Gia đình bác Nam ở gần nhà tôi có đủ 3 thế hệ sống chung, gồm có ông bà Nam, cô gái đầu Hạnh và chàng rể Hải đều công tác ở ngành kinh tế cùng kỹ sư Hoàng (em trai Hạnh) ở nước ngoài, 2 cháu ngoại. 3 người con có “tiềm lực” nhất nhà và cũng là những người dùng điện thoại thông minh đầu tiên, sau đó một thời gian mới đến lượt ông bà Nam.
Do phải thường xuyên liên hệ bên ngoài nên các con sử dụng điện thoại nhiều. Thế nhưng, cũng có lúc 3 người con tự ngẫm: có vẻ như còn mất nhiều thời gian cho người bên ngoài gia đình. Thế là cách đây 2 năm, các con hình thành nhóm chat lấy tên là “Nhà mình” để hướng về nhau mọi lúc. Một năm sau, khi thấy ông bà Nam bắt đầu quen việc sử dụng, “Nhà mình” mời thêm ông bà vào nhóm để đủ 5 người đã trưởng thành.
Ông Nam nhận xét: “Thật ra, chúng tôi vẫn tôn trọng và duy trì những hoạt động nối kết trực tiếp trong gia đình. Tuy nhiên, với cuộc sống mới, không nên nặng nề buộc các con của mình phải từ bỏ những công việc bên ngoài mà giới trẻ ưa thích. Do vậy, giải pháp “Nhà mình” đã kịp thời bổ sung, việc nối kết trong gia đình rất ít khi bị đứt đoạn, lại tiện lợi vô cùng đối với những gia đình có người thân sinh sống xa nhau”.
Bà Nam thì cụ thể hơn: “Hồi cả nhà Hạnh đi du lịch Hàn Quốc, khởi hành từ Tân Sơn Nhất lúc gần 12 giờ đêm làm tôi cũng trông ngóng, thấp thỏm và chập chờn suốt đêm. Vậy mà chỉ hơn 4 giờ sáng hôm sau, trên “Nhà mình” đã hiện lên dòng chữ: Chúng con đã đến Incheon. Ít tốn kém, lại rất nhanh chóng nên tạo được sự yên tâm cho cả nhà!”.
Có hôm, cháu bé nhất bị sốt nên mẹ cháu phải cho đi bệnh viện gấp vì đang có dịch sốt xuất huyết. Vậy mà chỉ vài phút sau đã có tin “thả” lên nhóm chat Cháu sốt siêu vi thôi ạ, làm cả nhà thở phào. Riêng cậu Hoàng ở tận trời Âu cũng nhanh chóng bắt được tin. Dường như cả nhà vẫn quây quần xung quanh, dù thực sự không có mặt đầy đủ bên cạnh cháu.
Không chỉ chia sẻ thông tin, “Nhà mình” còn là nơi chia sẻ hình ảnh sinh hoạt trong nhà, phổ biến phim mới và sách hay, hoặc cả những mẩu chuyện rời có ý nghĩa trên báo… để mỗi người ngẫm nghĩ và tự điều chỉnh.
Đặc biệt, “Nhà mình” còn là nơi chứa những suy nghĩ chưa đồng tình hay gửi gắm tâm tư của từng người. Thay vì đối thoại trực tiếp, mỗi người vẫn có nơi để đọc, lắng nghe ý kiến của những người thân và đi đến đồng tình một giải pháp tốt nhất.
Công nghệ phát triển có thể gây ra một số ảnh hưởng không tốt khi những thành viên trong gia đình cứ hoạt động riêng lẻ, xa rời nhau nhưng nếu biết tận dụng ưu thế thì chính công nghệ sẽ gắn kết mọi thành viên trong gia đình thêm yêu thương để hướng đến cuộc sống tốt hơn cho mỗi người.
Bình luận (0)