Chồng đánh vợ, phụ nữ Việt lên tiếng: Ai nhường ai để gia đình êm ấm?

03/10/2019 09:12 GMT+7

Chuyên gia tâm lý cho rằng, ngày nay nhiều ông chồng đánh vợ là do "cơm sôi" nhưng không ai chịu "bớt lửa", cả vợ và chồng đều không kiểm soát được xảm xúc; do những định kiến ngày xưa và các hệ lụy xã hội.

Thời gian qua, nhiều câu chuyện chồng đánh vợ được Thanh Niên đăng tải khiến dư luận rất bức xúc và lên án. Nhưng có điều đáng buồn, những người phụ nữ ấy đều cam chịu, đến khi quá giới hạn chịu đựng hoặc người khác phát hiện, câu chuyện của họ mới được mang ra ánh sáng. 

Vì đâu ngày càng nhiều vụ chồng đánh vợ?

Tiến sĩ (TS) tâm lý Vera Hà Anh cho biết, hiện nay nhiều người chồng đánh vợ vì tự cho mình quyền bạo lực như một “công cụ hợp pháp”. Thật đáng lo ngại cho một xã hội như vậy.
Theo TS Hà Anh, nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực gia đình do thiếu kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống về hôn nhân và gia đình. Vợ chồng đánh nhau không hẳn là vì thiếu văn hóa mà do cả người vợ và bạn đời đều không kiểm soát được cảm xúc, những hệ thống định kiến ngày xưa, hay hệ lụy của xã hội mang lại (từ tấm gương cha mẹ, tuổi thơ tổn thương, bị so sánh, không được yêu thương…)

Nhiều phụ nữ cam chịu những trận đòn roi của chồng vì không muốn gia đình ly tán

Ảnh minh họa

Cũng do thiếu kiến thức mà vô hình trung người vợ “cho phép” người chồng quyền đánh mình hoặc có thái độ thách thức, bướng, bất cần, đối đầu với bạn đời.
Từng là người phụ nữ phải trả giá đắt do bước vào cuộc sống hôn nhân nhưng không chuẩn bị kiến thức, sự am hiểu nhất định, chị Hà Anh quan niệm người phụ nữ là phong thủy trong gia đình.
“Những mâu thuẫn, đau khổ, trách móc trong đời sống vợ chồng giống như bóng tối. Trí tuệ, sự khai sáng của hai vợ chồng giống như ngọn đèn sáng. Chỉ cần một trong hai người hãy làm gương là “ngọn đèn sáng” rọi vào căn nhà ấy thì tổ ấm đó sẽ bừng sáng, hay nói cách khác là mọi mâu thuẫn sẽ biến mất”, tiến sĩ Hà Anh chia sẻ.

'Cơm sôi bớt lửa', ai nhường ai?

Ngày nay, tỉ lệ ly hôn trong xã hội vẫn có xu hướng gia tăng. Nhiều phụ nữ đẫm nước mắt cam chịu sự đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần. Theo TS tâm lý Hà Anh, đến ngày nay, câu nói “Cơm sôi bớt lửa” của ông bà ta vẫn rất thấm thía trong cách cư xử của vợ chồng trong gia đình.

Tiến sĩ tâm lý Vera Hà Anh

NVCC

       
“Tôi không khuyên ai nên nhường ai, hay nhường như thế nào. Tuy nhiên, phụ nữ hãy chọn hạnh phúc thay vì chọn đúng. Và muốn hạnh phúc, bạn cần trả lời được các câu hỏi cơ bản như: Mục đích của cuộc hôn nhân này là gì? Vì sao bạn muốn đạt được đích này? Vì ai? Cho ai? Và cho ai nữa? Nếu không đạt được đích này thì sẽ ảnh hưởng gì tới cuộc đời bạn? Tại sao bạn chưa đạt được điều này? Bài học rút ra của bạn là gì? Hạnh phúc trong hôn nhân của người phụ nữ giống như một bông lúa chín mọng đầy thường cúi đầu, còn bông lúa lép thường ngẩng lên nhưng lại không có giá trị gì bên trong”, TS Hà Anh bày tỏ.
Sau cùng, TS Hà Anh cho rằng để đời sống gia đình ấm êm, giữ lửa trong hôn nhân, cả vợ và chồng nên yêu thương nhau trên tinh thần phụng sự. Phụng sự đơn giản là dành cho nhau những yêu thương chân thành. Phụng sự là khi ta thực sự muốn làm cho bạn đời, cho con cái chỉ đơn giản là trao nụ cười, cái nắm tay thật chặt, hay bữa cơm chiều đủ ấm… Và cách phụng sự hay nhất là làm cho gánh nặng của người bạn đời nhẹ bớt, thay vì bãi bỏ nó đi. “Ở cạnh và sống với tinh thần phụng sự như vậy, ắt không ai nỡ đánh bạn cả!”, TS Hà Anh khẳng định.
Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, Giảng viên khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng, bước vào cuộc sống hôn nhân, các cặp đôi phải đối mặt với rất nhiều tình huống có vấn đề xảy ra xung quanh mình, đặc biệt vợ chồng trẻ.

