Sớm nhận thức được tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với doanh thu của tác phẩm, các nhà làm phim Hollywood đã làm đủ cách để lấy lòng công chúng đại lục song những chiêu bài này dường như chẳng còn đủ sức níu chân người xem. Sự bùng nổ mạnh mẽ của phim nội địa cùng tư duy làm phim không còn mới mẻ, đột phá của Mỹ trở thành nguyên nhân chính khiến công chúng nước này không còn mặn mà với các bom tấn đến từ nền điện ảnh lớn nhất thế giới.
Hollywood không còn xưng bá tại Trung Quốc
Theo SCMP hôm 17.6, Fast & Furious 9 vừa bỏ túi 1,2 tỉ nhân dân tệ (tương đương 187 triệu USD) tại thị trường Trung Quốc. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nền công nghiệp điện ảnh Hollywood vốn đang kiệt quệ vì Covid-19. Thế nhưng, con số có vẻ đáng tự hào này lại kém xa doanh thu của các phần phim trước đó. Tại Trung Quốc, hai phần 7 và 8 của thương hiệu hành động đình đám từ Mỹ lần lượt kiếm được 2,4 tỉ nhân dân tệ (2015) và 2,7 tỉ nhân dân tệ (2017). Những con số này cho thấy loạt phim Fast & Furious đang mất dần sức hút với khán giả đại lục.
|
Tuy nhiên, đây không phải là câu chuyện của mỗi Fast & Furious mà còn là tín hiệu đáng buồn cho các siêu phẩm Hollywood tại thị trường lớn như Trung Quốc. Theo số liệu từ Cục Điện ảnh Trung Quốc, phòng vé nước này đạt doanh thu 20,4 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020. Trong đó, phim nội địa chiếm tới 84% doanh thu. Đáng nói, cả 10 tác phẩm ăn khách nhất phòng vé đất nước tỉ dân trong năm qua đều là tác phẩm trong nước.
Thực tế này khác xa giai đoạn 2011, 2012, khi mà có tới 6, 7 phim Hollywood góp mặt trong danh sách ăn khách kể trên. Siêu phẩm Hollywood cuối cùng có doanh thu cao nhất năm tại Trung Quốc là Transformers: Age of Extinction phát hành hồi 2014. Phần thứ 4 của thương hiệu Transformers thu về 1,9 tỉ nhân dân tệ tại phòng vé xứ Trung, chiếm tới một phần ba doanh thu toàn cầu của tác phẩm. Những tháng ngày mà phim Hollywood bỏ xa điện ảnh Trung Quốc và bành trướng phòng vé nước này dường như chỉ còn là dĩ vãng…
|
Quay ngược về năm 1994, chính phủ Trung Quốc cho phép nhập khẩu 10 phim nước nước ngoài/năm từ đó mở ra thời kỳ hoàng kim của phim Hollywood tại đại lục. The Fugitive với sự tham gia của Harrison Ford là tác phẩm Hollywood đầu tiên đổ bộ rạp chiếu nước này. Dù chỉ chiếu 7 ngày tại một số thành phố lớn, tác phẩm vẫn dễ dàng cán mốc 25 triệu nhân dân tệ, trở thành phim ăn khách nhất tại Trung Quốc năm đó. Năm 1995, True Lies có Arnold Schwarzenegger đóng chính được công chiếu khắp Trung Quốc, thu về mức kỷ lục 102 triệu nhân dân tệ, ngay cả khi không được quảng bá rầm rộ. Thời đó, chủ nghĩa anh hùng cá nhân, những cảnh gợi cảm hay những pha hành động đẫm máu được miêu tả trong hai siêu phẩm này khác xa với những bộ phim trong nước, vốn được ra mắt với mục đích giáo dục nhiều hơn là giải trí.
|
Năm 1998, bộ phim kinh điển Titanic gây sốt phòng vé xứ Trung và thu về 350 triệu nhân dân tệ, con số khổng lồ đến không tưởng so với nhiều tác phẩm cùng thời. 2001, khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, hạn ngạch nhập khẩu phim ở nước ngoài đã tăng từ 10 lên 20 phim và các bom tấn Hollywood gần như bành trướng màn ảnh rộng nước này. Năm 2010, Avatar thu về 1,35 tỉ nhân dân tệ, trở thành bộ phim đầu tiên cán mốc hơn một tỷ nhân dân tệ. Các siêu phẩm thuộc thương hiệu Harry Potter hay James Bonds cũng từng thống trị phòng vé đất nước tỉ dân trong hơn một thập niên.
