Đi giữa thương chiến Mỹ- Trung

27/10/2019 13:55 GMT+7

VN ở vị thế buộc phải đi giữa “chiến tuyến” của hai “ông lớn” trong thương chiến Mỹ - Trung, các doanh nghiệp Việt phải uyển chuyển thế nào để biến thách thức thành cơ hội cho mình?

Cơ hội lấp khoảng trống từ Trung Quốc

Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex, phân tích hàng thủy sản Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế tới 25% nghĩa là cơ hội cho các nước đang xuất khẩu thủy sản vào thị trường khó tính này, trong đó có VN. Không chỉ doanh nghiệp (DN) phải tìm cách “chiếm chỗ” hàng Trung Quốc, người mua cũng đã rục rịch chủ động đi tìm nguồn hàng. Tuy không phải đối thủ lớn của VN trong cuộc đua đưa thủy hải sản vào Mỹ, nhưng Trung Quốc cũng có nhiều mặt hàng trùng với VN. Đó chính là cơ hội. Không những thế, con tôm VN xuất vào Mỹ đang được hưởng thuế suất 0%, cá tra - mặt hàng ưu thế nhất của VN - cũng đang được Mỹ “xem xét hoàng hôn” thuế chống bán phá giá. Đây là những điều kiện rất tốt để VN có thể tận dụng nguồn cung thị trường giảm, đẩy mạnh bán hàng.
Cùng quan điểm, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty Chánh Thu - đơn vị vừa đưa lô xoài đầu tiên của VN vào kệ trái cây trong các cửa hàng của Mỹ, cho biết thương chiến Mỹ - Trung tạo ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm trái cây VN cùng loại với Trung Quốc “lấn sân” vào thị trường Mỹ. Một phần kệ hàng còn trống chính là chỗ để trái cây Việt hướng tới. Mặt hàng trái cây tươi của VN cũng phải cạnh tranh với nhiều thị trường có cùng trái cây nhiệt đới như Thái Lan, Đài Loan. Tuy nhiên, sản phẩm tươi cũng vừa khó cạnh tranh, vừa có giá trị thấp. Do đó, chúng ta có thể tận dụng thời cơ bằng cách chuyển hướng sang sản phẩm chế biến chất lượng cao không chỉ có nhiều hơn cơ hội vào thị trường Mỹ mà còn có thể mở rộng sang nhiều thị trường khó tính khác. Chánh Thu cũng đang dần chuyển hướng sang nông sản chế biến để nâng giá trị nông sản Việt.
Ngoài ra theo bà Vy, DN phải nhận thức không phải tận dụng lúc họ “đánh nhau” để đưa sản phẩm vào bên này, bên kia mà quan trọng là nhân cơ hội này giới thiệu và thay đổi thương hiệu hàng Việt chất lượng hơn, để tất cả các loại sản phẩm có được tấm vé thông hành sẵn sàng cho mọi thị trường vào mọi thời điểm.
Bà Phạm Cecile, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex, đang xuất khẩu hàng chục triệu USD hàng may mặc mỗi năm sang châu Âu nhận định, thương chiến Mỹ - Trung là cơ hội lớn cho ngành may mặc do có làn sóng các nhà sản xuất nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, Hồng Kông chuyển hướng sang VN đầu tư. “Chúng tôi vừa có cuộc trao đổi với một số nhà sản xuất nguyên phụ liệu và gia công hàng may mặc cho các chuỗi bán lẻ lớn của Pháp đang có nhà máy tại Hồng Kông, họ đang có hướng sẽ mở nhà máy ở VN. Các DN này chiếm đến 60% nguồn cung cho DN nội địa nên việc họ đưa nhà máy sang sẽ giúp DN Việt giảm áp lực tìm nhà cung cấp các nơi khác để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại mới. Mặc dù đã tiên liệu trước tình hình khó khăn, nhưng các DN này thừa nhận, vẫn không tránh được tâm lý bị “rúng động” khi thương chiến Mỹ - Trung ngày càng gia tăng. Họ phải tìm hướng đi mới và sang VN là con đường ngắn và dễ nhất. Cơ hội duy trì và mở rộng thị trường ra xa hơn từ thị trường VN cũng lớn”, bà Phạm Cecile nói.

