TP.HCM vươn tầm cao mới
Những ngày cuối năm 2022, khi người dân còn đang nôn nao trong không khí lễ hội ngập tràn khắp mọi nẻo đường thì lãnh đạo chính quyền TP.HCM vẫn đang tất bật với những buổi khởi công các công trình hạ tầng lớn trên địa bàn, từ hàng không tới đường bộ... Điểm chung thì đây đều là các công trình có tính chất tháo nút thắt, sức lan tỏa mạnh và tác động lớn đến nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác.
Phối cảnh nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất |
ACV |
Đầu tiên là Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khởi công đúng ngày lễ Giáng sinh (24.12), có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chỉ đạo giải quyết các vướng mắc rất cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh các công việc phải theo tinh thần “làm ngày làm đêm”, quyết không chậm trễ, bởi đây là công trình đặc biệt quan trọng, “giải cứu” cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trong bối cảnh sân bay nhộn nhịp nhất nước đang quá tải trầm trọng, để lại ấn tượng xấu trong lòng du khách cũng như người dân.
Cùng ngày, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (TCIP) tổ chức lễ khởi công dự án đường nối Trần Quốc Hoàn đến Cộng Hòa (Q.Tân Bình). Dự án đã được HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2016, ngoài mục tiêu kết nối trực tiếp với nhà ga T3, còn tạo ra một tuyến đường mới song hành và giảm tải cho các tuyến đường Cộng Hòa, Trường Chinh hiện hữu, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông và kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đặc biệt là sau khi Nhà ga T3 với công suất 20 triệu hành khách/năm được đưa vào hoạt động cuối năm 2024.
Khởi công nhà ga T3 cùng dự án trọng điểm 'cứu' sân bay Tân Sơn Nhất |
Khởi công theo đúng lời hứa với người dân
Các dự án vừa khởi công đều là những dự án trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của ngành giao thông, đô thị nói riêng cũng như kinh tế, xã hội TP.HCM nói chung. Vì thế, dù muôn vàn khó khăn nhưng các đơn vị vẫn quyết tâm hoàn thành nhanh chóng mọi thủ tục, TP sát sao chỉ đạo, với mục tiêu duy nhất là khởi công dự án vào cuối năm, theo đúng “lời hứa” với người dân TP hồi đầu năm.
Ông Lương Minh Phúc (Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM)
Ba ngày sau đó, TCIP tiếp tục khởi công xây dựng, mở rộng QL50 trên địa bàn H.Bình Chánh. Đây là dự án hết sức quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ tạo thành một trục nối kết cửa ngõ thành phố với Long An và các tỉnh miền Tây, với mặt cắt ngang 6 làn xe, đảm bảo an toàn, thông thoáng cho các phương tiện. Bên cạnh đó, từ QL50 sẽ kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành và tuyến Vành đai 3 TP.HCM trong tương lai. Như vậy, từ cửa ngõ phía nam TP, người dân còn có thể qua QL50 đi về sân bay quốc tế Long Thành (Đồng Nai), về các tỉnh miền Đông và miền Tây trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cũng trong nhóm dự án trọng điểm mà người dân TP đã mòn mỏi chờ đợi, sáng 28.12, những chiếc xe cẩu trên công trường nút giao An Phú (TP.Thủ Đức) chính thức nổ máy. Suốt nhiều năm qua, khu vực này được đánh giá là nút thắt lớn nhất khiến tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Không chỉ có nút giao, đây là khu vực có rất nhiều loại hình giao thông kết nối như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chuẩn bị mở rộng lên 8 làn xe; trong tương lai có đường sắt cao tốc TP.HCM - Nha Trang, đường sắt nhẹ từ TP.HCM đi Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến metro số 2 từ Bến Thành qua Thủ Thiêm...
Với quy mô như vậy, việc khởi công nút giao An Phú có ý nghĩa khởi động đầu mối giao thông lớn của TP.HCM cũng như toàn khu vực. Vì thế, hình ảnh lãnh đạo TP bấm nút khởi công nút giao An Phú đã cháy lên kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng kiến trúc mới ở phía đông TP.HCM khi phương án thiết kế có tháp biểu tượng với ý tưởng xuyên suốt là “TP.HCM trẻ năng động vươn lên tầm cao mới”.
Phối cảnh nút giao An Phú (TP.Thủ Đức, TP.HCM) |
TCIP |
Siêu dự án động lực Vùng Thủ đô
Nếu TP.HCM “tống cựu nghinh tân” bằng một loạt dự án trọng điểm thì ở đầu phía Bắc của đất nước, người dân thủ đô vẫn đang chờ đợi vào siêu dự án Vành đai 4.
Tháng 6.2022, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô Hà Nội. Ý tưởng xây dựng “siêu dự án” Vành đai 4 đã được đề ra từ cách đây hơn 10 năm, và được khởi động mạnh mẽ trở lại trong năm 2022 sau khi được Quốc hội thông qua. Ngay sau đó, ngày 30.9.2022, 3 địa phương có dự án chạy qua là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã ký cam kết tiến độ và ký giao ước thi đua trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho Vành đai 4 - Vùng thủ đô.
