Để quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam ngày càng phát triển

22/12/2022 13:56 GMT+7

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên , Tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM Kang Myong Il đã mang đến cái nhìn khác biệt và thật sự chạm đến cốt lõi của quan hệ song phương nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao.

Tổng lãnh sự (TLS) Hàn Quốc Kang Myong Il và bức tranh kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao

Ngọc Dương

Tổng lãnh sự (TLS) Hàn Quốc Kang Myong Il cho rằng thời điểm kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Hàn Quốc-Việt Nam chính là lúc để hai bên phải nghiêm túc suy nghĩ về những câu hỏi mà theo ông nếu trả lời chính xác sẽ giúp duy trì và phát triển sâu sắc hơn mối quan hệ hữu nghị song phương.

Những câu hỏi then chốt

Thứ nhất, Hàn Quốc có quan hệ ngoại giao lâu hơn với nhiều nước khác ở Đông Nam Á, thế nhưng tại sao kim ngạch thương mại với Việt Nam lại vượt qua các quốc gia Đông Nam Á khác và dẫn đầu chỉ trong một khoảng thời gian ngắn? Tại sao số lượng các cặp đôi kết hôn giữa người Hàn Quốc và người Việt Nam ngày một tăng? Quan trọng nhất là phải chăng có thể đánh giá thành quả vượt bậc trong giao lưu về con người và kinh tế là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nhân dân hai bên hay không?

Theo ông, bất chấp những điểm giao thoa trong lịch sử, trên thực tế Hàn Quốc và Việt Nam chỉ mới đẩy mạnh giao lưu về khía cạnh con người-kinh tế trong 30 năm qua. Và nhà ngoại giao nhấn mạnh chính nhân dân hai nước là những người đang viết lên trang lịch sử mới này.

Từ những năm 1990, cả Hàn Quốc lẫn Việt Nam đều phát hiện lại những giá trị cần thiết của nhau, cho phép xây dựng quan hệ tương hỗ theo hướng hai bên đều có lợi. Việt Nam thực thi chính sách Đổi Mới với mong muốn thu hút nguồn vốn nước ngoài để phát triển nền kinh tế, trong khi Hàn Quốc với cơ cấu nền kinh tế chủ yếu dựa vào ngoại thương lại cần công xưởng sản xuất và thị trường nước ngoài. Hai bên nhu cầu khớp với nhau bằng những yếu tố đó. Có thể nói, nhờ nhu cầu khác biệt, hai nước đã hợp lực cùng nhau dựa những lợi thế sẵn có và bổ sung cho nhau những yếu tố còn thiếu.

Tuy nhiên, ông nhắc nhở rằng quan hệ thường xuyên thay đổi. Hàn Quốc và Việt Nam đã và đang thay đổi và trong tương lai sắp tới quan hệ hai nước chắc chắn cũng sẽ tiếp tục có đổi thay. Những điểm khác biệt trước đây sẽ dần trở nên không còn xa lạ nữa.

Cụ thể như trong thời gian qua, mối quan hệ giữa hai nước có tính chất bổ sung hỗ trợ lẫn nhau trong hợp tác về kinh tế. Đến giai đoạn Việt Nam phát triển nền kinh tế ở mức độ cao hơn thì điều kiện tương ứng sẽ thay đổi mối quan hệ trên thành quan hệ cạnh tranh lẫn nhau.

Quan hệ nhân dân là cốt lõi

TLS Kang cho rằng khía cạnh thứ nhất của giai đoạn kế tiếp trong quan hệ song phương chính là “Hãy thân thiết gần gũi hơn”. Chẳng hạn, bên cạnh những lĩnh vực giao lưu truyền thống trước đây, như thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội, sắp tới nên tích cực mở rộng giao lưu sang các lĩnh vực khác như chính trị, quốc phòng, an ninh. Ngoài ra giao lưu trong lĩnh vực kinh tế sẽ được mở rộng theo chiều sâu hơn, cụ thể là các vấn đề liên quan biến đổi khí hậu –môi trường..

Thứ hai, trong bối cảnh Hàn Quốc lẫn Việt Nam giờ đây đều cảm nhận vị trí quan trọng của đối phương và vì thế kim ngạch thương mại song phương sẽ nhanh chóng đạt mốc 100 – 150 tỉ USD như kỳ vọng. TLS Kang cũng đánh giá quan hệ Hàn-Việt được vun trồng tươi tốt nhờ mối quan hệ giao lưu nhân dân. Ông cho rằng cục diện tương lai của quan hệ Hàn Quốc – Việt Nam cũng sẽ được quyết định bởi nhận thức, lợi ích và hành động của người dân hai bên. “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, khác với ẩn dụ mang tính trừu tượng, nó mang theo ý nghĩa cụ thể rằng mỗi người dân phải đối mặt với vấn đề cụ thể và thực tế là làm thế nào để chấp nhận những chủ thể khác mình trong phạm vi cuộc sống xung quanh mình”, nhà ngoại giao phân tích.