Kỹ năng đi giữa lằn ranh

Cơ hội lớn nhưng rủi ro còn lớn hơn nếu các DN không nhận thức rõ bối cảnh và có kỹ năng "đi giữa lằn ranh thương chiến". Gỗ, ngành được đánh giá có lợi thế lớn nhất, là một minh chứng điển hình cho việc này. Ngay từ quý 1, nghiên cứu từ S&P Global Market Intelligence cho thấy, trong quý 1 năm nay, lượng hàng hóa là đồ gỗ nội thất các hãng bán lẻ tại Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm 13,5% do việc tăng thuế nhập khẩu lên 10% của chính quyền Tổng thống Trump. Mức thuế nhập khẩu tăng khiến giá bán lẻ đồ gỗ nội thất tại Mỹ tăng theo, ở mức phổ biến là 3%. Chính vì thế, các hãng bán lẻ buộc phải tìm kiếm nguồn cung từ các quốc gia không bị áp mức tăng thuế nhập khẩu, như VN, Indonesia, Ấn Độ... Cơ hội này ngay lập tức được các DN trong nước tận dụng, nhưng các DN Trung Quốc cũng không ngồi yên, họ tìm cách vào VN né xuất xứ để không mất thị trường Mỹ. Số liệu cho thấy, cũng trong quý 1/2019, các hãng bán lẻ Mỹ nhập khẩu đồ gỗ nội thất từ VN đã tăng đến 37,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi từ tháng 1 đến tháng 5.2019, VN nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc trị giá 202,5 triệu USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước. Trước tình trạng này, Bộ Công thương đã liên tục cảnh báo, họp vào đầu tháng 9 vừa rồi đã công bố danh sách cảnh báo các sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế gồm 13 mặt hàng xuất khẩu sang 3 thị trường là Mỹ, EU và Canada. Trong đó, gỗ ở nhóm có mức độ cao nhất, cần tiến hành theo dõi chặt chẽ, kiểm tra hoạt động của các DN liên quan.

Nếu tiếp tục ham rẻ, khả năng rất cao là chúng ta lại hứng rác từ Trung Quốc, giảm chất lượng hàng hóa tại thị trường nội địa. Đây là nguy cơ rất lớn cho sản xuất trong nước, tăng nhập siêu từ Trung Quốc

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại

Tương tự với thủy sản, ông Nguyễn Văn Kịch nhận định, khi đẩy mạnh xuất khẩu quá nhiều sẽ bị Chính phủ Mỹ “soi” đưa vào danh sách cần chú ý. Bên cạnh đó, tuy nhu cầu tôm, cá của thị trường Mỹ rất lớn nhưng VN còn phải cạnh tranh với nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ, mới đây xuất hiện thêm cả các “đối thủ” đến từ Trung Đông như Pakistan, Iran, Iraq… Đặc biệt, công nghệ nuôi thủy hải sản của Ấn Độ hiện cải tiến rất nhanh, năng suất tốt hơn, giá thành rẻ hơn VN. Do đó, nếu không cẩn thận, hàng VN vừa có thể bị áp thêm thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng khác sau cá tra, vừa thất thế, dội hàng do cạnh tranh không lại các nước.
“Hiện Mỹ đang là thị trường tiêu thụ lớn nhất cá rô phi của Trung Quốc và đây cũng là mặt hàng xuất khẩu bị Mỹ đánh thuế khiến Trung Quốc điêu đứng nhất. Vì thế, rất có thể DN Trung Quốc sẽ tìm cách tuồn cá rô phi qua các nước, trong đó có VN để mượn đường lách thuế, xuất hàng vào thị trường Mỹ với mức thuế 0%. Điều này có thể mang lại nguồn lợi lớn tức thời cho DN Việt nhưng kéo theo rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng nếu bị Mỹ phát hiện. Chúng ta sẽ bị quy là đồng lõa và phải chịu chung sự trừng phạt, như bài học từ thép”, ông Kịch cảnh báo và nhấn mạnh: “Đây là giai đoạn cực kỳ nhạy cảm. VN phải rất khéo léo để không để trở thành nạn nhân tiếp theo của thương chiến hay “gây hiềm khích” với bất kỳ nước nào. Trái lại, chúng ta cần tận dụng tốt cơ hội này bằng cách tập trung tái cơ cấu ngành hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh, khẳng định thương hiệu thủy hải sản Việt trên trường quốc tế”.
Đi giữa thương chiến1

Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu

Ảnh: Ngọc Thắng

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cảnh báo: Tâm lý rộng cửa xuất sang Mỹ có thể khiến nhiều DN làm ăn chụp giật lao theo cơn bão, thậm chí “bắt tay” với DN Trung Quốc, cho mượn đường né thuế xuất hàng sang Mỹ, khiến lượng hàng xuất tăng đột biến, gây nghi ngờ. “Trước đây có khi 1 ngày chỉ xuất được 5 container trái cây, giờ lên 10 container, trong khi cơ sở sản xuất vẫn không thay đổi. Phía Mỹ sẽ lập tức nghi ngờ và kiểm tra. Nếu làm không đúng thì sẽ bị quy chụp vào tội đồng lõa, tiếp tay và bị đánh thuế giống như hàng Trung Quốc”, ông Tùng dẫn chứng và nhận định: Nhìn lại gần 1 năm nổ ra thương chiến, DN xuất nhập khẩu nông sản Việt không những không được hưởng lợi nhiều mà còn vướng vào nhiều nguy cơ. Do đó, DN không nên tư duy tận dụng len vào mà cần chuyển mình ứng biến với nhiều tình huống mà “chìa khóa” chính là bình tĩnh, cẩn trọng, từng bước cải thiện chất lượng sản phẩm để mở rộng thị trường, đứng vững trong tâm bão.

Thách thức từ ngộ nhận cơ hội

Không chỉ các vấn đề khách quan, một thách lớn chính là nội lực của chính DN Việt. Nếu “sức khỏe” không được cải thiện, chúng ta khó tận dụng được cơ hội ngon ăn này.

Không phải tận dụng lúc họ “đánh nhau” để đưa sản phẩm vào bên này, bên kia mà quan trọng là nhân cơ hội này giới thiệu và thay đổi thương hiệu hàng Việt chất lượng hơn, để tất cả các loại sản phẩm có được tấm vé thông hành sẵn sàng cho mọi thị trường vào mọi thời điểm

Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty Chánh Thu

Ông Trần Việt Tiến, Ủy viên thường vụ Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), nói thẳng thách thức là cực lớn. Thách thức đầu tiên là nhân lực. Làn sóng dịch chuyển lao động trước đây từ miền Bắc, Trung vào Nam, nay lại có xu hướng quay ngược. Hiện nhiều DN trả lương cho công nhân tăng 10 - 20% vẫn không tìm đủ nguồn lao động. Thứ hai là năng suất lao động thấp, ngành gỗ thuộc nhóm lao động có công suất rất thấp; bên cạnh đó đầu tư công nghệ của DN Việt cũng không hiện đại để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới. “Đã có dòng dịch chuyển đầu tư của các công ty FDI trong ngành nội thất của Ý, Đức, Mỹ... có nhà máy đặt tại Trung Quốc, nay vào VN dưới hình thức đầu tư trực tiếp hoặc liên doanh. Đây là thách thức lớn cho DN gỗ nội thất trong nước bởi họ mạnh về vốn, công nghệ hiện đại... sẽ tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ. Bên cạnh đó, xu hướng số hóa đã ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Người Mỹ, châu Âu chuộng mua đồ online, kể cả nội thất. Thế nên có sự thay đổi rất lớn với ngành nội thất, đó là chuộng hàng lắp ráp, hàng giao tận nơi và lắp ráp tại nhà. Bây giờ có thể 10% người mua nội thất lắp ráp tại nhà nhưng 3 - 5 năm nữa, con số đó có thể tăng lên 50%. Lúc đó, tính chất sản phẩm sẽ khác, DN Việt nếu không thay đổi nhanh, chắc chắn sẽ bị đẩy lùi”, ông Tiến lo lắng.
Một thách thức khác được ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh: Nhiều người đang “ngộ nhận” rằng khi Mỹ “đóng cửa” với Trung Quốc, hàng Việt cùng chủng loại sẽ có cơ hội thay thế hàng Trung Quốc và ngược lại, người Trung Quốc có thể sẽ dùng hàng Việt để thay thế lượng hàng Mỹ đang thiếu hụt. Điều này là có nhưng không hề đơn giản như vậy. Khi chiến tranh thương mại xảy ra, 2 nước tham chiến sẽ có xu hướng quay lại tự vệ, tức là tận dụng, tiêu thụ hàng nội địa, hạn chế nhập khẩu từ nước ngoài. Chưa kể hàng nội địa nước họ dồn ứ có thể bị đẩy qua VN, ảnh hưởng tới thị trường nội địa. Bên cạnh đó, thương chiến kéo dài có thể đẩy đến suy thoái kinh tế, hàng VN xuất qua cũng sẽ không được giá. Trong bối cảnh cuộc chiến mới diễn ra còn xuất hiện tình trạng DN Trung Quốc “chạy hàng” trước thời điểm chính sách thuế đưa vào áp dụng, đẩy nhu cầu logistics tăng cao, không còn đủ để vận chuyển hàng hóa của VN qua Mỹ. Do đó phải qua hết tháng 9 mới nhìn nhận được kết quả xuất khẩu VN qua Mỹ có tốt lên hay không.
Xuất nhập khẩu của VN 8 tháng đầu 2019
Đơn vị: tỉ USD, % tăng giảm so cùng kỳ năm trước
(Nguồn: Tổng cục Thống kê)
 
