Theo ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TP.HCM, ở Việt Nam, các công ty Fintech (công nghệ kết hợp tài chính) chủ yếu chỉ tập trung ở ba dịch vụ là thanh toán, cho vay ngang hàng và huy động vốn cộng đồng. Riêng các lĩnh vực cụ thể khác như dịch vụ quản lý tài sản, quản lý thanh khoản, quản lý đầu tư, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính tự động vẫn đang trong quá trình sơ khai. Điều này cho thấy hệ sinh thái số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng ở Việt Nam mặc dù phát triển nở rộ gần đây nhưng vẫn đang còn nhiều hạn chế và gặp không ít các khó khăn, trở ngại.
Có đến 70% công ty Fintech ở Việt Nam là các công ty khởi nghiệp có vốn đầu tư đến từ các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Úc, Anh, Đan Mạch, Pháp và các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Singapore, Malaysia... Điều này cho thấy xu hướng các công ty Fintech đã và đang thâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống hằng ngày tại Việt Nam.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), cũng nhận định Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho Fintech do 65% dân số là dưới 35 tuổi nên tiếp nhận cái mới rất nhanh, nhất là sử dụng phương tiện công nghệ mới. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân dùng mạng xã hội như Facebook, YouTube khá lớn và sẵn sàng chi ra khoảng trên 161 triệu USD/năm để sử dụng các ứng dụng trên thiết bị di động. Hiện có hơn 150 công ty Fintech hoạt động, trong đó gồm 31 đơn vị về thanh toán và hơn 40 công ty cho vay ngang hàng...
Doanh thu của lĩnh vực Fintech tại Việt Nam được dự báo đạt khoảng 9 tỉ USD vào năm 2020 khi nhiều sản phẩm đang gia tăng mạnh. Ví dụ tốc độ thanh toán qua di động quý 1/2019 tăng 98% với quý 1/2018, số món thanh toán qua internet quý 1/2019 tăng 66% và số món thanh toán qua ví điện tử tăng khoảng 56% so với quý 1/2018.
Hiện nay, đề án về Fintech đã được Ngân hàng Nhà nước trình lên Chính phủ. và theo ông Phạm Xuân Hòe, mong muốn Chính phủ sớm phê duyệt đề án chi tiết này. “Việt Nam đang tiếp cận chậm về lĩnh vực này so với thực tế phát triển cũng như so với nhiều nước. Quan trọng nhất là cần thay đổi tư duy tiếp cận của những cơ quan làm chính sách. Nếu cứ tiếp tục theo tư duy cũ là cái này chưa có căn cứ pháp lý, cái kia chưa có quy định… thì vẫn theo cơ chế xin - cho. Hành lang pháp lý phải xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp, phải biết doanh nghiệp mong muốn gì. Với mục tiêu hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng nhưng không phải vậy mà cản trở Fintech phát triển”, ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh.
Theo số liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Statista, trên thế giới hiện có khoảng 9.300 công ty Fintech đang cạnh tranh với các ngân hàng trong mọi lĩnh vực từ thanh toán, huy động vốn, cho vay, kinh doanh ngoại hối và cả tư vấn đầu tư. Tại châu Âu, khoảng 30% doanh thu mới được tạo ra trong ngành ngân hàng đang chảy vào túi các công ty Fintech...
|
Bình luận (0)