Năm 2003, khi đại dịch SARS bùng phát ở Trung Quốc rồi lan ra cả thế giới (làm 8.096 người nhiễm bệnh và gây tử vong cho 774 người) đã làm nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 41 tỉ USD. Tờ báo tài chính Forbes nhận định rằng, thời đó, Trung Quốc chỉ mới bắt đầu tiến trình hội nhập vào kinh tế thế giới, chưa đóng vai trò quan trọng như ngày nay.
Theo số liệu của World Bank, năm 2003, GDP của Trung Quốc chỉ ở con số khiêm tốn 1.600 tỉ USD, đến năm 2018 con số đó đã lên đến 13.600 tỉ USD, chiếm đến 17% GDP toàn cầu và 30% sản lượng thế giới. Trong thời buổi toàn cầu hóa, nền kinh tế của các nước đều đan xen và phụ thuộc lẫn nhau, nên việc xáo trộn kinh tế của một quốc gia được mệnh danh là “công xưởng của thế giới” sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phần còn lại của thế giới.
Các hãng tư vấn tài chính lớn đã tiến hành các nghiên cứu về ảnh hưởng của dịch virus Corona chủng mới đến nền kinh tế thế giới. Tờ báo tài chính uy tín Forbes đã trích dẫn số liệu của bản nghiên cứu “The Coronavirus Outbreak and Its Impact on The Global Economy” của hãng Frost & Sullivan. Các tính toán - dựa trên kịch bản tương đối lạc quan là dịch Corona chủng mới sẽ được kiềm chế vào tháng 3.2020, sẽ làm giảm mức tăng trưởng của kinh tế thế giới xuống còn 3,1% và của Trung Quốc là 5,4%.
Giới công nghệ lao đao vì dịch
Đại dịch không chỉ làm ảnh hưởng đến các ngành đầu tư tài chính, thương mại dịch vụ, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, hàng không dân dụng, du lịch, năng lượng, giao thông vận tải… mà còn ảnh hưởng rất lớn đến giới công nghệ quốc tế vì nó làm xáo trộn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu. Hãng nghiên cứu Dun & Bradstreet (Mỹ) ước tính dịch bệnh đã làm ảnh hưởng đến hơn 5 triệu doanh nghiệp lớn nhỏ trên toàn thế giới. Tờ báo tài chính Mỹ Business Insider đưa tin, chỉ trong 5 ngày cuối tháng 2.2020, giá cổ phiếu trên các thị trường chứng khoán thế giới liên tục sụt giảm và làm cho 6.000 tỉ USD bốc hơi chỉ trong vài ngày ngắn ngủi này.
Theo CNN, công nghệ là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất với thu nhập 5.700 tỉ USD, tạo ra 319 triệu việc làm, trên thế giới cứ 10 người có việc làm thì 1 người là làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng, các đại gia công nghệ lại là những người “dính” đòn nặng nhất vì dịch virus Corona chủng mới trong đợt cổ phiếu rớt giá vừa qua. Chỉ trong vòng 24 giờ ngắn ngủi, các đại gia công nghệ Mỹ như Apple, Facebook, Google, Microsoft và Amazon đã mất số tiền khổng lồ 225 tỉ USD. Trong đó, nặng nhất là Apple “bay” 62 tỉ USD, kế đến là Microsoft mất 60 tỉ USD, Amazon và Alphabet (công ty mẹ của Google) mỗi hãng bị “bốc hơi” 40 tỉ USD, “nhẹ” nhất là Facebook, mất 25 tỉ USD.
|
Đó là hậu quả của đại dịch virus Corona chủng mới về phương diện tài chính - chứng khoán, còn hậu quả về việc gián đoạn chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ toàn cầu cũng không kém phần nghiêm trọng về lâu dài cho các doanh nghiệp công nghệ quốc tế.
Dịch Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào cuối tháng 12.2019. Vũ Hán lại là đầu mối giao thông quan trọng từ bắc xuống nam, từ đông sang tây của Trung Hoa lục địa. Với vị trí địa lý đặc biệt của mình, Vũ Hán đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn của phương Tây đến mở chi nhánh và nhà máy sản xuất tại thành phố 11 triệu dân này.
