Cuộc 'đổi màu' ngoạn mục của vùng đất 'vàng đen': Sự quyết chọn đầy bản lĩnh, có tầm nhìn

23/12/2020 06:20 GMT+7

Việc chuyển mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh vào đầu thập niên 2010, đó là kết quả của một sự quyết chọn can đảm, đầy bản lĩnh, có tầm nhìn và rất khôn ngoan của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Đó là đánh giá của TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, về chủ trương chuyển đổi từ "nâu sang xanh", phát triển dựa trên khai thác thế mạnh du lịch, công nghiệp thay vì khai khoáng của Quảng Ninh trong cuộc trao đổi với Thanh Niên.
Có trữ lượng hơn 3 tỉ tấn và ngành khai thác than tồn tại cả trăm năm, đã ăn sâu vào tiềm thức, tư duy của những người Quảng Ninh. Thế nhưng năm 2012, chính quyền Quảng Ninh đã chính thức báo cáo Bộ Chính trị và được đồng ý về chủ trương chuyển đổi. Ông đánh giá thế nào về quyết định này?

ẢNH: ĐỘC LẬP

Quảng Ninh có hai lợi thế phát triển, đều là trời cho và đều rất lớn. Một là mỏ than lộ thiên - “vàng đen” trữ lượng lớn. Hai là vịnh Hạ Long “đệ nhất thiên hạ” cùng với nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc khác. Điều trớ trêu là hai lợi thế phát triển hạng nhất đó lại đặt Quảng Ninh vào thế “lưỡng nan” khi phải lựa chọn mô hình phát triển dựa chủ yếu vào than, giờ được gọi là “mô hình tăng trưởng nâu” hay vào khai thác tài nguyên du lịch, tức là mô hình tăng trưởng “xanh”?
Như chúng ta biết, suốt hàng trăm năm, cho đến hết thập niên đầu của thế kỷ XXI, vì nhiều lý do, Quảng Ninh vẫn sống dựa chủ yếu vào việc đào than. Hàng mấy chục năm Quảng Ninh gánh vác sứ mệnh cung cấp than phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa của cả nước. Nhưng khi tập trung khai thác lợi thế trời cho đó, Quảng Ninh vẫn không thể tiến vượt lên so với các địa phương khác. Còn người dân Quảng Ninh, với chủ lực là lực lượng công nhân đào than, cũng không thể làm giàu với mỏ “vàng đen” lộ thiên.
Dân không giàu, trình độ phát triển của tỉnh mãi không vượt thoát khỏi đẳng cấp “khai thác tài nguyên”, Quảng Ninh còn phải chịu một sự đánh đổi đắt giá là ô nhiễm môi trường ngày càng tăng; nguồn tài nguyên du lịch quý báu ở cấp độ toàn cầu bị lãng phí.
Nhưng cũng phải nói một cách công bằng, trong suốt nhiều năm dường như “an phận” với sự lựa chọn “tăng trưởng nâu” đắt giá, Quảng Ninh vẫn không “cam chịu”, vẫn luôn trăn trở và vật lộn giữa “nâu” và “xanh”.
Việc chuyển mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh vào đầu thập niên 2010, vì thế, là kết cục tất yếu của sự trăn trở vật lộn kéo dài đó. Nhưng mặt khác, đó cũng là kết quả của một sự quyết chọn can đảm, đầy bản lĩnh, có tầm nhìn và rất khôn ngoan của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và sự chấp thuận kịp thời sáng suốt của T.Ư. Nếu lúc đó lãnh đạo Quảng Ninh vẫn không “quyết chọn”, chắc chân dung Quảng Ninh bây giờ khác xa Quảng Ninh như chúng ta đang thấy.
Để thực hiện chiến lược chuyển đổi từ nâu sang xanh, Quảng Ninh đã mời các công ty quy hoạch hàng đầu thế giới về làm quy hoạch hạ tầng, kinh tế... như McKinsey (Mỹ), Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering - NSC (Nhật Bản)... Ông có cho rằng đây là điểm mấu chốt dẫn đến những thành công của Quảng Ninh hôm nay?
Các công ty quy hoạch hàng đầu thế giới tham gia quy hoạch chắc chắn là yếu tố rất quan trọng giúp định hình chân dung Quảng Ninh hiện đại, một bức chân dung thật sự có tầm nhìn, tích hợp và tổ hợp được các lợi thế phát triển, sự khác biệt và khát vọng vươn lên của Quảng Ninh. Rất quan trọng, nhưng nói đó là “điểm mấu chốt dẫn đến thành công của Quảng Ninh hôm nay” thì e rằng hơi quá. Danh vị “mấu chốt” đó tôi nghĩ thuộc về những người lãnh đạo Quảng Ninh giai đoạn đó. Bởi họ là những người hội tụ được khát vọng phát triển của Quảng Ninh, biến nó thành tầm nhìn phù hợp với xu thế thời đại. Từ đó, biết đặt ra bài toán phát triển đúng tầm, mang tính “thách thức tài năng” rất cao. Trên cơ sở đó, định hướng và lựa chọn đúng cách giải bài toán đó.
