Gần nửa triệu hộ ở TP.HCM chưa có nhà ở

Mai Phương
Mai Phương
18/09/2019 06:39 GMT+7

Đó là thông tin tại hội thảo quốc tế “Giải pháp phát triển nhà ở đáp ứng gia tăng dân số 1 triệu người sau mỗi 5 năm ở TP.HCM giai đoạn 2021 - 2035” do UBND TP.HCM tổ chức hôm qua (17.9).

Vẫn còn nhiều người dân không có khả năng sở hữu nhà

Ông NOH Tae Keuk, Quản lý cấp cao Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc, gợi ý TP.HCM có thể tập trung vào các yếu tố khi xây dựng chương trình về nhà ở như cung cấp trong ngắn hạn, số lượng lớn, đối tượng chính của nhà ở đó, giảm thiểu ngân sách và cuối cùng là địa điểm? Việc hỗ trợ chính sách cực kỳ quan trọng và thiết yếu để giúp cho chính sách thành hiện thực. Đồng thời cần có chuẩn về xây dựng để đảm bảo chất lượng nhà ở dù là nhà cho người nghèo...
Content
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, tính đến tháng 6.2019, TP có hơn 1,88 triệu căn nhà với tổng diện tích sàn là 182,16 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,91 m2/người. Dự kiến đến cuối năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người của TP đạt mức 20,30 m2/người. Cùng với đó, tốc độ gia tăng dân số nhanh, bình quân mỗi năm TP gia tăng khoảng 200.000 người, trung bình 5 năm tăng 1 triệu người.
Đây là những áp lực lớn cho việc quản lý đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Mặc dù kết quả phát triển nhà ở của TP.HCM trong hơn 15 năm qua đã đạt được các chỉ tiêu đề ra, nhưng vẫn còn nhiều người dân, phần lớn là người nhập cư, không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí thuê với mức giá phù hợp cũng là điều hết sức khó khăn.
Cụ thể hơn, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết hiện TP có khoảng 476.000 hộ chưa có nhà ở hoặc đang sống chung với cha mẹ, người thân, chiếm gần 1/4 tổng số hộ gia đình của TP. Trong đó, có khoảng 20.000 hộ gia đình cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; 300.000 hộ có nhu cầu thuê nhà ở xã hội; 143.000 hộ có nhu cầu mua nhà ở xã hội; khoảng 21.000 hộ sống trên và ven kênh rạch, khoảng 35.000 hộ đang sống trong các chung cư cũ cần được cải tạo, chỉnh trang hoặc di dời tái định cư... Theo ước tính, người có thu nhập thấp đô thị chiếm khoảng 50% dân số, bao gồm cán bộ, công chức, công nhân lao động và người nhập cư. Hầu hết đối tượng này đều có nhu cầu nhà ở thương mại vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhà cho thuê giá rẻ, nhất là loại căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, giá bán khoảng trên dưới 1 tỉ đồng/căn và được trả góp tối thiểu 15 năm. Điều đó cho thấy, nhu cầu nhà ở thương mại, nhà ở vừa túi tiền là rất lớn. Vì vậy, bên cạnh phát triển các mô hình nhà ở trong khu đô thị vệ tinh, các dự án khu dân cư quy mô lớn, TP cần triển khai các khu nhà ở quy mô vừa và nhỏ, nhà ở xã hội hay khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở...

Xây nhà phải tính đến tạo việc làm

Nhiều giải pháp để cung cấp nhà ở cho người thu nhập thấp tại nhiều nơi trên thế giới như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia... được các chuyên gia đưa ra như một kinh nghiệm để TP.HCM tham khảo. Theo Giáo sư Yap Kioe Sheng, Viện Công nghệ châu Á, giá rẻ không phải là điều quan trọng nhất khi làm nhà ở cho người thu nhập thấp. Quan trọng nhất khi xây dựng nhà phải tính đến tạo việc làm, thu nhập cho họ. Đơn cử Thái Lan, từ những năm 1980, Chính phủ đã xây dựng hàng ngàn ngôi nhà cho người thu nhập thấp và trợ giá với mức thuê nhà chỉ còn 10 - 15 USD/tháng (khoảng 230.000 - 350.000 đồng/tháng) để tái định cư cho những người sống tại các khu ổ chuột. Nhưng sau khoảng 10 năm, 50% căn hộ này đã được chuyển giao cho người có thu nhập trung bình. Điều này cho thấy trợ giá của Chính phủ đã chuyển cho đối tượng khác chứ không phải người thu nhập thấp. Vì vậy, việc tạo nhà cho người thu nhập thấp phải tính đến tình trạng thực sự của họ, thu nhập họ biến động ra sao, nhu cầu và sự phụ thuộc của họ như thế nào. Nếu không giải quyết được việc làm đi kèm với nhà ở thì chính sách phát triển nhà ở cho người nghèo sẽ không đạt được. “Tính hữu dụng của nhà ở để tạo thu nhập rất quan trọng với các hộ gia đình. Cần có những loại nhà ở đa dạng ở nhiều địa điểm để phù hợp với nhiều người khác nhau”, Giáo sư Yap Kioe Sheng nhấn mạnh.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH thương mại xây dựng Lê Thành, cho biết từ trước đến nay, công ty đã bàn giao 3.500 căn hộ và sẽ bàn giao 800 căn vào cuối năm nay. Công ty này áp dụng hình thức cho thuê dài hạn đến 49 năm bởi theo tính toán, vẫn còn rất nhiều người không có khả năng mua được một căn hộ với giá chỉ 500 triệu đồng. Vì vậy, Lê Thành lựa chọn phát triển dự án ở vùng ven TP với diện tích nhỏ khoảng 40 - 45 m2, khách hàng có thể thanh toán trước 150 triệu đồng và số còn lại trả dần khoảng 6 triệu đồng/tháng. Sau khoảng 10 năm, nhiều người đã khá hơn và chuyển nhượng sang cho người khác để mua nhà rộng hơn, cao cấp hơn...
Phát biểu kết luận, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh qua hội thảo, lãnh đạo TP có tầm nhìn mới với yêu cầu cao hơn về định hướng phát triển nhà ở. Đó là phải gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị, phát triển kinh tế xã hội. “Vai trò của nhà nước chỉ mang tính định hướng là quy hoạch, hỗ trợ cho doanh nghiệp về các thủ tục hành chính. Đáng lẽ nhà ở xã hội phải có chính sách nhanh gọn, chi phí thấp nhưng hiện nay các thủ tục vẫn giống nhà ở thương mại nên rất lâu, chậm chạp. TP sẽ nghiên cứu để có chính sách riêng. Hội thảo chỉ ra được tầm quan trọng của việc xây dựng nhà ở xã hội trong khi tỷ trọng này ở TP vẫn quá thấp vì các doanh nghiệp chỉ đầu tư nhà ở thương mại. Nhưng đối tượng người thu nhập thấp là số đông trong xã hội và cả nhà nước lẫn doanh nghiệp đều nên quan tâm”, ông Võ Văn Hoan nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.