Giải bài toán kinh tế thể thao tại Việt Nam

26/11/2022 15:30 GMT+7

Ngày 26.11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quốc tế về chuyên nghiệp hóa kinh doanh và tiếp thị thể thao do Tổng cục TDTT và Công ty WLS phối hợp tổ chức.

Hội thảo có 4 phiên thảo luận chính gồm: Ngoại giao thể thao, kinh tế thể thao, thể thao 360 và bóng đá - môn thể thao vua tại Việt Nam. Hội thảo quy tụ những chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam và quốc tế trong lĩnh vực quản trị thể thao, kinh doanh và tiếp thị thể thao, đại diện các công ty thể thao trị giá hàng tỉ USD, các nhà ngoại giao, các nhà quản lý cấp cao trong lĩnh vực thể thao...

Bóng đá là môn có lợi thế để kích thích kinh tế thể thao phát triển tại Việt Nam

MINH TÚ

Hội thảo lần đầu tiên mở ra cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực bản quyền, xúc tiến, tiếp thị và tổ chức thể thao cùng ngồi lại thảo luận về những hướng đi mới, cơ hội mới, hứa hẹn mang lại giá trị thực tiễn trong nhiều khía cạnh trên hành trình phát triển thể thao đỉnh cao Việt Nam.

Ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT nhấn mạnh: “Hoạt động thể dục thể thao (TDTT) không đơn thuần đem lại sức khỏe cho người tham gia tập luyện và mang lại những ý nghĩa xã hội khác mà còn tạo ra các giá trị kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng GDP. Hiện nay, TDTT ở nhiều quốc gia trên thế giới là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất, được ví như ngành công nghiệp thể thao".

Ông Đặng Hà Việt - Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT

VĂN DUY

Các diễn giả tại hội thảo cũng chung nhận định, kinh tế thể thao chính là các hoạt động sản xuất, kinh doanh trang, thiết bị, hàng hóa, dịch vụ thể thao, đóng góp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, đem lại nguồn thu và làm tăng quy mô nền kinh tế, tạo ra việc làm, thu nhập cho xã hội, tăng năng suất lao động xã hội, đồng thời tạo ra các giá trị xã hội tích cực. Các loại hình kinh tế gắn với thể thao cũng khá đa dạng, từ sản xuất, cung ứng hàng hoá, sản phẩm, thiết bị, trang phục thể thao đến các loại hình dịch vụ, tổ chức sự kiện thể thao; tài trợ, quảng cáo; khai thác bản quyền truyền hình; truyền thông thể thao; đào tạo, chuyển nhượng VĐV; xổ số thể thao, đặt cược thể thao; thể thao điện tử...

Các diễn giả Việt Nam và quốc tế tại hội thảo

VĂN DUY

Hội nhập quốc tế về TDTT ngày càng phát triển, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình, chuyển đổi từ cơ chế bao cấp, 100% vốn ngân sách sang cơ chế xã hội hóa; các hoạt động kinh tế thể thao bắt đầu hình thành dưới dạng sơ khai. Với sự phát triển bùng nổ về truyền thông, công nghệ thông tin và tăng trưởng kinh tế ở nước ta, các loại hình kinh tế thể thao có điều kiện gia tăng mạnh mẽ. Song, thị trường kinh tế thể thao ở nước ta còn chưa tương xứng với tiềm năng, cần tiếp tục có sự quan tâm đầu tư, tạo dựng để thực sự trở thành một bộ phận trong nền kinh tế đất nước.

Chủ đề của diễn đàn thể thao Việt Nam năm 2022 là Chuyên nghiệp hóa trong kinh doanh và tiếp thị thể thao. Đây là dịp để những nhà quản lý thể thao, nhà kinh doanh thể thao cùng giải bài toán kinh tế thể thao, tận dụng mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp thể thao, góp phần làm hưng thịnh quốc gia, mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội, quảng bá văn hoá và du lịch, thúc đẩy sự hợp tác, hiểu biết trong cộng đồng.

Theo ông Đặng Hà Việt, Tổng cục TDTT thông qua sự kiện này, hy vọng các nhà quản lý, các tổ chức, cá nhân cùng chia sẻ, tìm hiểu những kinh nghiệm trong kinh doanh và tiếp thị thể thao đỉnh cao thế giới, giới kinh doanh thể thao Việt Nam được xây dựng mạng lưới mối quan hệ với những đối tác quốc tế đáng tin cậy, để tự tin bước vào sân chơi kinh doanh thể thao quy mô toàn cầu, giúp cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của những sự kiện thể thao quốc tế quy mô lớn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.