Tinh thần ấy lan tỏa mạnh mẽ sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt càng trong những thời điểm khó khăn càng được phát huy, đưa đất nước vượt qua mọi trở lực.
Những ngày đại dịch Covid-19 vừa qua là một minh chứng cho tinh thần đoàn kết của người Việt khắp năm châu. Dù bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng mọi người vẫn sẵn sàng đóng góp trong khả năng của mình hướng về Tổ quốc.
|
Những lô hàng đầu tiên về vùng dịch
Ngày 12.2, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định khoanh vùng, cách ly xã Sơn Lôi (H.Bình Xuyên) thì cũng là lúc Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan cùng các tổ chức, cá nhân kêu gọi kiều bào hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi người bớt một bữa ăn trưa” dành tiền mua khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn, dược phẩm gửi về giúp đỡ đồng bào trong nước.
Chỉ sau 2 ngày kêu gọi, 16.000 chiếc khẩu trang đợt đầu tiên của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan đã về đến đích gửi tặng bà con quê nhà vùng dịch. Đến ngày 18.2, lô hàng thứ hai từ Ba Lan về hỗ trợ người dân xã Sơn Lôi được trao cho Sở Ngoại vụ Vĩnh Phúc để chuyển thẳng về Trạm y tế xã Sơn Lôi, gồm 12.000 khẩu trang y tế cùng hàng trăm chai nước khử trùng, vitamin tăng sức đề kháng cho trẻ em. Tiếp nối là hàng ngàn khẩu trang được cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan gửi về lan tỏa đến nhiều bệnh viện và trường học.
Ông Nguyễn Lê Hùng, Phó chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, nhận định người Việt Nam ở Ba Lan có thể là cộng đồng người Việt ở nước ngoài đầu tiên gửi những thùng quà tới bà con vùng dịch Covid-19. Bên cạnh đó, nhiều người Việt ở Ba Lan khi về nước được cách ly 14 ngày tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (Sơn Tây, Hà Nội) cảm nhận được sự chăm sóc, hỗ trợ tận tình của cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế, đã ủng hộ 110 triệu đồng chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 để chung tay cùng cả nước chống dịch.
Còn tại Ba Lan, Quỹ hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan phòng chống dịch Covid-19 cũng được lập ra để tư vấn, hỗ trợ, tiếp tế cho bà con có hoàn cảnh khó khăn.
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc, Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) đã gửi nhiều thùng khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay, khử trùng, hỗ trợ lương thực đến cộng đồng người Việt tại tâm dịch TP.Daegu (Hàn Quốc).
Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch VKBIA, cho hay hiệp hội cũng thăm trực tiếp cơ sở cách ly, đóng góp hỗ trợ một số vật dụng cần thiết cho người dân và chia sẻ những khó khăn của người dân tại khu vực cách ly ở nước sở tại. Không chỉ giới doanh nhân, dù gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, một số phải tạm ngừng hoạt động, nhưng người lao động, người Việt tại Hàn Quốc vẫn ủng hộ nhiệt tình cho các hoạt động phòng chống dịch ở cả 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc.
“Có bạn là lao động tại Hàn Quốc đang bị mất việc và chỉ còn có hơn 5.000 won (khoảng 100.000 đồng) trong tài khoản, nhưng sẵn sàng quyên góp nốt số tiền này khi đọc được tin kêu gọi ủng hộ phòng chống dịch. Nhiều du học sinh không về nước tránh dịch cũng nhờ gia đình và bạn bè ở Việt Nam chuyển ủng hộ. Tất cả tấm lòng dù lớn dù nhỏ đều rất đáng trân trọng, thể hiện tinh thần tương thân tương ái lúc khó khăn và đồng hành phòng chống dịch”, ông Linh chia sẻ.
Thấy được đất nước cưu mang
Tối 20.3, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, kiều bào Úc, đi chuyến bay VN772 của Vietnam Airlines đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Vào thời điểm này, người về từ Úc thuộc diện được cách ly tại nhà, nhưng do trong hộ chiếu thể hiện ông Mỹ xuất cảnh Singapore vào ngày 8.3 nên ông được đưa về ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM cách ly tập trung ngay trong đêm.
