
Chuyên gia cảng Nguyễn Minh Quý (Japan Port Consultants) chỉ ra nhược điểm rất lớn về kỹ thuật qua 20 năm tư vấn Cảng Tiên Sa: “Điểm yếu chết người ở Tiên Sa là mùa mưa sa bồi ở cảng rất lớn, rất loãng, nếu nạo vét để có thể đón tàu 100.000 tấn thì tôi hơi băn khoăn vì chi phí nạo vét có thể hút hết lợi nhuận. Đây là vấn đề quan trọng tư vấn bỏ sót. Chúng ta có bài học Hải Phòng nạo vét vài chục tỉ đồng/năm nhưng cuối cùng cũng phải xây cảng khác cho tàu 100.000 tấn”.
Ở góc độ kinh tế, ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng với 30 năm làm cảng, cho rằng không chỉ du lịch, mà logistics cũng mang lại nguồn thu lớn. “Mỹ xây Cảng Tiên Sa từ 1965, đến nay xong sứ mạng rồi. TP đang cấm giờ chạy xe container vào cảng khiến doanh nghiệp rất khó, nhưng để hạn chế tai nạn, nếu không làm Cảng Liên Chiểu thì quá uổng đi. Bàn tới bàn lui chi cho nhiều, khẩn trương mà làm nhanh, không nhà nước thì tư nhân làm”, ông Sia nói.

Cần tiếp tục bổ sung dữ liệu quy hoạch

Trước 8/11 ý kiến phản biện bác bỏ quyết liệt; 3 ý kiến còn lại cho rằng cần thêm các số liệu để cân nhắc tính toán, liên danh tư vấn thống nhất cần mời thêm chuyên gia trong lĩnh vực để xem xét các vấn đề địa phương, để quyết định mấu chốt cơ sở hạ tầng lựa chọn Cảng Tiên Sa hay Liên Chiểu, để xây dựng quy hoạch tổng thể.
Kết luận, Phó chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng đề nghị nhà tư vấn xác định rõ: Cảng Đà Nẵng là cụm cảng cửa ngõ mang tính quốc tế, tầm khu vực chứ không chỉ Cảng Tiên Sa, để làm cơ sở quy hoạch. Ông Dũng cũng đề nghị tư vấn khẩn trương bổ sung thêm dữ liệu để thuyết phục người dân, chuyên gia về các đề xuất trong bối cảnh thời gian không còn nhiều, việc quyết định phát triển cảng ảnh hưởng cấu trúc đô thị, mạng lưới giao thông, phương án nào cũng phải tuân thủ mục tiêu tạo cơ sở tạo động lực phát triển kinh tế mới.
Dự án Cảng Liên Chiểu (do Bộ GTVT trình Chính phủ phê duyệt) có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư khoảng 32.860 tỉ đồng theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000 DWT, tàu container từ 6.000 - 8.000 teus, công suất 17 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.