Xuất nhập khẩu của VN 8 tháng đầu 2019
8 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào VN với 1,9 tỉ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản đã tụt xuống phía sau. Trước đó, năm 2017, vốn FDI Trung Quốc và Hồng Kông đạt 3,7 tỉ USD, năm 2018 tăng lên 5,8 tỉ USD và 6 tháng đầu năm 2019 đã đạt 7,59 tỉ USD.
Đầu tư vào chế biến có thể là giải pháp giúp ngành nông sản gia tăng xuất khẩu và tìm khách hàng mới đến từ Mỹ. Thế nhưng với ngành nội thất, ông Trần Việt Tiến nêu quan điểm, đầu tư công nghệ không phải là tất cả, không phải mua máy đưa vào xưởng là xong, điều quan trọng là phải thay đổi tư duy sản xuất. “DN cần chủ động trong sân chơi cuộc cách mạng 4.0 này, không phải thấy họ đầu tư máy móc hoành tráng quá, mình cũng làm; đừng đầu tư quá trớn. Phải làm chủ cuộc chơi, nếu công nghệ 4.0 mà không có người làm 4.0 thì khai thác sẽ không hiệu quả. Nếu không chủ động sẽ biến thách thức thành mối đe dọa”.

Tăng nhập hàng từ Mỹ, giảm nhập từ Trung Quốc

Các chuyên gia kinh tế, thương mại đều cho rằng VN có nhiều cơ hội trong thương chiến Mỹ - Trung, nhưng cùng với đó là các rủi ro lớn như dòng vốn đầu tư rút từ Trung Quốc sẽ tìm đến VN gia tăng, đẩy chúng ta đến nguy cơ bị Mỹ áp thuế lẩn tránh; Nhân dân tệ giảm khiến hàng hóa xuất khẩu vào Trung Quốc rẻ hơn, hàng Việt khó cạnh tranh; nguy cơ công nghệ lạc hậu, dư thừa từ Trung Quốc tuồn vào nội địa...
Chuyên gia kinh tế thương mại Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế, nhận định thương chiến Mỹ - Trung chỉ là bề nổi có thể nhìn thấy được, điều đáng lưu tâm là việc áp thuế nhập khẩu của 2 quốc gia này càng leo thang sẽ có nguy cơ tạo nhiều tác động xấu cho nền kinh tế thế giới. Tại VN, mặt tích cực có thể dễ thấy như tăng xuất khẩu vào Mỹ, tăng nguồn vốn ngoại của các nhà đầu tư nước ngoài rời Trung Quốc vào VN. Tuy nhiên ông Tuyển nhấn mạnh, hệ quả từ cuộc chiến này mang lại cho VN không hề nhỏ. Ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất chính là việc phải cạnh tranh với hàng Trung Quốc tại các thị trường ngoài Mỹ. Điều đáng cân nhắc là khi nhân dân tệ giảm giá, nhiều sản phẩm kém chất lượng hoặc dư thừa ở Trung Quốc sẽ bị đẩy sang để “dọn dẹp” lại thị trường của họ. VN vô hình trung trở thành điểm đến rất thuận lợi để Trung Quốc tuồn hàng thừa. “Nếu tiếp tục ham rẻ, khả năng rất cao là chúng ta lại hứng rác từ Trung Quốc, giảm chất lượng hàng hóa tại thị trường nội địa. Đây là nguy cơ rất lớn cho sản xuất trong nước, tăng nhập siêu từ Trung Quốc”, ông Tuyển nói.