Với mục tiêu phát triển bền vững giao thương mậu dịch song phương, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tìm đến Việt Nam với nhiều quan tâm đa dạng như sự an toàn chuỗi cung ứng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số, năng lượng tái tạo và ứng phó với biến đổi khí hậu…

Tàu ROKS HANSANDO cập cảng Sài Gòn trong chuyến thăm TP.HCM giữa tháng 9

Thụy Miên

Nét mới của quan hệ song phương

Về hợp tác an ninh-quốc phòng, TLS Kang ví von ngoại giao và quốc phòng là hai mặt của đồng tiền. Nếu ngoại giao thất bại, chiến tranh sẽ được tiến hành bằng vũ lực. Hoặc, muốn ngoại giao thành công, vũ lực chỉ nên được hỗ trợ ở mức độ răn đe. Tuy nhiên, nếu nhìn vào lịch sử, lợi ích của ngoại giao và quốc phòng thường không trùng khớp với nhau trong một quốc gia, và khi tiếng nói quốc phòng mạnh hơn sẽ dẫn đến chiến tranh. Do đó, trong quan hệ đối ngoại, ngoại giao và quốc phòng của một quốc gia cần được phối hợp và tiến hành song song.

Trên tinh thần đó, ông tôi cho rằng không phải chỉ có Bộ ngoại giao Hàn Quốc mà việc Bộ Quốc phòng Hàn Quốc mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị với Việt Nam là một yếu tố tích cực. “Tôi được biết cách đây vài năm, thông tin về việc hải quân Hàn Quốc đã chuyển giao hai chiếc tàu loại tuần tra săn ngầm Yeosu và Kimcheon cho hải quân Việt Nam là một dẫn chứng cụ thể”, TLS Kang cho biết. Ông cũng đề cập đến chuyến thăm TP.HCM hồi tháng 9 của hai tàu huấn luyện tuần tra trên biển thuộc hải quân Hàn Quốc và xem đây là sự kiện rất có ý nghĩa trong bối cảnh này.

Bản thân ông từng tham gia các hoạt động tình báo của lực lượng đa quốc gia tại Afghanistan, có cơ hội tận mắt trải nghiệm thực tế Hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ (PKO). Theo ông, sẽ tốt hơn nếu Hàn Quốc và Việt Nam hợp tác để cùng cải thiện PKO thay vì chỉ tập trung vào các hoạt động duy trì hòa bình như hiện tại. Bên cạnh đó, hiện Hàn Quốc và Việt Nam vẫn chưa có giao lưu liên quan đến vũ khí/khí tài. TLS Kang hy vọng hai nước có thể tiến thêm một bước trong lĩnh vực này, mà theo ông là minh chứng cho sự gia tăng tin tưởng giữa hai nước.

Tổng lãnh sự Kang phát biểu tại cuộc tiếp tân trên tàu ROKS HANSANDO đêm 15.9

Thụy Miên

Sáng kiến thúc đẩy quan hệ Hàn-Việt

“Với tư cách một công chức nhà nước, dù 29 năm 30 năm hay 31 năm, tôi vẫn luôn muốn nỗ lực cống hiến hết mình cho mối quan hệ hữu nghị Hàn-Việt. Tôi hoàn toàn không có quan niệm về việc phải làm gì đó đặc biệt cho mốc thời gian 30 năm. Lý do là vì thực sự trong suy nghĩ thường ngày, tôi vốn vẫn luôn đắn đo về những việc mình cần phải làm để góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng tốt đẹp hơn”, TLS Kang trả lời câu hỏi của Thanh Niên về những điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong nhiệm kỳ bắt đầu từ cuối năm 2020, ông triển khai các sáng kiến chưa có tiền lệ so với những người tiền nhiệm. Chẳng hạn, ông nỗ lực xóa bỏ định kiến liên quan đến “cô dâu Việt” và những cuộc hôn nhân Hàn-Việt, thông qua dự án quay phim phóng sự về một số gia đình ở TP.HCM. Ông mong muốn thông qua bộ phim phóng sự được phát sóng trên kênh VTV9, người xem có dịp tiếp cận những hình ảnh gia đình Hàn-Việt tiêu biểu đúng nghĩa nhất.

Bên cạnh đó, TLS Kang đặc biệt quan tâm đến khía cạnh giáo dục, mà theo ông lấy từ kinh nghiệm của Hàn Quốc. “Động lực thúc đẩy sự phát triển của Hàn Quốc chính là những con người được đào tạo thông qua nền tảng giáo dục phổ thông bình đẳng”, ông cho biết.

Nhà ngoại giao đang triển khai nhiều dự án về giáo dục, như kiến nghị mở rộng khu đất của Trường Quốc tế Hàn Quốc để đào tạo thêm nhiều học sinh từ các gia đình Hàn-Việt. Tổng lãnh sự quán cũng phối hợp Đại học Mỹ thuật TP. HCM tổ chức cuộc thi với chủ đề “Con người”; giới thiệu sách truyện tranh đặc sắc của Hàn Quốc về chủ đề “Bạn bè” cho thiếu nhi Việt Nam; duy trì hoạt động CLB những người yêu sách dành cho các giảng viên ngành Hàn Quốc học.

TLS Kang cũng thông báo về sự điều chỉnh trong chương trình Học bổng Chính phủ Hàn Quốc cho sinh viên Việt Nam, theo hướng mở rộng việc tuyển chọn cho Khoa học tự nhiên và năng khiếu bên cạnh các ngành về khoa học xã hội như trước đây.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.