Để năm 2020 tốt hơn năm 2019

Chí Hiếu
Chí Hiếu
31/12/2019 07:35 GMT+7

Đánh giá chung về kết quả năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định 'kết quả tốt hơn, cao hơn năm 2018'. Cụ thể, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7% - cao hơn mục tiêu đề ra.

Hôm qua (30.12), ngày làm việc đầu tiên của hội nghị Chính phủ trực tuyến với các địa phương đã khép lại với những con số rất ấn tượng về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019. 

Đừng lo đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ cản trở phát triển

Phát biểu tại hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã dành thời lượng khá lớn để nói về công tác phòng chống tham nhũng. Theo đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện của hình thức chạy chức, chạy quyền. Cùng với đó, phải đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển để che chắn, giữ an toàn trong một bộ phận công chức, cán bộ.

Chưa bao giờ ta xử được tội hối lộ, chưa bao giờ thu được tài sản lớn như vậy; thu cho nhà nước được 8.500 tỉ đồng; có người nhận hối lộ 3 triệu USD. Viện kiểm sát phải đề nghị tử hình nhưng đã xin nộp lại tiền, nộp tiền rồi giờ đề nghị tội chung thân. Nó có tác dụng giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng 

“Những ai có tư tưởng đấy thì đứng sang một bên cho người khác làm. Rõ ràng vừa qua làm, kinh tế phát triển đi lên chứ có tụt xuống đâu”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, đồng thời cho rằng “ai nhụt ý chí chẳng qua là viện cớ, hoặc là để làm giảm nhẹ mức chúng ta đấu tranh chống tiêu cực”. Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý điều đó không có nghĩa là “chúng ta đấu tranh tiêu cực một cách cực đoan; không tính đến nhân tình; không mở đường cho người ta tiến; không tạo động lực phát triển thì cũng là sai”.
Để năm 2020 tốt hơn năm 2019

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị

Ảnh: Gia Hân

Người đứng đầu Đảng và Nhà nước cũng chia sẻ có nhiều người lo ngại công việc đấu tranh chống tham nhũng bị sụt đi hoặc rơi vào im lặng. Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước khẳng định: “Mới đây thôi chúng ta đã xử vài vụ, rồi bổ sung các vụ vào diện Ban Chỉ đạo T.Ư phòng chống tham nhũng tiếp tục xử lý... Vụ AVG là điển hình nói lên nhiều điều, ngoài xử lý số lượng nhiều, 2 cựu ủy viên T.Ư, 2 cựu bộ trưởng. Chưa bao giờ ta xử được tội hối lộ, chưa bao giờ thu được tài sản lớn như vậy; thu cho nhà nước được 8.500 tỉ đồng; có người nhận hối lộ 3 triệu USD. Viện kiểm sát phải đề nghị tử hình nhưng đã xin nộp lại tiền, nộp tiền rồi giờ đề nghị tội chung thân. Nó có tác dụng giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh”.
Trước đó, đánh giá chung về kết quả năm 2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhận định “kết quả tốt hơn, cao hơn năm 2018”. Cụ thể, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh, đạt trên 7% - cao hơn mục tiêu đề ra. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cán cân lớn của nền kinh tế được đảm bảo.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển, đạt kết quả rõ nét. Tiềm lực quốc phòng an ninh tiếp tục được tăng cường; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu; củng cố hòa bình, bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền và lợi ích chiến lược của đất nước.
Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả, thành tích đạt được và để năm 2020 tiếp tục tốt hơn năm 2019, ông đề nghị tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ.
Một là tiếp tục củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế.
Hai là, cần quan tâm hơn nữa và có chính sách thiết thực đối với phát triển văn hóa, xã hội, xây dựng con người hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Thứ ba, quốc phòng, an ninh, đối ngoại phải tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực, giữ vững ổn định chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, nâng cao vị thế của đất nước.
Bốn là công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc của các cơ quan đơn vị, nhất là người đứng đầu theo đúng quy định.
Cuối cùng là chuẩn bị tốt cho việc tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, trong đó cần tránh các biểu hiện xấu thường thấy trước mỗi kỳ đại hội là tư tưởng “hoàng hôn nhiệm kỳ”, giữ mình cho trọn vẹn, nể nang, thỏa hiệp, né tránh va chạm, vận động tranh thủ phiếu bầu, kích động chia rẽ nội bộ.

Tăng trưởng cao mà không phải đánh đổi

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay những thành quả KT-XH có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả. Điều đáng nói là, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc, thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển. Tuy nhiên, những kết quả năm qua cho thấy “quy luật” này đã không còn đúng.
Đầu tiên, theo Thủ tướng, quy mô nền kinh tế càng lớn càng khó có thể tăng trưởng nhanh, nhưng nay đã khác. “Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỉ USD, lớn gấp 9,3 lần so với năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21%, thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỉ USD”, Thủ tướng dẫn chứng để đi đến khẳng định: “Điều này cho thấy quy mô càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó hơn nhưng không phải là không thể đạt được”.

Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Tương tự, theo người đứng đầu Chính phủ, nhiều ý kiến cho rằng phải chấp nhận đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh và ổn định vĩ mô, hoặc tốc độ tăng trưởng cao thì phải đánh đổi chất lượng tăng trưởng. Nhưng Thủ tướng nêu rõ, năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%; nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP; dự trữ ngoại hối gần 80 tỉ USD...
“Không phải lúc nào cũng đánh đổi giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng, giữa tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững. Các mô hình tăng trưởng trước đây cho thấy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, chất lượng tăng trưởng thường bị giảm sút. Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động”, Thủ tướng nói và cho biết cùng với đó, việc phát triển đồng đều giữa thành thị và nông thôn cũng là một “mục tiêu kép” mà chúng ta đã đạt được rất ấn tượng.
Theo Thủ tướng, trong khi các thành phố đầu tàu truyền thống vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực, duy trì đóng góp lớn và dẫn dắt nền kinh tế đi lên thì nhiều địa phương khác bắt đầu nổi lên, ngày càng trở thành một nhân tố có đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung cả nước.
Thủ tướng đánh giá để tiếp nối và phát huy cao hơn nữa những thành quả KT-XH đã đạt được trong năm 2019, các bộ, ngành và địa phương cần đặt ra những mục tiêu cao, cùng hiến kế đưa kế hoạch, mục tiêu về đích sớm, đạt được nhiều thành tích ấn tượng và toàn diện hơn nữa cho năm 2020.
“Hội nghị cần chỉ ra những động lực mới cho tăng trưởng hay gây dựng động lực cho tăng trưởng của năm 2020 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, cần có đột phá gì về cơ chế phân cấp, phân quyền và giao trách nhiệm cho địa phương để thúc đẩy tinh thần hành động quyết liệt, sự năng động, sáng tạo trong thực thi các chủ trương, chính sách, giải pháp đã được ban hành ở T.Ư”, Thủ tướng gợi mở.

Xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỉ USD

Chiều tối 30.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam vượt mốc 500 tỉ USD. Thủ tướng cho rằng kết quả này có nhiều ý nghĩa trong bối cảnh thương mại toàn cầu năm nay ở mức thấp nhất trong 10 năm (chỉ tăng 1,2%), xung đột thương mại xảy ra giữa các nước.

Việc đã đàm phán, ký kết 14 FTA, trong đó Hiệp định CPTPP đang phát huy tác dụng lớn. Thủ tướng đánh giá cao công tác phối hợp của các bộ vào chỉ đạo sản xuất, như với ngành NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á... Cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo. Tỷ trọng sản phẩm chế biến, chế tạo chiếm 84% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng chủ lực duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số và đã có 32 mặt hàng có kim ngạch trên 1 tỉ USD, có 6 mặt hàng có kim ngạch trên 10 tỉ USD chiếm tỷ trọng gần 93% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Thủ tướng giao Bộ Công thương mục tiêu là năm 2020 phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỉ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

Kiến nghị sớm có đặc thù, tăng điều tiết vượt thu 

Cũng tại hội nghị Chính phủ trực tuyến, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, cho biết năm 2019, thu ngân sách địa phương đạt trên 90.000 tỉ đồng, vượt thu khoảng 23.000 tỉ đồng. Do đó, Hải Phòng mong muốn Chính phủ xem xét, cho phép TP được hưởng theo tỷ lệ vượt thu đã được quy định trong Nghị định 89 của Chính phủ, để địa phương có nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông để kết nối vùng với các địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thì nhấn mạnh, để đảm bảo nguồn lực, TP đề xuất xây dựng đề án tái cơ cấu tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, Chính phủ quan tâm, tạo nguồn lực tương xứng, động lực mạnh mẽ hơn cho TP. Bên cạnh đó, TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Chính trị, Chính phủ quan tâm, xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị và nhất là quan tâm chỉ đạo, cho phép địa phương này xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế xứng tầm. Ông Phong cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị quyết cho phép TP áp dụng cơ chế đặc thù, rút ngắn việc tái định cư, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng. “Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TN-MT và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn về phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để các địa phương thuận lợi khi triển khai, thực hiện”, ông Phong nêu.

Khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư

Để năm 2020 tốt hơn năm 2019

Tiếp tục nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong năm 2020

Ảnh: Ngọc Thắng

Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã nêu bật một số định hướng, cũng như giải pháp hành động chủ yếu để thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 khi trình bày dự thảo nghị quyết của Chính phủ. Cụ thể, đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khơi thông nguồn lực, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng; tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thực chất, hiệu quả hơn; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Thứ ba là phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...
Đi vào các giải pháp đột phá, ông Huệ cho hay để củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững thì cần chú ý việc nâng cao hiệu quả quản lý nợ công, thanh toán nợ đúng hạn, không để ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, cải thiện triển vọng tín nhiệm quốc gia trong năm 2020. Tương tự, trong đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng thì một giải pháp cần làm ngay là hoàn thiện và phê duyệt phương án xử lý ngân hàng mua bắt buộc. Ban hành khuôn khổ thể chế quản lý thử nghiệm (sandbox) đối với hoạt động công nghệ tài chính (fintech) trong hoạt động ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt. Khuyến khích phát triển và tham gia của khu vực tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án lớn… Theo Phó thủ tướng, đây là các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm có tính đột phá trong chỉ đạo, điều hành và giải quyết kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc hiện nay, đưa KT-XH của đất nước hoàn thành các chỉ tiêu mà T.Ư và Quốc hội giao trong năm 2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.