Ông Trương Đình Tuyển cũng cảnh báo: Nhiều DN đang nhăm nhe nhập hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt để xuất đi Mỹ. Không cần đến DN Trung Quốc vào VN đưa hàng từ nước họ vào VN để lẩn tránh xuất xứ, chính DN Việt nhập hàng Trung Quốc về dán nhãn Việt, hoặc gia công một số công đoạn đơn giản, gắn xuất xứ tại VN, hoặc tạm nhập tái xuất... “Điều này đã được cảnh báo, nhưng phải coi như vấn đề nghiêm trọng nhất với kinh tế nước nhà, bởi nó tạo cớ cho Mỹ đánh thuế bổ sung với hàng hóa của VN như cách họ đã áp với mặt hàng thép, nhôm Việt”, ông Tuyển lưu ý. Thế nên, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng chính sách quản lý xuất nhập khẩu của VN cần “siết” kỹ ở khâu gác cổng là hải quan. Phía DN nên giảm nhập từ thị trường Trung Quốc, gia tăng nhập hàng công nghệ từ Mỹ đề điều chỉnh cơ cấu thị trường theo hướng cân bằng hơn. Giảm thâm hụt thương mại với Mỹ nhằm tránh những bất lợi và nguy cơ bị áp thuế cũng được chuyên gia kinh tế khuyến cáo.
Đầu tư phải bắt đầu từ nhu cầu của chính mình
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA
       
Cách đây 15 năm, tôi có dịp sang Đan Mạch, thăm Nhà máy Fritz Hanzen với mẫu ghế nổi tiếng ANT. Chỉ với 5 công nhân nhưng có thể sản xuất hơn 2.000 ghế mỗi ngày. Để làm được điều đó, DN phải tính toán rất kỹ mọi chi phí, nguyên liệu… Đặc biệt là đầu tư một dây chuyền máy móc thiết bị tối ưu, khai thác tối đa khả năng của máy. Tuy nhiên, khi đặt vấn đề nếu một ngày nào đó, thị trường không đặt hàng sản xuất ghế ấy nữa, nhà máy sẽ ra sao? Câu trả lời là: Đóng cửa! Đó là hai mặt của vấn đề. DN có thể đầu tư rất sát với thực tế, khai thác hết toàn bộ nguồn đầu tư. Nhưng mặt còn lại là khoảng trống trong dự liệu tương lai. Với một thị trường liên tục thay đổi về thị hiếu, đối thủ cạnh cạnh tranh, kinh tế chính trị… nếu không chuẩn bị để có thể linh hoạt thích ứng, khoản đầu tư hiện tại hoàn toàn có thể làm khó DN trong tương lai. Chính câu chuyện của DN ấy chứa trong nó những thách thức mà hiện nay DN VN đang gặp phải. DN phải giữ thế chủ động trong cuộc chơi công nghệ, không đầu tư theo phong trào. Câu chuyện đầu tư phải bắt đầu từ nhu cầu của chính mình.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA
Ở thị trường thuận lợi nhất, vẫn có những khó khăn
Bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty Chánh Thu
       
