Đi đâu chơi ở Hà Nội dịp lễ 2.9?

Thu Hằng
Thu Hằng
31/08/2019 13:28 GMT+7

Do lo ngại mưa bão, không ít các gia đình đã phải hủy các chuyến đi chơi xa và ở lại Hà Nội trong dịp nghỉ lễ 2.9. Tuy nhiên, xung quanh Hà Nội còn rất nhiều các điểm vui chơi, giải trí để du khách lựa chọn.

Vui tết Độc lập tại các lễ hội văn hóa

Tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), trong 3 ngày lễ liên tục có các chương trình “Vui tết Độc lập”. Đây là chương trình dân ca, dân vũ của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu nét văn hóa đặc sắc như: múa khăn, múa trống, múa nón, múa sạp, diễn xướng âm nhạc dân gian Tây nguyên…

Chương trình Vui tết Độc lập được tổ chức tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam

Ảnh: Vinaculto
Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những sản vật thủ công của các địa phương, ẩm thực truyền thống của các dân tộc như: thắng cố, mèn mén, rượu ngô, măng trúc, thịt lợn đen… Thời gian diễn ra các hoạt động từ 9 giờ 30 đến 16 giờ 30 các ngày từ 31.8 - 2.9.
Đây là sự kiện hoành tráng dịp 2.9 tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, sẽ giúp các bạn trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn với văn hóa truyền thống.
Trong khi đó, lấy ý tưởng từ lễ hội hóa trang Carnival nổi tiếng tại Brazil, trong dịp lễ 2.9, tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn (Khu đô thị An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội)) du khách sẽ được trải nghiệm không khí lễ hội sôi động. Vũ hội diễn ra trong cả 3 ngày dịp  nghỉ lễ, với các hoạt động chính như diễu hành Carnival Vũ hội Ba Tư, biểu diễn vũ điệu đường phố Brazil, trình diễn cây ánh sáng kỳ ảo, những mô hình tượng khổng lồ,...
Từ ngày 31.9, công viên sẽ khai trương trò chơi cao tốc khứ hồi. Giá vé trọn gói vào cổng 350.000 đồng/người lớn và 250.000 đồng/trẻ em.

Chơi Trung thu sớm

Mở đầu cho mùa trung thu 2019, thứ 7 (ngày 31.8), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức hoạt động “Khám phá đồ chơi và mâm cỗ truyền thống” để chuẩn bị cho chương trình Trung thu 2019 mang tên Sắc màu văn hóa Gia Lai.
Đây là cơ hội để công chúng, nhất là các em nhỏ tìm hiểu về đồ chơi và ý nghĩa mâm cỗ truyền thống của người Việt trong dịp tết trông trăng. Tại đây, các em nhỏ được học làm đồ chơi dân gian cùng nghệ nhân: làm đèn ông sao, mặt nạ, tàu thủy, đèn kéo quân, diều, nặn tò he, gấp lá dừa, lá dứa, làm đèn ông sao, nặn gốm Bát Tràng, vẽ mặt nạ…
Tour đi tìm “địa chỉ đỏ”
Khác với những kỳ nghỉ lễ trong năm, dịp 2.9 Hà Nội trở thành điểm đến thân thuộc của người dân các địa phương trong cả nước. Trong đó, Lăng Bác là một điểm không thể bỏ qua. Dự kiến sẽ có hàng vạn người vào Lăng viếng Bác trong dịp này.
Theo quy định của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ viếng lăng được tổ chức vào các buổi sáng, trừ thứ hai và thứ sáu. Tuy nhiên, theo quy định, nếu lễ trùng với ngày thứ hai hoặc thứ 6 thì vẫn sẽ tổ chức lễ viếng Lăng Bác. Thời gian từ 7 giờ 30 đến 10 giờ 30.
Nhiều gia đình cũng chọn dịp nghỉ lễ này tổ chức tour đi thăm các “địa chỉ đỏ” như một cách giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, trước khi con em bước năm học mới.
Ngoài Lăng Bác, Bảo tàng Hồ Chí Minh, tại Hà Nội còn có các điểm thăm quan khác như: Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Lịch sử, Nhà tù Hỏa Lò… Theo Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, trong dịp này sẽ diễn ra trưng bày chuyên đề Viết tiếp khúc quân hành.
Sở Du lịch Hà Nội đã có công văn gửi các cơ sở, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố yêu cầu bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường trong dịp nghỉ lễ 2.9.
Theo đó, Sở yêu cầu các đơn vị chủ động xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách du lịch...
Các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng thực hiện đầy đủ, công khai việc niêm yết giá; bố trí nơi đón tiếp thuận tiện với hệ thống bảng biển chỉ dẫn khoa học, có mỹ quan; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.