Cổ tích giữa đời thường: Tỉ phú... giấy

Vũ Thơ
Vũ Thơ
21/06/2021 09:00 GMT+7

Sống ở Hà Nội trong thời đại 4.0, nhưng anh Hoàng Anh Tuấn (33 tuổi, ở P.Ngọc Thụy, Q.Long Biên) lại mê sưu tầm các hiện vật lịch sử bằng giấy và nhiều lần đem hiến tặng các tài sản vô giá của mình.

Gần 10 năm qua, số giấy tờ anh “tha lôi” về từ khắp nơi trên cả nước đã lên đến hàng tấn, với giá trị hàng tỉ đồng, như tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ, tem phiếu bao cấp, tem thư bưu chính, thẻ cử tri, tranh ảnh, sách báo… Dù bỏ ra rất nhiều tiền và công sức để mua các hiện vật này, nhưng khi có cá nhân hay cơ quan nào cần hơn, anh sẵn sàng hiến tặng, trao đổi.

Gặp người đàn ông bỏ ra hàng tỉ đồng để mua.... giấy

Gìn giữ di sản

Tham quan kho sưu tập của anh, tôi vô cùng ngạc nhiên với hàng chục bộ sưu tập các hiện vật lịch sử từ thế kỷ trước, toàn bằng giấy như: tem phiếu, tiền, thẻ cử tri, sổ mua lương thực, thực phẩm, tem thư, bì thư và các giấy tờ, hiện vật liên quan đến chế độ bao cấp… Mỗi bộ đều có gần như đầy đủ các câu chuyện lịch sử ghi dấu một thời. Bộ sưu tập tem phiếu có đủ những tem dành cấp cho từng hộ gia đình có từ 1 - 12 người với khoảng hơn 2.000 mẫu khác nhau. Hay những sổ mua gạo dành cho đủ mọi đối tượng, vốn là “báu vật” một thời mà người ta hay ví von “buồn như mất sổ gạo”. Rồi cả sổ mua rau, mua thịt, mua xe đạp, mua phụ tùng, mua đài, mua pin… “gi gỉ gì gi, cái gì cũng có”. Ấn tượng nhất là những giấy chứng nhận sử dụng radio với dòng chữ in rất to “Cấm nghe đài địch”!
Nhận xét về anh Tuấn, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam, nói: “Anh Tuấn là người có tâm sưu tầm nhiều tài liệu hiện vật quý, độc, để gìn giữ các di sản văn hóa, nhất là các hiện vật lịch sử về Đoàn, Hội, Đội giúp lan tỏa ý nghĩa đến với thế hệ trẻ. Anh là tấm gương, là động lực cho những người trẻ trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình yêu với lịch sử dân tộc”.
Đặc biệt là bộ thẻ cử tri với những tấm thẻ của năm 1946, kỳ bầu cử Quốc hội đầu tiên sau ngày thành lập nước. Trong đó, có thẻ ở các khu tự trị Tây Bắc, khu tự trị Thái Mèo, khu tự trị Việt Bắc, được in song ngữ (tiếng quốc ngữ và tiếng dân tộc). Độc đáo hơn nữa là bộ tiền tài chính (hay thường gọi là tiền cụ Hồ) có ảnh Bác Hồ với hàng nghìn tờ.
Từng bộ sưu tập được xếp ngăn nắp vào album với thứ tự từng thời kỳ, từng giai đoạn lịch sử và được giữ cẩn thận trong tủ hút ẩm. Quanh phòng làm việc của anh Tuấn chỗ nào cũng có hiện vật quý. Trong đó, có cả những tư liệu báo chí vô cùng quý giá như Sự Thật (Cơ quan Tuyên truyền cổ động của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác ở Đông Dương), Độc Lập (Cơ quan Việt Nam Dân chủ Đảng), Lao động mới (Cơ quan liên hiệp Công đoàn Giải phóng Miền Nam Việt Nam)…
“Những hiện vật này nói về lịch sử, về quá khứ, đặc biệt là giai đoạn từ 1945 đến nay, bắt đầu khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Có những thứ nếu mình không gìn giữ thì nó đã biến mất, nhất là việc bảo quản hiện vật bằng giấy là vô cùng khó khăn”, anh Tuấn chia sẻ.