Sự bùng nổ của phim nội địa
|
SCMP cho rằng phim Hollywood ngày càng bị khán giả đại lục “thất sủng” do ngành công nghiệp điện ảnh trong nước đang trỗi dậy mạnh mẽ trong những năm gần đây. Chiến lang 2 từng khuynh đảo màn ảnh rộng năm 2017 với doanh thu 5,68 tỉ nhân dân tệ. Năm 2019, bom tấn khoa học viễn tưởng Lưu lạc địa cầu làm mưa làm gió ngoài rạp với 4,4 tỉ nhân dân tệ. Không lâu sau, Na Tra: Ma đồng giáng thế thành hiện tượng phòng vé xứ Trung với 4,65 tỉ nhân dân tệ.
Khoảng cách giữa doanh thu phòng vé của phim nội địa với phim Hollywood ngày một lớn. Năm 2015, Fast & Furious 7 thu về 2,4 tỉ nhân dân tệ, bằng với doanh thu của Truy Lùng quái yêu, bộ phim nội địa có doanh thu cao nhất năm tại Trung Quốc. Đến năm 2021, phim nội địa ăn khách nhất năm là Xin chào, Lý Hoán Anh thu về tới 3,8 tỉ nhân dân tệ, gấp hơn 3 lần so với số tiền mà Fast & Furious 9 kiếm được tại thị trường béo bở này.
|
Tại Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải, Lý Tuấn - đạo diễn bộ phim Hunt Down (2019), chia sẻ với SCMP rằng khán giả Trung Quốc đang cảm thấy nhàm chán với các thương hiệu điện ảnh Hollywood khi ra mắt hết phần này đến phần khác. “Công chúng ngán ngẩm khi Fast & Furious đã làm tới phần thứ 9. Thời điểm loạt phim này ra mắt lần đầu vào năm 2001, khán giả trầm trồ khi chưa bao giờ thấy những thứ như một chiếc ô tô lao ra khỏi máy bay. Trước đây khán giả yêu thích phim Hollywood vì nội dung hấp dẫn và đa dạng thể loại. Tuy nhiên, khi họ cứ tung ra những tác phẩm tương tự, khán giả sẽ bỏ đi”, nhà làm phim xứ Trung bày tỏ.
Không chỉ có Fast & Furious, Transformers cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Phần 4 của thương hiệu ăn khách từng thu về tới 1,9 tỉ nhân dân tệ và là “nhà vô địch” phòng vé Trung Quốc năm 2014 thì phần tiếp theo Transformers: The Last Knight ra rạp hồi 2017 chỉ đứng vị trí thứ 6 trong 10 phim ăn khách nhất năm với doanh thu ít hơn người tiền nhiệm tới 500 triệu nhân dân tệ.
|
Không chỉ có các thương hiệu điện ảnh lâu năm, những tác phẩm đơn lẻ cũng rơi vào tình thế bị “thất sủng”. Nhiều năm qua, thay vì thống trị phòng vé xứ Trung, không ít tác phẩm từ Hollywood đã vấp phải phản ứng tiêu cực từ dư luận. Năm ngoái, bản live-action Mulan vốn được Disney nhắm thẳng vào thị trường tỉ dân nhưng rồi phải nhận trái đắng. Bên cạnh những vấn đề tranh cãi nhạy cảm về chính trị, siêu phẩm bị chỉ trích khắc họa văn hóa Trung Quốc một cách lộn xộn.
Năm 2019, Once upon a time in Hollywood có Brad Pitt, Leonardo DiCaprio đóng chính không được chiếu tại Trung Quốc. Bạn bè, gia đình Lý Tiểu Long chỉ trích đạo diễn Quentin Tarantino miêu tả sai lệch hình tượng của huyền thoại võ thuật Trung Hoa. Trung Quốc cũng ngày càng khắt khe trong khâu kiểm duyệt phim ngoại, khiến nhiều tác phẩm “bít đường” ra rạp nước này.
|
Lý Tuấn cho rằng lý do khác khiến khán giả Trung Quốc không còn mấy mặn mà với phim Hollywood vì chất lượng làm phim nội địa ngày càng tăng. Ông nêu rõ hiệu ứng, kỹ xảo của phim ảnh trong nước hiện tại không thua kém gì Hollywood do được thực hiện bởi các công ty quốc tế, bao gồm cả Mỹ, Hàn Quốc. Các công ty chuyên về kỹ xảo, hiệu ứng đỉnh cao tại Trung Quốc cũng quy tụ nhiều tài năng từ nước ngoài.
Jeff Bock - nhà phân tích doanh thu phòng vé của Exhibitor Relations, cho biết thực trạng phim Hollywood tụt hậu về doanh thu so với phim đại lục sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Ông cho biết các nhà làm phim xứ Trung ngày càng hiểu rõ thị hiếu khán giả trong nước, các tác phẩm được đầu tư chỉn chu về nội dung lẫn kỹ xảo cùng với vô vàn ý tưởng sáng tạo độc đáo, mới lạ. Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của điện ảnh Trung Quốc, Jeff Bock nhận định Hollywood sẽ ngày càng chật vật trong việc lấy lại vị thế đã mất tại phòng vé hàng đầu thế giới.
Bình luận