Chuyện kỳ diệu ở làng trẻ SOS

10/09/2022 06:42 GMT+7

Khi đặt chân tới Colombia, Áo, Mỹ và nhiều quốc gia khác, người đầu tiên Phong nhớ là mẹ Hạnh, người mẹ của làng trẻ SOS TP.HCM nuôi Phong từ khi cậu còn ẵm ngửa, èo uột trên tay.

Lê Hoàng Phong, cậu bé mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chưa tròn 1 tháng tuổi ấy, dưới sự chăm sóc của mẹ Hạnh và các mẹ ở làng trẻ SOS TP.HCM bây giờ đã 30 tuổi, khôi ngô. Đặc biệt, trải qua những năm tháng cơ hàn, phải đi bán vé số, làm thuê mướn ở các nơi lấy tiền ăn học, Phong đã trở thành một thầy giáo dạy tiếng Anh, đồng thời liên tiếp săn được học bổng đi nhiều nước trên thế giới. Câu chuyện về Phong thắp sáng những niềm tin cho bất cứ ai đang ở vực thẳm của đời mình: đừng bao giờ gục ngã trước nghịch cảnh.

Lê Hoàng Phong tạo học bổng Hạnh nhằm trao cơ hội học tiếng Anh cho những trẻ em mồ côi, khó khăn

NVCC

Hai tiếng “chết” khô khốc

“Tôi cầm trên tay tất cả những gì gọi là kỷ vật về cha mẹ mình, không có gì cả. Chỉ là tờ giấy khai sinh, ghi hai chữ “chết” khô khốc ở cột cha, mẹ. Hồ sơ của tôi cũng ghi vỏn vẹn những dòng đau lòng “mồ côi cả cha lẫn mẹ khi chưa tròn 1 tháng tuổi”, Phong xúc động kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời anh.

Trong hồ sơ làm thủ tục nhận trẻ vào làng trẻ em SOS TP.HCM, Phong được ghi sinh ra ở ấp 4, xã Suối Ngô, H.Tân Châu, Tây Ninh. Cả cha lẫn mẹ đều đã chết, người nhận nuôi ở Tây Ninh cũng quá khó khăn, thường xuyên phải nhận cứu trợ.

Lớn lên trong làng trẻ, dưới sự yêu thương của các mẹ và sự tương trợ từ những nhà hảo tâm khắp mọi nơi, Phong khôn lớn và già dặn, sớm biết suy nghĩ trước tuổi. Những lúc không đến trường, cùng với mấy anh chị trong làng trẻ, Phong đi bán vé số cho người đi viếng mộ ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Lớn hơn chút nữa, Phong đi bưng phở, hủ tiếu thuê, dọn phòng khách sạn, đi bán đồng hồ, nước hoa thuê cho người ta... “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”, có một kỷ niệm mà Phong khó quên được là năm đang học cấp 3, anh muốn đi học thêm tiếng Anh mà không có tiền. Mẹ Hạnh về quê ở H.Củ Chi, vay mượn được người dì 1 chỉ vàng rồi hai mẹ con chở nhau trên một chiếc xe đạp cọc cạch để đi bán. Bước vào cửa tiệm, ánh mắt nhìn khó chịu của người nhân viên khi thấy hai mẹ con áo quần cũ kỹ xói thẳng vào tim Phong. “Giây phút ấy tôi đã thề với mình phải thật sự thành công, để mang lại tự hào cho mẹ tôi”, Phong bộc bạch.

Là sinh viên ngành Quốc tế học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Phong làm thuê mướn kiếm tiền đi học thêm tiếng Anh. Bị mắng mỏ tới đâu, Phong vẫn kiên nhẫn. Anh luôn có một niềm tin mãnh liệt rằng những điều tốt đẹp sẽ đến, sau những tháng ngày cơ hàn.

Phong (hàng ngồi, thứ 4 từ trái qua) đang là giáo viên tiếng Anh tại TP.HCM

NVCC

Những điều kỳ diệu

Nhờ sự hỗ trợ của một người anh quen biết trong làng trẻ em SOS làm nghề phiên dịch, Phong được dẫn đi trong các buổi phiên dịch. Vừa quan sát, vừa học việc, cùng với sự rèn luyện chăm chỉ, một thời gian sau Phong đã có thể tự dịch một mình. Trình độ cao hơn, anh có thể dịch cabin (phiên dịch trực tiếp trong các sự kiện hội thảo, tọa đàm).

“Ngày ấy, sau mỗi buổi đi dịch, cảm giác thèm được bay đến những bầu trời khác nhau trong tôi ngày càng lớn hơn. Làm thế nào để một ngày có thể bước ra ngoài thế giới? Không có tiền, tất cả chỉ còn một cách, đó là đi săn các học bổng”, Phong chia sẻ.

Tốt nghiệp ĐH, Phong giành học bổng học thạc sĩ về quản lý giáo dục tại Malaysia và trong hơn 1 năm học ở nước bạn, mỗi buổi tối anh đều đi bán bánh mì kẹp thịt với dưa leo, gặp không ít những phận người Việt làm thuê cơ cực ở xứ người.