Dự án Vành đai 4 không chỉ giải tỏa ùn tắc giao thông riêng cho khu vực Hà Nội, mà còn tạo động lực kết nối liên vùng của Vùng Thủ đô |
Ngọc Thắng |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, giải phóng mặt bằng, tái định cư là điểm mấu chốt với dự án có khối lượng lớn và nhiều đặc thù như Vành đai 4. Để giải quyết nút thắt mặt bằng, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch phối hợp của 3 địa phương để triển khai, đồng thời mỗi địa phương đã ban hành kế hoạch riêng của mình để triển khai thực hiện.
Ba địa phương đã thống nhất xác định phấn đấu bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp trước ngày 30.6.2023 để phục vụ khởi công dự án và cơ bản bàn giao diện tích còn lại trước ngày 31.12.2023.
Theo đó, tổng diện tích đất cần thu hồi để triển khai dự án là 1.341 ha, trong đó Hà Nội cần thu hồi khoảng 741 ha tại địa bàn 6 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Hà Đông, Thường Tín); Bắc Ninh cần thu hồi khoảng 326 ha tại địa bàn của 4 huyện, thành phố (Thuận Thành, Quế Võ, TP.Bắc Ninh, Gia Bình); Hưng Yên cần thu hồi khoảng 274 ha tại địa bàn của 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu; Yên Mỹ, Văn Lâm).
Khởi công dự án mở rộng QL50 |
H.Mai |
Thành ủy Hà Nội lần đầu tiên ban hành chỉ thị riêng về công tác giải phóng mặt bằng của dự án Vành đai 4 để gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền của tất cả các quận, huyện nơi dự án đi qua.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã ký ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng thủ đô, với kế hoạch cụ thể tới tháng 6.2023 bàn giao tối thiểu 70% mặt bằng, tháng 12.2023 bàn giao toàn bộ mặt bằng; hoàn thành các thủ tục khởi công công trình trong tháng 6.2023. Trong quá trình triển khai thi công, tập trung chỉ đạo, đôn đốc nhà thầu, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công và phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công, bảo đảm cơ bản hoàn thành dự án trong tháng 12.2026 và đưa vào sử dụng năm 2027.
Báo cáo UBND TP, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội cho biết, tính đến cuối tháng 12.2022, dự án đã hoàn thành công tác phê duyệt chỉ giới đường đỏ toàn bộ 58,2/58,2 km (đoạn qua TP.Hà Nội); đã phê duyệt điều chỉnh xong chỉ giới đường đỏ đoạn qua đê Song Phương theo ý kiến của Bộ NN-PTNT và hoàn thành công tác xác nhận chỉ giới được duyệt và điều chỉnh để tổ chức cắm mốc theo chỉ giới được duyệt.
Phối cảnh nút giao liên thông giữa Vành đai 4 và các trục đường hướng tâm |
Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội. |
Giải tỏa ùn tắc, động lực kinh tế vùng
Theo đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, dự án Vành đai 4 không chỉ có ý nghĩa với các địa phương nơi tuyến đường này đi qua, mà tạo ra kết nối vùng, thúc đẩy liên kết vùng với các tuyến cao tốc, giao thông kết nối khác. Việc đột phá bằng dự án Vành đai 4 không chỉ có ý nghĩa giải tỏa ùn tắc giao thông riêng cho khu vực Hà Nội, giảm tải cho áp lực của Vành đai 3 hiện nay, mà quan trọng hơn tạo động lực kết nối liên vùng của Vùng Thủ đô, nối Hà Nội với các địa phương vệ tinh đồng bằng sông Hồng là Hưng Yên, Bắc Ninh. Vành đai 4 có tác dụng tách vành đai liên tỉnh ra khỏi khu vực đô thị, không chỉ giảm áp lực giao thông hướng tâm hiện nay của Hà Nội, mà toàn bộ các chuyến đi trung chuyển, quá cảnh từ các tỉnh lân cận sẽ qua Vành đai 4 để kết nối với 6 cao tốc, 8 tuyến quốc lộ và các trục chính của Vùng Thủ đô.
“Siêu dự án” Vành đai 4
Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 Vùng thủ đô được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56 ngày 16.6.2022, với chiều dài 112,8 km. Dự án đi qua địa bàn 3 tỉnh, TP là Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó, chiều dài của dự án tại Hà Nội là 58,2 km, Hưng Yên 19,3 km; Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối dài 9,7 km. Điểm đầu tại H.Sóc Sơn (Hà Nội) gần sân bay Nội Bài và cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối nằm trên địa bàn H.Quế Võ (Bắc Ninh), gần cao tốc Hà Nội - Hạ Long.
