Cơ hội ‘có 1 không 2’ để TP.HCM xây dựng trung tâm tài chính

18/10/2019 18:33 GMT+7

TP.HCM hoàn toàn hội tụ đủ cơ hội để trở thành trung tâm tài chính mang tầm cỡ khu vực và thế giới .

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ hai với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” tổ chức sáng 18.10 tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng khẳng định trung tâm tài chính phải là đề án của quốc gia.
Ông Dũng đánh giá, TP.HCM đã mạnh dạn, chủ động và quyết tâm nghiên cứu, triển khai xây dựng một trung tâm tài chính, đặt nền móng cho triển vọng phát triển trung tâm tài chính của quốc gia, khu vực và thế giới. “Phải nói rằng đây không chỉ là ước mơ của cá nhân tôi, mà còn là mong đợi của rất nhiều người, của nhiều nhà đầu tư, tổ chức tài chính, doanh nghiệp và người dân Việt Nam”, ông Dũng nhấn mạnh.
Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, theo Bộ trưởng KH-ĐT đang sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên sẵn có để phát triển các trung tâm tài chính. Ngoài ra, nếu lấy com-pa đặt tâm là TP.HCM và quay với khoảng cách khoảng 3 giờ bay, sẽ dễ dàng thấy được nó sẽ phủ một diện rộng, bao gồm các nền kinh tế năng động như: Singapore, Malaysia, Indonesia...
Bên cạnh đó, so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, TP.HCM đang có điều kiện và cơ hội hiếm có để ghi tên mình trên bản đồ thị trường tài chính toàn cầu. Là một đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng góp khoảng 24% GDP cả nước, 1/3 ngân sách quốc gia, 27% tổng kim ngạch xuất khẩu, 22% tổng vốn FDI cả nước… Điều này cho thấy, nhu cầu hoạt động tài chính ở khu vực TP.HCM là rất lớn, là điều kiện tốt để hình thành và phát triển một trung tâm tài chính.
“Mặc dù vậy, tôi cho rằng như thế là chưa đủ. Để có thể thu hút được các nhân tài, đặc biệt là nhân tài ngành tài chính, đang làm việc tại các trung tâm tài chính Hồng Kông hay London có thể di chuyển đến sống và làm việc tại trung tâm tài chính TP.HCM thì bản thân trung tâm tài chính không những phải là một trung tâm hiện đại nhất, hạ tầng tốt nhất, kết nối rộng nhất mà còn phải trở thành một thành phố hấp dẫn nhất, có cuộc sống chất lượng nhất, môi trường sống và môi trường sinh thái an toàn, ổn định, các dịch vụ xã hội chất lượng cao được bảo đảm. Nếu chúng ta có tầm nhìn chiến lược, có bước đi cụ thể, vững chắc, tôi tin rằng, chúng ta hoàn toàn làm được điều đó”, ông Dũng bày tỏ.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng để trung tâm tài chính hoạt động thành công, cần phải có thể chế, pháp luật, chính sách có tính cạnh tranh, vượt trội so với các trung tâm tài chính khác trên thế giới. Việt Nam là quốc gia mới nổi, đi sau các quốc gia phát triển đã có sẵn các trung tâm tài chính quốc tế, chính vì lẽ đó, Việt Nam nói chung và TP.HCM cần phải hướng tới xây dựng một trung tâm tài chính có tính cạnh tranh cao, vượt trội, bám sát 5 yếu tố then chốt gồm: bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh tốt; thu hút và phát triển được nguồn nhân lực ngành tài chính chất lượng cao; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đẳng cấp quốc tế; phát triển khu vực tài chính của quốc gia và thành phố lành mạnh, vững chắc; xây dựng được thương hiệu và danh tiếng tốt.
Bộ trưởng KH-ĐT đề nghị, thành phố nghiên cứu thêm phương án mở rộng về hướng nam, gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của quận 7, huyện Nhà Bè và một phần huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ. Đây là khu vực có diện tích đủ lớn (khoảng 88.000 ha), có điều kiện kết nối thuận lợi về giao thông, kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội và có quỹ đất để phát triển một thành phố tài chính, thương mại, dịch vụ quốc tế, với cơ sở hạ tầng, môi trường sống đẳng cấp thế giới, bao gồm không gian làm việc, mạng viễn thông và đường bay thuận tiện phục vụ cho cuộc sống và sự phát triển của nguồn nhân lực cao, những người lựa chọn nơi đây để sống và làm việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.