Các nhà quy hoạch quốc tế mà Quảng Ninh “tuyển về”, với năng lực chuyên môn của mình, đã biết cụ thể hóa lời giải bài toán đó thành quy hoạch phát triển một cách thành công, tạo cơ sở vững chắc để Quảng Ninh thuyết phục được những nhà đầu tư tốt, những “con chim đại bàng đến làm tổ và đẻ trứng”. Tôi may mắn là người theo sát quá trình này, gần như là “người trong cuộc”, nên có đủ sự tự tin khi đưa ra nhận xét như vậy.
Bên cạnh quy hoạch, Quảng Ninh cũng đột phá cải cách thủ tục hành chính. Họ đã ba năm liên tiếp, từ 2017 đến 2019 soán "ngôi vương" của Đà Nẵng, dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Yếu tố này đóng góp thế nào vào việc Quảng Ninh thuyết phục được "đại bàng đến làm tổ và đẻ trứng" như ông vừa nói?
Đánh giá nguyên nhân thành công của Quảng Ninh, tôi thấy cần nhấn mạnh vai trò “trực tiếp quyết định” của cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư. Vì lẽ nỗ lực cải cách thể chế của Quảng Ninh trong giai đoạn vừa qua là đặc biệt mạnh mẽ. Nó mang hơi thở của cái gọi là tinh thần “quyết chiến” trong cuộc đua tranh phát triển. Nhờ nó, tiềm năng phát triển to lớn, khác biệt của tỉnh được đánh thức.
Nhưng bên cạnh “yếu tố trực tiếp quyết định”, tôi cho rằng Quảng Ninh còn có những yếu tố quyết định thành công mang tính nền tảng. Đó chính là những lợi thế trời cho độc nhất vô nhị nhưng vốn bị để “ngủ quên” là vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, núi thiêng Yên Tử... Không có nền tảng tự nhiên đặc biệt này, chắc rằng động lực thúc đẩy các nhà đầu tư lớn, đẳng cấp đến với Quảng Ninh không mạnh như chúng ta đã và đang chứng kiến.
Một cách chặt chẽ, phải nói rằng sức hấp dẫn đầu tư và thành công tăng trưởng của Quảng Ninh mấy năm qua là nhờ biết cách tổ hợp sức mạnh, biết tạo cộng hưởng giữa lợi thế và tiềm năng với cải cách thể chế trong khuôn khổ nhận diện đúng xu thế thời đại. Phải nói như vậy mới giải thích đúng thực chất của sự bùng dậy và xác định đúng triển vọng của quá trình này.
Dịch Covid-19 vừa rồi cho thấy sẽ rất rủi ro nếu chỉ dựa vào mũi nhọn du lịch. Đà Nẵng, Nha Trang là ví dụ. Theo ông, Quảng Ninh nói riêng và các địa phương có lợi thế về du lịch nói chung phải làm thế nào để tránh tình trạng này?
Covid-19 thực sự là một “tai nạn”, một tai nạn khủng khiếp cho cả loài người, cho nền kinh tế vật thể và cho hầu như tất cả các ngành nghề, nhất là các ngành nghề “truyền thống”. Vì những lý do đặc thù, du lịch là ngành “ăn đòn” đầu tiên và nặng nề nhất. Tình thế này khẳng định lại một chân lý của kinh tế học: để tránh và giảm thiểu rủi ro, “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.
Tuy nhiên, Quảng Ninh năm nay, khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức hai chữ số hầu như là khả thi. Lý do là tuy chọn du lịch làm mũi nhọn - chủ lực, song Quảng Ninh không bỏ rơi, bỏ quên các ngành khác. Ngành khai thác than vẫn được quan tâm, các ngành công nghiệp vẫn được thúc đẩy. Đặc biệt, nông nghiệp vẫn được đẩy mạnh. Tôi nghĩ thực tế phát triển của Quảng Ninh cho đến nay là lời tự giải thích thuyết phục cho cách lựa chọn phát triển mà các địa phương khác cũng như cả nền kinh tế cần tham khảo và rút kinh nghiệm.
Thời gian qua, Quảng Ninh thu hút đầu tư rất lớn, kéo về nhiều nhà đầu tư lớn, những con đại bàng Việt thứ thiệt. Nhờ đó, chân dung phát triển của Quảng Ninh thay đổi nhanh chóng sâu sắc - cả về quy mô lẫn đẳng cấp. Quảng Ninh cải thiện được chân dung nhưng nhà đầu tư lại gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn và lợi nhuận.
Vấn đề đặt ra là, Quảng Ninh, hay rộng hơn, nhà nước có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ các nhà đầu tư thế nào để những nguồn lực phát triển của quốc gia tiếp tục tồn tại và cống hiến cho công cuộc phát triển đất nước? Đây là một vấn đề cực kỳ quan trọng cho tương lai phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.