“Chúng tôi ở đây vì các bạn. Các bạn hãy ở nhà vì chúng tôi”. Liên tiếp những ngày vừa qua, nhiều nhóm các bác sĩ, y tá trong bệnh viện ở Đức đã chụp ảnh cùng dòng biểu ngữ có nội dung như trên để kêu gọi người dân thực hiện cách biệt cộng đồng, hạn chế tiếp xúc, không ra khỏi nhà để giảm sự lây lan của dịch Covid-19.
Những tín hiệu lạc quan
Nước Đức, cũng như các quốc gia khác, đang cố gắng tìm ra những biện pháp ngăn chặn - phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 một cách hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, trang bị y tế, vị trí địa lý, bộ máy hành chính, tập tục văn hóa và ý thức của người dân.
Tính đến ngày 24.3 số người nhiễm Covid-19 ở Đức là 29.056 và 123 ca tử vong. Tuy nhiên, nếu thường xuyên theo dõi các đánh giá về dịch Covid-19 của các chuyên gia vi trùng học tại Đức, người ta sẽ không quá bất ngờ với số lượng người nhiễm Covid-19 tăng nhanh trong thời gian qua.
Khi Đức và châu Âu mới chỉ có một số ít ca nhiễm Covid-19, ngày 12.2, giáo sư Christian Drosten - chuyên gia hàng đầu về vi trùng học tại Đức (một trong những người đầu tiên giải mã virus SARS năm 2003 và vừa qua góp phần tạo ra bộ thử virus Corona chủng mới tại Đức) đã đưa ra nhận định, khó có thể ngăn chặn Covid-19 trở thành một đại dịch.
|
Ngày 18.3, giáo sư Lothar Wieler, Giám đốc Viện Robert Koch (Viện Nghiên cứu quốc gia về bệnh truyền nhiễm và dịch tễ tại Đức) cảnh báo trên truyền hình, nếu không giảm thiểu tiếp xúc cộng đồng kịp thời, có thể trong khoảng 2 - 3 tháng tới, nước Đức sẽ có khoảng 10 triệu người nhiễm Covid-19.
Một con số cảnh báo khốc liệt, một cách cụ thể, dường như để nhắc lại những dự báo trước đó của các nhà nghiên cứu, rằng có thể 70% dân số tại Đức sẽ bị nhiễm Covid-19 nếu đại dịch không được kiềm chế.
Song tin tức về dịch bệnh tại Đức cũng có những khả quan khi các nhà chuyên môn cho rằng, tại thời điểm hiện nay có thể có khoảng 80% các ca nhiễm Covid-19 sẽ qua khỏi không cần sự can thiệp nhiều của y tế, không để lại di chứng, có người bị nhẹ không biết bị nhiễm bệnh.
Tốc độ lây nhiễm Covid-19, theo số liệu của Viện Dịch tễ Đức, tính đến thời điểm này, đang có dấu hiệu chậm lại.
Có thể do ngay từ đầu đại dịch, Đức đã chú ý đến các bệnh nhân nhiễm Covid-19, thực hiện xét nghiệm quy mô lớn, cộng với hệ thống bảo hiểm y tế toàn diện - bình đẳng với mọi người dân, được trang bị khá đầy đủ máy móc, thiết bị y tế hiện đại… nên tỷ lệ tử vong vì nhiễm Covid-19 tại Đức ở mức thấp so với thế giới.
'Tình hình nghiêm trọng' nhưng phải bình tĩnh
“Tình hình là rất nghiêm trọng”, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nói trong bài phát biểu đặc biệt trên truyền hình ngày 18.3, kêu gọi toàn thể người dân Đức đoàn kết, cùng hành động góp phần ngăn chặn dịch bệnh, vượt qua thách thức mà nước Đức chưa bao giờ phải đối mặt kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai.
Bản thân bà Merkel ngày 22.3 cũng đã quyết định tự cách ly ở nhà sau khi gặp một bác sĩ có kết quả dương tính với virus SARS-Cov-2.
Trong những ngày tới, có thể toàn nước Đức sẽ phải đặt trong lệnh phong tỏa, như một vài tiểu bang đã công bố từ hôm 20.3, theo đó người dân không được rời khỏi nhà (ngoài trường hợp có lý do hợp lý), cơ bản trên nguyên tắc không tiếp xúc cộng đồng để kìm hãm sự lây lan của Covid-19.
Người dân Đức nói chung vẫn rất bình tĩnh, không hoảng loạn, tự giác thực hiện những khuyến cáo của chính phủ. Nhiều nơi đường sá vắng ngắt. Các trung tâm mua bán đóng cửa. Chỉ có các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và cây xăng hoạt động. Người dân giữ khoảng cách cần thiết để tránh lây lan, không tụ tập quá đông khi mua hàng.
Xuất hiện những nhóm tình nguyện của các bạn trẻ, sinh viên và học sinh, đi mua giúp thực phẩm thiết yếu cho những người già yếu không thể tới nơi đông người, phải sống cách ly tạm thời.
Nước Đức và châu Âu, cũng như nhiều nước trên thế giới đang đứng trước những thách thức to lớn phải vượt qua, nó đòi hỏi một bộ máy nhà nước có khả năng hoạt động nhanh nhạy, biết hành động vì an sinh xã hội, cũng như mọi người dân phải biết hành xử có trách nhiệm, thiện chí và bao dung.
Không chỉ là những thách thức, đại dịch Covid-19 còn chỉ ra rằng, đừng để quá muộn, đã đến lúc con người phải biết đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống lên hàng đầu. Mọi quốc gia trên thế giới phải biết đoàn kết, hướng tới hợp tác và phát triển.
Một chủng virus có thể phá hủy, làm đình trệ cả thế giới. Những tai họa từ thiên tai, dịch bệnh, từ việc biến đổi khí hậu vì thế không thể là việc của từng nước riêng lẻ.
Hành tinh sẽ xanh khi mỗi con người trên Trái đất biết trồng thêm một cây xanh.
Bình luận (0)