Là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vabis tại Việt Nam, điều hành hơn chục công ty, nhưng khi được thông báo cách ly tập trung, ông Mỹ chuẩn bị tâm lý cho “những ngày khó khăn”, vui vẻ tuân thủ quy định. Ở chung phòng với 3 sinh viên về từ Hàn Quốc, Singapore và New Zealand trong 16 ngày là trải nghiệm khó quên đối với doanh nhân này. Hằng ngày, nhóm phân công 3 sinh viên thay nhau nhận cơm cho cả phòng, còn ông Mỹ nhận lau dọn nhà cửa, nhà vệ sinh và hành lang. Trong khu cách ly, ông Mỹ vẫn phải điều hành hoạt động các công ty. Ngày đầu tiên, nhân viên mang hồ sơ đến khu cách ly nhờ dân quân đưa lên phòng để ông theo dõi, đến ngày hôm sau thì phải xuống sân đọc và ký giấy tờ ngay dưới gốc cây. Những ngày sau đó, công việc được điều hành từ xa qua e-mail và điện thoại. Đối với ông Mỹ, đó là những trải nghiệm mà không phải doanh nhân nào cũng có được.
“Những ngày trong khu cách ly, mình cảm thấy được đất nước cưu mang. Ngoài khó khăn của cá nhân còn thấy được tinh thần trách nhiệm của những người được phân công. Đất nước mình tổ chức cách ly tập trung rất tốt, người dân được lo tươm tất. Mình có khả năng nên ủng hộ để Chính phủ tiếp tục chăm lo cho những người đến sau”, ông Mỹ chia sẻ và cho biết ngay hôm đầu tiên vào khu cách ly, ông đã liên hệ ủng hộ 200 triệu đồng.
Trước đó, ông ủng hộ H.Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là quê hương của ông 1 tỉ đồng để chính quyền chăm lo người cách ly. Vị doanh nhân này cũng giao ký túc xá hơn 200 giường của Trường CĐ nghề do ông làm chủ cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng làm khu cách ly. Theo ông Mỹ, nhiều bà con Việt kiều còn chủ động tìm đầu mối để ủng hộ, hỗ trợ cùng đất nước, đặc biệt là khi cần nguồn lực vượt qua đại dịch.
Là một doanh nhân, ông Mỹ trăn trở về những tháng tới, kiều bào có thể giúp gì cho đất nước để từng bước khôi phục kinh tế thời kỳ “hậu Covid”. Các doanh nghiệp vẫn đang duy trì sản xuất, nhưng đầu ra sẽ gặp khó khăn do các nước phát triển đang lo chống dịch. Ông Mỹ nhận định thị trường ngách nhiều tiềm năng, đó là kiều bào ở các nước nắm bắt được nhu cầu của người dân nước sở tại và kết nối với các doanh nghiệp trong nước để cung ứng. Thị trường này có thể giải quyết được nhiều hàng hóa cho các doanh nghiệp trong nước, giúp người dân có việc làm và từng bước chiếm lĩnh thị trường.
Theo thống kê của Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đến ngày 16.4, có nhiều kiều bào kịp thời ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 thông qua các tổ chức thuộc Việt Nam. Điển hình là ông David Dương, Chủ tịch Công ty Califonia Waste Solutions, kiều bào Mỹ, ủng hộ 100.000 USD và 200 triệu đồng; ông Nguyễn Công Chánh thay mặt các kiều bào khu vực bang Califonia (Mỹ) ủng hộ 15.650 USD; ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, ủng hộ 25 tỉ đồng; ông Phạm Minh Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Anh, đóng góp 1 tỉ đồng; bà Trương Thị Thu Hương, kiều bào tại Trung Quốc, ủng hộ 1 tỉ đồng; ông Trần Ngọc Phúc, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Nhật Bản, Giám đốc Công ty thiết bị y tế Metran, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất 2.000 máy trợ thở cho đối tác Việt Nam với giá thành thấp…
Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, cho biết đại dịch Covid-19 khiến người dân trên toàn thế giới phải đối diện và chống chọi. Do đó, những đóng góp, ủng hộ của kiều bào càng đáng trân trọng và cho thấy tấm lòng nhân nghĩa, thể hiện tinh thần đoàn kết, chung sức “kề vai sát cánh” của những người con máu đỏ da vàng chiến đấu với đại dịch. Điều này một lần nữa khẳng định “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”
|
(còn tiếp)
Bình luận (0)