Theo khảo sát của hãng nghiên cứu kinh tế Dun & Bradstreet, Vũ Hán và các tỉnh thành đã bị phong tỏa (hoặc giới hạn di chuyển tối đa) để đề phòng dịch bệnh lây lan, đều có những mối liên kết chặt chẽ với mạng lưới thương mại toàn cầu. Khoảng 51.000 công ty khắp thế giới có ít nhất là một nhà cung cấp chủ lực ở những tỉnh thành bị phong tỏa này.
Theo Wall Street Journal, cho đến đầu tháng 3.2020, vẫn còn 12 trên 31 tỉnh thành ở Trung Quốc duy trì tình trạng khẩn cấp về y tế. Thủ đô Bắc Kinh và các thành phố quan trọng như Thượng Hải, Trùng Khánh và đặc biệt là tỉnh Chiết Giang - địa phương được xem là đầu tàu sản xuất công nghiệp của cả nước, vẫn còn ở mức báo động cao.
Sản lượng thiết bị công nghệ sụt giảm ra sao?
Theo nhận định của giới phân tích công nghệ, trong quý 1/2020 sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt những sản phẩm công nghệ tiêu dùng như iPhone, máy tính để bàn, laptop cho đến tivi màn hình LCD. Bởi đa số sản phẩm này đều được lắp ráp hoặc dùng phụ kiện sản xuất tại Trung Quốc. Từ năm 2013, Trung Quốc là nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới chiếm đến 70% tổng số lượng sản xuất hằng năm. Họ cũng chiếm đến 50% số panel LCD dùng cho tivi, màn hình máy tính và laptop và 25% sản lượng cáp quang thế giới.
|
Tổ chức nghiên cứu TrendForce đã công bố một báo cáo về ảnh hưởng của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến từng nhóm sản phẩm cụ thể trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử như sau:
Sản lượng các loại máy tính để bàn, laptop, màn hình máy tính và tivi, smartphone, thiết bị đeo thông minh và cáp quang của thế giới trong quý 1/2020 sẽ sụt giảm đáng kể. Trong đó, sản luợng smartphone quý 1/2020 sẽ sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái do khâu cung ứng và nhân công bị gián đoạn đồng thời sức mua của người tiêu dùng cũng bị giảm do dịch bệnh cản trở công ăn việc làm. Trước khi xảy ra dịch, sản lượng smartphone năm 2020 của toàn thế giới ước đoán là khoảng 1,38 tỉ chiếc (trong đó 70% là sản xuất tại Trung Quốc). Số lượng tivi được giao hàng trong quý này sẽ giảm còn 46,6 triệu chiếc (so với ước tính trước đây là 48,8 triệu chiếc), màn hình máy tính sẽ giảm còn 27,5 triệu chiếc (so với ước tính 29 triệu chiếc). Riêng về máy tính cá nhân, sản lượng toàn thế giới cả năm 2020 sẽ sụt giảm còn 382 triệu bộ (so với năm 2019 là 396 triệu bộ), và trong tình huống xấu nhất là dịch bệnh kéo dài, sản lượng sẽ chỉ còn 362 triệu bộ. Sản lượng máy tính di động (laptop) cũng sẽ chỉ còn khoảng 30,7 triệu bộ thay vì 35 triệu bộ như dự đính ban đầu.
Đó là chỉ đề cập đến những sản phẩm công nghệ thông dụng nhất, còn rất nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu khác do Trung Quốc sản xuất cũng trong hoàn cảnh tương tự. Đại gia bán lẻ Amazon (Mỹ) cho biết 50% hàng hóa của hãng như hàng điện tử tiêu dùng, quần áo, đồ chơi là nhập khẩu từ Trung Quốc và tồn kho thì sắp cạn.
Sự thiếu hụt hàng hóa này để bộc lộ ra cái "tử huyệt" của phần còn lại của thế giới là quá lệ thuộc vào nguồn cung duy nhất là “công xưởng của thế giới” Trung Quốc.
Bình luận (0)