Nhiều vụ chồng đánh vợ dã man khiến cộng đồng bức xúc thời gian qua

Ảnh cắt từ clip

Cụ thể, khi xảy ra bất kỳ xung đột, mâu thuẫn nào đó, điều cần làm trước tiên của mỗi người là phải giữ sự bình tĩnh và tuyệt đối tránh bạo lực. Lúc hai bản thể không hài lòng về nhau hãy nhớ đến phép toán 0.5 + 0.5 = 1. Điều này có nghĩa là mỗi người nên sống vì mình một nửa, nửa còn lại phải biết nhường nhịn vì người bạn đời của mình.
Thạc sĩ An phân tích, thực tế phản ánh có nhiều bà vợ khi nổi nóng sẽ liên tiếp đưa ra lý lẽ chứng tỏ mình đúng, theo đó cũng có không ít ông chồng "hung" lên sẽ chứng tỏ sức mạnh đàn ông qua cơ bắp. Khi cán cân hôn nhân có sự khập khiễng, khoan bàn đúng sai, chúng ta nên giữ cho nhau sự tôn trọng và lắng nghe nhau. 
Ở khía cạnh tâm lý chung, phụ nữ thường có tính cam chịu và hy sinh tương đối tốt hơn so với đàn ông. Tuy nhiên, quý ông cũng hết sức lưu ý chuyện gì cũng có ngưỡng giới hạn của nó, đừng để vợ mình phải chịu đựng những dồn nén tiêu cực quá lâu sẽ dễ dẫn đến sự "vỡ òa".
Do vậy, khi xảy ra xung đột, bất đồng quan điểm thì cả hai đều phải có sự nhường nhịn. “Khi những ông chồng lên cơn thịnh nộ thường không được kiểm soát những lời nói, hành động của mình. Những người phụ nữ thông minh cần biết trước, dự đoán được điều đó để lùi một bước để cân bằng mọi thứ. Ngược lại, với những người vợ cá tính mạnh thì chồng phải phải nhường nhịn. Sau đó, đợi cả hai bình tĩnh lại rồi nói chuyện, bày tỏ quan điểm để hiểu nhau hơn”, thạc sĩ Hoàng An chia sẻ.
Theo thạc sĩ tâm lý Hoàng An, sự hi sinh, nhường nhịn để bảo vệ cho cuộc hôn nhân của mình là điều ai cũng nên làm chứ không có sự hơn thiệt gì ở đây. Nhưng để cân bằng trong gia đình, phụ nữ nhường nhịn không có nghĩa là cam chịu để chồng đánh. Người phụ nữ nên cương, nhu khi cần thiết.
Ông Phạm Minh Triều (Chánh án Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, trong số các vụ ly hôn mà ông từng xử, rất ít trường hợp ra tòa nói muốn ly hôn vì bạo lực gia đình. Theo ông Triều, đa số các cặp khi ly hôn đều muốn giải quyết nhanh gọn, tránh mất thời gian hoặc nói ra là cãi nhau nên thường trình bày với tòa lý do ly hôn là không đồng quan điểm trong cuộc sống.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng chi hội Luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cũng cho biết, bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật, là hành vi xâm phạm quyền con người, cũng là hành vi đáng bị toàn xã hội lên án. Một gia đình mà chồng đánh vợ, bố mẹ đánh con chẳng những sẽ làm ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển nhân cách của trẻ mà còn gây ảnh hưởng tâm lý lâu dài cho những người là nạn nhân của những hành vi bạo lực ấy.
Theo LS Nữ, hiện nay, nhiều phụ nữ vẫn cam chịu những trận đánh của chồng vì muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình, muốn cho con cái có đủ cả cha lẫn mẹ. Nhưng trong một môi trường như vậy, đứa trẻ lớn lên có thể có những hành vi tương tự, gây hệ lụy xấu trong xã hội. Nhiều người cũng ngại tố cáo chồng đánh vì cho rằng đó là chuyện trong nhà, chuyện đáng xấu hổ. Tuy nhiên, pháp luật bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ nên khi bị ai xâm hại sức khỏe, tinh thần, những người vợ, người mẹ hãy đến trình báo công an hoặc hội phụ nữ địa phương để được bảo vệ và hỗ trợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.