Vành đai 4 được xem là “siêu dự án” với tổng mức đầu tư 85.813 tỉ đồng, chia thành 7 dự án thành phần gồm 3 dự án giải phóng mặt bằng, 3 dự án xây đường song hành và một dự án đầu tư xây dựng cầu cạn cao tốc theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự án chính thức được khởi động từ năm 2022 với quyết tâm chính trị cao nhất từ lãnh đạo các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Mục tiêu khởi công dự án vào tháng 6.2023, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cho rằng không chỉ VN mà với tất cả các nước, hạ tầng điện và giao thông luôn phải đi trước một bước. Vì thế, việc mở rộng xây dựng dự án Vành đai 4 Hà Nội và Vành đai 3 TP.HCM có ý nghĩa rất quan trọng. Với dự án Vành đai 4, diện phủ rất rộng, ngoài Hà Nội còn nối thông với Bắc Ninh, Hưng Yên, giao thông sẽ thông suốt, vận chuyển hàng hoá rẻ hơn, nhanh hơn, người sản xuất, buôn bán có lợi hơn. Bên cạnh đó là tác động tích cực tới an ninh quốc phòng, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, du lịch, văn hóa, dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đặc biệt, với thị trường bất động sản, Vành đai 4 sẽ gia tăng giá trị đất cho các khu vực dọc xung quanh tuyến đường, bổ sung thêm hàng nghìn hecta đất để phát triển các khu công nghiệp, bất động sản nhà ở. Với việc kết nối liên thông Vùng Thủ đô sẽ gia tăng tầm nhìn phát triển về tương lai cho các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, nhà máy, công xưởng sẽ được đầu tư và phát triển nhanh hơn nữa.
Xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng cửa ngõ miền Trung
Khu vực dự kiến phát triển cảng biển Liên Chiểu (Đà Nẵng) |
Huy Đạt |
Giữa tháng 12, Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên TP.Đà Nẵng khởi công Cảng Liên Chiểu. Cảng Liên Chiểu nằm ở điểm cuối hành lang kinh tế Đông - Tây, sở hữu đầy đủ các tuyến quốc lộ, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển kết nối Tây Nguyên và duyên hải miền Trung về cảng. Đặc biệt sau khi cải tạo ga Kim Liên thành ga hàng hóa sau cảng, kết nối với tuyến đường sắt Bắc - Nam, cảng Liên Chiểu sẽ thành cảng cửa ngõ miền Trung tích hợp được tất cả các phương thức vận tải. Cảng biển Đà Nẵng còn có lợi thế là cảng biển duy nhất miền Trung thiết lập 30 chuyến tàu container cập cảng/tuần. Đây là tiền đề quan trọng thu hút các hãng tàu thiết lập tuyến biển xa đi châu Âu, Bắc Mỹ, châu Phi khi các bến Liên Chiểu được đưa vào khai thác.
Ông Lê Thành Hưng (Giám đốc Ban quản lý các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên)
Nguyễn Tú
Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, do tầm quan trọng mang ý nghĩa chiến lược của dự án, nên việc đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng của dự án phải đặc biệt chú trọng hơn nữa. “Làm đường giao thông không phải như làm bát sứ Hải Dương, bát sứ méo còn sửa được, con đường dài cả 100 km thì không sửa được, phải giám sát ngay từ đầu, giám sát từng mét đường. Thực tế đã có nhiều con đường cao tốc vừa được xây dựng đã xuống cấp như Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho thấy yếu tố quản lý trong xây dựng đường bộ của ta còn thiếu hiệu quả. Với những dự án có tầm quan trọng như Vành đai 4, việc quản lý giám sát để đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng dự án càng phải thực hiện sát sao hơn”, ông Phú nhìn nhận.
Tương tự theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM, trong năm 2023, người dân TP.HCM sẽ chứng kiến một loạt dự án được triển khai như Vành đai 3 TP.HCM khởi công vào 30.6.2023; trình chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4, khép kín Vành đai 2 và thông qua chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài cũng như phối hợp với Bình Dương để chuẩn bị triển khai cao tốc TP.HCM - Chơn Thành. Song song đó, hoàn thành dự án cầu Long Kiểng, cầu Vàm Sát 2 ở Cần Giờ vào cuối 2023 như lời hứa với người dân TP. Bên cạnh đó, tiếp nhận khoảng 15 mặt bằng từ những dự án đã chờ đợi từ rất lâu trong thời gian qua như cầu Tăng Long, cầu Nam Lý, cầu Ông Bồn, cầu Phước Long và sẽ hoàn thành cầu Vàm Sát 2 ở Cần Giờ.
“2023 là năm rất đặc biệt, khởi đầu hành trình 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông của TP.HCM cũng như các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là năm chúng ta bắt đầu triển khai những dự án lớn mang tính liên vùng, nối kết... cũng như các dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, khu vực Cảng Cát Lái, chắc chắn sẽ tạo động lực lớn phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng”, ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.
Bình luận (0)