Năm 2017, khi cơ hội ở Malaysia vẫn còn rất rộng mở, thấy tổ chức Teach For Vietnam (thuộc mạng lưới tổ chức giáo dục Teach For All toàn cầu, có mặt trên 60 quốc gia) tuyển giáo viên tiếng Anh cho trẻ em ở Tây Ninh, Phong đăng ký và là trẻ mồ côi đầu tiên của VN trở thành giáo viên của Teach For Vietnam.

Vừa làm việc, Phong vừa đi học và nhận các chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm, quản lý giáo dục… Năm 2019, Phong là người VN đầu tiên và duy nhất cho tới nay được tổ chức Teach For All trao học bổng toàn phần tham gia chương trình “Lãnh đạo giáo dục bằng kinh nghiệm thực tiễn” tại Colombia.

Phong không thể nào quên năm 2019, anh được AIT Austrian Institute of Technology (Viện Công nghệ lớn nhất nước Áo) trao học bổng toàn phần tham gia diễn đàn European Forum Alpbach tại Áo.

Năm 2020, anh được tổ chức Teach First Danmark trao học bổng toàn phần tham gia Diễn đàn giáo dục Copenhangen Calling, tại Đan Mạch. Song năm đó vì dịch bệnh, Phong không thể lên đường.

Cũng năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng anh là một trong 4 người VN được tham gia chương trình trực tuyến "Future Leaders Connect" của Hội đồng Anh…

Mở học bổng Hạnh, dạy tiếng Anh cho trẻ em nghèo

Tới nay, cuốn hộ chiếu của Phong được đóng dấu nhập cảnh tới 17 quốc gia: 10 nước Đông Nam Á, Mỹ, Trung Quốc, Colombia, Nga, CH Czech, Slovakia, Áo.

Một người trẻ giàu khát vọng, ý chí

Ông Trần Hữu Hậu, nguyên Bí thư Thành ủy TP.Tây Ninh, đại biểu Quốc hội khóa XV (2021 - 2026), kể với chúng tôi Phong là thầy giáo dạy tiếng Anh cho ông những năm trước đây, đó là một người trẻ giàu khát vọng, ý chí. “Thầy Phong dạy những kiến thức rất thực tiễn. Thầy sống có nghĩa, có tình”, ông Hậu kể.

Ông Hậu cũng cho biết năm 2017 Phong từ bỏ cơ hội của mình đang có ở Malaysia, về Tây Ninh để dạy tiếng Anh cho các trẻ em khó khăn. Phong nói vì muốn dạy trẻ em những kiến thức thực tiễn, ở chính vùng đất anh đã được sinh ra. Và mẹ Hạnh đã già yếu, Phong muốn được ở gần lo cho mẹ, sợ khi mẹ có cơ sự gì, mình không thể nào về bên mẹ kịp.

Trong khi đó, cô Lưu Thị Ngọc Sương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Chà Là, H.Dương Minh Châu, người gắn bó với Phong khi anh về Tây Ninh dạy học trong chương trình Teach For Vietnam giữ mãi ấn tượng về Lê Hoàng Phong. “Ngày ấy các em nhỏ ai cũng mong đến giờ dạy của thầy Phong. Đến bây giờ Phong vẫn giữ liên lạc với nhà trường, hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo. Biết những thành tựu của Phong, tất cả chúng tôi đều tự hào về người đồng nghiệp, người em thân thiết”, cô Sương xúc động.

Mới đây nhất, tháng 7.2022, Phong mới trở về từ Mỹ sau khi được Bộ Ngoại giao Mỹ trao học bổng toàn phần tham gia chương trình “YSEALI Professional Fellowship” diễn ra trong 6 tuần. Trải nghiệm ở Mỹ không còn gì tuyệt vời hơn chàng trai tuổi 30. Lần đầu tiên anh được tham dự cuộc họp tại văn phòng Phó tổng thống Mỹ, lần đầu được dự tiệc chiêu đãi tại trụ sở chính của Bộ Ngoại giao Mỹ, tham dự lễ quốc khánh của đất nước này…

Có cơ hội được làm việc trong nhiều tập đoàn nước ngoài với mức lương cao nhưng Phong từ chối. Anh mở doanh nghiệp xã hội lấy tên YOURE, dạy tiếng Anh cho người trẻ. Anh trích lợi nhuận thu được để duy trì học bổng tên “Hạnh”, tên mẹ của anh ở làng trẻ SOS TP.HCM, để trao cơ hội học tiếng Anh cho những trẻ em mồ côi, khó khăn, như anh ngày xưa.

“Cảm giác khi lần đầu tiên đặt chân tới Colombia, Áo, hay Mỹ sau những lần giành học bổng với tôi không phải là tuyệt vời mà là điều gì lớn lao hơn cả thế. Nó là sự hạnh phúc. Xúc động. Và biết ơn. Mẹ Hạnh, người đã nuôi tôi và bao anh chị em khác ở làng trẻ SOS, tất cả đều xuất phát từ tình yêu thương chứ không phải vì tiền. Và bây giờ tôi tiếp tục đi theo hành trình của tình yêu thương ấy, giống như mẹ”, Phong bộc bạch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.