Thương chiến “nổ ra” cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế cả 2 nước tham chiến, sức mua của thị trường Mỹ cũng đang có dấu hiệu giảm ở một số mặt hàng như nhãn, thanh long. Tại thời điểm này, các DN vẫn đang chuẩn bị đầy đủ vùng trồng, chất lượng sản phẩm vì khoảng tháng 11 đến tháng 1 năm sau mới là thời điểm hàng qua Mỹ xuất chạy nhất. Mặt khác, ở chiều giao thương với Trung Quốc, DN Việt đang gặp nhiều khó khăn do nhân dân tệ mất giá, giá trái cây của VN bị hạ thấp, giá trị sản phẩm giảm nhiều. Một số mặt hàng như sầu riêng hiện chỉ xuất theo đường tiểu ngạch còn khó khăn hơn. Nói thế để thấy, ở thị trường thuận lợi vẫn có những khó khăn và ngược lại.
Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty Chánh Thu
Chuẩn bị nội lực doanh nghiệp
Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
       
Tính cơ hội trong chiến tranh thương mại không đến ngay lập tức mà cần phải được chuẩn bị từ gốc. Ý thức hệ trong thương chiến mà DN Việt cần thay đổi là về nội lực DN. Nâng chuẩn sản phẩm, mở rộng độ lớn hay thậm chí là bán bớt cổ phần cho các đối tác nước ngoài theo dạng M&A để hấp thu nguồn lực, hấp thu công nghệ, tái cấu trúc DN là những điều DN Việt cần nhìn nhận một cách nghiêm túc. Chỉ có vững từ gốc thì VN mới có thể nhanh chóng tận dụng cơ hội và không điêu đứng trước mỗi biến động kinh tế thế giới như thương chiến Mỹ - Trung.
Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó trưởng khoa Kinh doanh quốc tế - Marketing (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM)
Đón vốn ngoại cũng là thêm đối thủ
Bà Phạm Cecile, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex
       
Rõ ràng thương chiến là cơ hội cho DN Việt, nhưng các DN nước ngoài đưa nhà máy sang VN không chỉ làm phụ liệu mà cả sản xuất, gia công, hoàn thành chuỗi công đoạn để xuất khẩu áo quần đi Mỹ. Lúc đó, chính dòng vốn ngoại này sẽ tạo áp lực rất lớn lên ngành may mặc Việt. Đó là chưa kể hàng Trung Quốc xuất qua Mỹ né thuế dưới chiêu bài lẩn tránh xuất xứ VN. Họ mượn xuất xứ VN, Malaysia để đưa hàng đi. Nên nhớ người Mỹ thường mua hàng qua trung gian, không mua trực tiếp từ nhà sản xuất. Thế nên việc gian dối lẩn tránh xuất xứ của DN Trung Quốc tại các nước để đưa hàng sang Mỹ có thể cũng sẽ bị phía Mỹ phát hiện. Nhưng đợi đến khi đó họ đã xuất được trót lọt nhiều hàng rồi, còn hậu quả bị Mỹ trừng phạt nếu có thì DN trong nước lãnh đủ.
Phạm Cecile, Tổng giám đốc Tập đoàn Dacotex
Đi giữa lằn ranh khéo léo nhất
Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex
       
Cả nhà nước và DN cần xác định rõ đường hướng để đi giữa lằn ranh chiến tranh một cách khéo léo nhất. Cụ thể, Chính phủ có thể “phụ” DN điều chỉnh cán cân thương mại bằng cách giảm thuế cho các mặt hàng như thịt bò, trái cây Mỹ nhập vào VN, để Mỹ không còn quá “soi” chúng ta như một quốc gia chỉ xuất siêu sang đó. Song song đó, tạo ra nhiều rào cản kỹ thuật để tránh hàng Trung Quốc đẩy qua VN, mượn đường xuất sang Mỹ. Tốt nhất là trong thời gian này, hạn chế tối đa nguồn vốn FDI từ Trung Quốc đổ sang VN. Về phía DN, cần chủ động nắm bắt từng hơi thở của thị trường để vạch ra chiến lược dài hạn. Tuyệt đối không tranh thủ kiểu chụp giật ồ ạt lao vào nuôi trồng hay tiếp tay cho hàng Trung Quốc tuồn trái phép vào thị trường Mỹ. Quan trọng nhất là đầu tư vào công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để củng cố vị thế hàng Việt trên đất Mỹ, cũng như mở ra cơ hội tìm kiếm nhiều thị trường mới.
Ông Nguyễn Văn Kịch, Giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.