Vượt lên số phận
Bị bại não bẩm sinh do nhiễm chất độc da cam nên tuổi thơ của anh Lê Thái Bình (32 tuổi, ngụ thôn Trung Thượng, xã Kỳ Tân, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) chịu nhiều thiệt thòi. Cơ thể và tứ chi yếu ớt khiến cậu bé ấy tập mãi mà chẳng đứng được trên đôi chân.
Cha anh phải chế ra chiếc xe ba bánh để giúp con trai đi lại. Đến năm 11 tuổi, anh mới chập chững những bước đi đầu tiên. Như bao đưa trẻ khác, anh vẫn luôn khao khát được đến trường để học lấy… con chữ. Lên 12 tuổi, anh được bố mẹ cho đi học lớp 1. Đáng tuổi của anh lúc ấy, bạn bè đã học đến cấp 2.
Miệng bị méo khiến việc phát âm của anh rất khó nghe. Cũng vì điều này mà anh thường xuyên bị bạn học nhỏ tuổi hơn bắt chước trêu chọc. Gạt bỏ tất cả, anh vẫn đi học đều đặn, mặc dù mỗi ngày đến trường chẳng phải “là một ngày vui”.
|
“Chỉ đến năm lên lớp 5, tôi buộc phải nghỉ học do sức khỏe quá yếu”, anh Bình nhớ lại. Sau nhiều năm thui thủi ở nhà, anh Bình quyết tâm đi học trở lại. Lần này, anh xin bố mẹ cho đi học nghề.
“Bố mẹ cũng dần già đi, sẽ không nuôi mình được cả đời. Mình tàn tật chứ đâu phải tàn phế mà cứ ăn bám mãi”, anh suy nghĩ như vậy.
Đầu năm 2007, ngôi trường mà anh tìm đến để xin học là Trung tâm dạy nghề, giới thiệu và giải quyết việc làm cho người tàn tật Hà Tĩnh. Trong rất nhiều ngành nghề được trung tâm mở lớp đào tạo, anh chọn học nghề tin học văn phòng vì phù hợp với sức khỏe của mình.
Sau gần 1 năm theo học, anh rời trường về quê để bắt đầu cuộc sống mưu sinh. Có “cần câu cơm” trong tay, anh Bình vay mượn người thân, mua dàn máy tính 15 chiếc mở cơ sở tin học tại nhà.
|
|
Mục đích kinh doanh của anh là để giúp các em học sinh ở vùng quê nghèo sớm tiếp xúc với máy tính, có thể học tập qua mạng. Do vậy, anh không cài đặt các trò chơi có sẵn trong máy tính và nhất quyết không cho khách hàng nào đến thuê máy để chơi game.
“Nhiều người cấm con của họ vào các tiệm internet vì sợ chơi game, bỏ bê việc học hành. Khi biết cơ sở của tôi ngăn cấm điều ấy, họ đã yên tâm cho con đến đây”, anh Bình giải thích.
Công việc của anh hằng ngày là ngồi một chỗ quản lý và thu tiền thuê máy. Nếu vị khách nào cần học gõ văn bản, làm excel hoặc photoshop, anh sẵn sàng làm thầy giáo hướng dẫn tận tình. Cơ sở tin học của anh nhờ vậy mà thu hút ngày càng đông các bạn trẻ tìm đến.
"Tôi luôn nỗ lực hết mình để viết hết bài luận văn ấy"
Khi công việc đi vào ổn định, anh Bình nghĩ rằng cần phải làm gì đó để giúp ích cho đời. Kinh tế chưa đủ dư giả nên anh chọn cách kêu gọi mạnh thường quân hướng về người nghèo.
Vào năm 2013, anh lên mạng xã hội Facebook, lập ra “Đội tình nguyện hướng về Kỳ Anh” và “Nhóm hướng thiện từ trái tim”. Lời kêu gọi được hơn 100 bạn trẻ tại quê hương hưởng ứng tham gia. Tuy vậy, cũng có một số người nghi ngại bảo anh rằng: “Bản thân bị khuyết tật như vậy thì giúp đỡ được ai?”. Nhưng anh Bình tâm niệm: “Cuộc đời này ngắn lắm nên mỗi ngày làm được gì cho một người, cho cộng đồng thì gắng làm”.
Suốt 6 năm qua, anh Bình cùng với các thành viên trong 2 đội nhóm đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm khắp nơi tài trợ tiền và hiện vật với tổng giá trị gần 2 tỉ đồng.
Cứ mỗi lần gom được một ít “quà”, anh cùng các thành viên vượt hàng chục cây số, đến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh để tổ chức các chương trình thiện nguyện như: “Điều kỳ diệu cuộc sống” dành cho người khuyết tật, “Trung thu yêu thương - nâng bước em đến trường” tại làng trẻ em mồ côi SOS tỉnh Hà Tĩnh, “Người nghèo có tết” tại các xã vùng biên giới…
|
|
Tất nhiên, thông qua các chương trình ấy, hàng trăm suất quà bằng tiền mặt, xe lăn, chăn ấm, gạo… đã được gửi trao cho “những người khốn khổ”. Đó là chưa kể các ngày công mà anh và những người đồng hành nhiều đợt ra quân làm vệ sinh môi trường, giúp các địa phương làm đường giao thông hay giúp dân dọn dẹp nhà cửa sau bão lũ.
Anh Bình nói rằng điều quan trọng nhất trong thời gian làm thiện nguyện là anh đã truyền được cảm hứng về nghị lực sống và khao khát vươn lên của mình cho nhiều người khác.
“Có nhiều người khuyết tật đã ôm chặt tôi khóc và bảo chính tôi đã giúp họ lạc quan với cuộc sống hơn. Họ còn hứa với tôi sẽ gạt bỏ tự ti và không bao giờ bỏ cuộc trong cuộc chiến với bệnh tật. Đó là những khoảnh khắc hạnh phúc nhất và là món quà vô giá mà tôi được nhận lại”, anh Bình tâm sự.
Những hoạt đồng hướng về cộng đồng của anh Bình vẫn chưa dừng lại. Anh còn dành 15m2 trong cơ sở tin học của mình để mở tủ sách với tên gọi “Không gian đọc sách Thái Bình”. Anh mong muốn sẽ khơi dậy văn hóa đọc, tạo điều kiện cho các em cũng như những người dân có cơ hội đọc những cuốn sách hay, giá trị để nâng cao kiến thức trong cuộc sống.
Tủ sách của anh hiện có hơn 1.500 cuốn sách về nhiều thể loại như văn học, truyện đọc thiếu nhi, sách khởi nghiệp, kỹ năng sống…. Qua gần 6 tháng đi vào hoạt động, anh Bình tự hào khi tủ sách đã thu hút hơn 1.000 độc giả là học sinh, thanh niên và người dân trên địa bàn tìm đến đọc và mượn sách.
“Cuộc đời tôi là bài luận văn có mở bài không hoàn hảo, nhưng tôi luôn cố gắng, nỗ lực hết mình để viết hết bài luận văn ấy”, đó là quyết tâm của anh Bình, dù hàng ngày anh vẫn bị căn bệnh đang mang trong người giằng xé.
Bình luận (0)