Những tem phiếu, sổ sách và giấy tờ thời bao cấp trong bộ sưu tập của anh Hoàng Anh Tuấn

“Mê giấy hơn mê vợ”

Chia sẻ về cơ duyên đến với “nghề” sưu tập, anh cho biết bắt đầu từ năm 2012, sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát nhân dân, anh nhận công tác tại Hà Nội. Cơ duyên giúp anh quen biết và giao lưu với các câu lạc bộ, hội sưu tầm về giấy tờ, tiền, tem phiếu... dần dần anh mê sưu tầm. “Lúc đầu tôi sưu tầm tiền, tem phiếu là vì tôi yêu thích những giá trị lịch sử đã trải qua trên các hiện vật đấy. Qua quá trình sưu tầm thì tôi lại nghiên cứu lịch sử, bởi mỗi hiện vật lại gắn liền với một câu chuyện. Dần dần, đam mê ấy giúp mình nuôi dưỡng tâm hồn. Nếu đi sưu tầm mà gặp hiện vật mình chưa có thì thích lắm, tôi ngồi nghiên cứu cả đêm để nghĩ xem là đặc điểm hiện vật, hoa văn, họa tiết như nào, hoặc là bố cục ra sao… Tôi nói thật là nhiều khi mê còn hơn mê vợ”, anh cười và chia sẻ thêm: “Tôi là đảng viên, tôi rất thích phong cách làm việc và tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên tôi rất thích sưu tầm các tờ tiền có in hình chân dung của Bác...”.
Hỏi bí quyết nào giúp anh sưu tầm được một kho tàng hiện vật khổng lồ như vậy, trong khi rất bận bịu với công việc chuyên môn (anh phụ trách an ninh trật tự trên địa bàn), anh chia sẻ đã dành hết thời gian được nghỉ để đi tìm hiểu, sưu tầm hiện vật trong nhân dân. “Việc sưu tập chỉ thực hiện khi đã hoàn thành công việc của cơ quan và gia đình. Vì thế, có đợt tôi chỉ ngủ 4 tiếng/ngày”, anh kể. Khi chưa có gia đình, lương một tháng của anh được khoảng được 6 - 8 triệu đồng đều “cho vào” bộ sưu tập hết. Nhưng khi có gia đình rồi, việc sưu tầm cũng phải cân đối theo, nhưng vẫn theo đuổi đam mê. “Đam mê mà tắt thì vô nghĩa!”, anh bảo.
Để có được hiện vật, anh đã dùng đồ mình tự vận động thu gom được, trao đổi với những người có những thứ mà anh cần. Đồng thời, nhiều người biết anh bảo quản, lưu giữ và sẽ phát huy được giá trị hiện vật, nên đã trao tặng. Tuy nhiên, anh chia sẻ để có bộ sưu tập đồ sộ như bây giờ, trong gần 10 năm qua, anh đã mua tốn không biết bao nhiều tiền; thời gian và công sức thì không kể được.
Tỉ phú... giấy

Anh Tuấn cẩn thận giở các hiện vật trong bộ sưu tập toàn bằng giấy của mình

Lan tỏa câu chuyện đẹp

Dù đam mê và bỏ ra rất nhiều tiền, công sức để sưu tầm những hiện vật lịch sử mà mình yêu thích, nhưng khi thấy ai cần và có thể phát huy tốt hơn giá trị hiện vật đó, anh lại sẵn sàng trao tặng. Trong hành trình sưu tầm của mình, anh đã nhiều lần tặng các hiện vật lịch sử cho các cơ quan, ban ngành như: Bảo tàng Tuổi trẻ, Bảo tàng Bắc Ninh, Bộ Tài chính… Tại Bảo tàng Tuổi trẻ, trong những lần tổ chức triển lãm kỷ niệm những ngày lễ lớn như ngày thành lập Đoàn, Đội… anh đều mang hiện vật đến trao tặng. Khi thấy hiện vật nào còn thiếu, anh lại đi lùng sục khắp nơi để mang về bảo tàng.
Không chỉ hiến tặng các cơ quan nhà nước, anh Tuấn nhiều lần tặng các hiện vật quý cho những cá nhân khác. Có lần anh sưu tầm được tờ tín phiếu 100 đồng có hình Bác Hồ, mà bà má ở Bình Định đã bán hết thóc lúa hoa màu để mua ủng hộ kháng chiến. Sau đó, bà má đưa cho một người lính tập kết ra Bắc nhờ giữ hộ vì sợ địch sẽ không cho giữ tín phiếu có hình Cụ Hồ và gửi gắm tình cảm đối với Bác của nhân dân Bình Định… Tờ tín phiếu đó đã được chụp ảnh đăng trong một cuốn sách viết về ý nghĩa của nó. Khi có một nhà sưu tập đăng hình cuốn sách và cần tờ tín phiếu để lưu giữ như một sự kiện lịch sử, anh đã tìm gặp nhân vật này để trao tặng. Kể về sự việc này, nhà sưu tập Trần Công Thương ở Nam Định, người được anh Tuấn tặng tín phiếu, xúc động nói: “Tôi thấy đây là sự việc có một không hai trên đời!”.
“Những hiện vật lịch sử sẽ có giá trị hơn khi được lan tỏa và được phát huy giá trị. Tôi đam mê sưu tập cũng là muốn dùng những hiện vật đó để lan tỏa, giáo dục đến các thế hệ trẻ lịch sử dân tộc và gìn giữ tri thức cho muôn đời sau. Vì vậy, khi thấy cơ quan, cá nhân nào có thể gìn giữ bảo quản tốt hơn và lan tỏa tốt hơn hiện vật đó, thì tôi sẵn sàng trao tặng”, anh Tuấn trải lòng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.