Giảng đường trên mây: Máu thấm mồ hôi

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
22/08/2019 07:00 GMT+7

41 tuổi, hiện là Phó trung đoàn trưởng 925 (Sư đoàn 372, Quân chủng Phòng không - Không quân) nhưng kể lại chuyện 13 năm trước, thượng tá Ngô Sỹ Minh vẫn ngỡ như hôm qua.

Sáng 27.6.2006, trung úy Ngô Sỹ Minh bay huấn luyện trên chiếc Mig-21 số hiệu 5279, chuẩn bị hạ cánh thì phát hiện càng trước không thả. Bay lại vòng 2 và thả càng khẩn cấp cơ học cũng không thành công. Trong khi đó đèn báo hiệu lượng dầu sắp cạn, phi công và máy bay ở trong tình trạng vô cùng khẩn cấp.

Máy bay tiếp đất bằng trượt bụng

Theo điều lệ bay, trong trường hợp này, phi công được phép nhảy dù. Song, thấy hệ thống điều khiển của máy bay đang nằm trong tầm kiểm soát, được sự gợi ý của chỉ huy bay, Ngô Sỹ Minh quyết định: “Tôi xin hạ cánh trượt bụng”. Đây là phương án cuối cùng để cứu máy bay nhưng cũng vô cùng nguy hiểm vì chỉ cần một sai sót nhỏ máy bay sẽ nổ tung. Với sự tự tin, tập trung cao độ và kỹ thuật lái chuẩn xác, được hỗ trợ của kíp chỉ huy bay, trung úy Minh đã xử lý thành công sự cố, điều khiển máy bay hạ cánh trượt bụng xuống đường băng đất an toàn.
“Giờ kể lại thì dài dòng, nhưng lúc ấy mọi việc lướt qua cực nhanh. Máy bay tiếp đất bằng bụng, trượt ầm ầm trên nền đất với tốc độ gần 300 km/giờ. Sau mấy giây choáng váng, tôi cởi dây an toàn, bung cửa máy bay nhảy ra ngoài. Quay nhìn không thấy máy bay phát lửa, không có tiếng nổ lạ, máy đã tắt, lúc ấy mới tin là mình đã thành công”, thượng tá Minh nhớ lại và trầm ngâm: “Trong tích tắc, tôi xác lập được các yếu tố để sẵn sàng “không nhảy dù”, đó là: Dưới kia là làng mạc, nếu để máy bay rơi xuống thì hậu quả sẽ khôn lường”.
Câu chuyện của trung úy Ngô Sỹ Minh có sự góp công rất lớn từ chỉ huy bay - người thầy của anh khi đó là đại tá Vũ Văn Sỹ, Trung đoàn trưởng 940. “Thầy giáo Sỹ” quê Bắc Giang, trong suốt 22 năm (1987 - 2009) làm giảng viên “giảng đường trên mây”, đã bay gần 1.700 giờ, huấn luyện và đào tạo được 45 học viên phi công tốt nghiệp ra trường với tỷ lệ thành công trên 90%. Ngoài ra, anh còn tham gia chỉ huy trên 200 ban bay và xử lý thành công 15 vụ uy hiếp an toàn bay trên không. Đặc biệt, thầy Sỹ đã hạ cánh thành công chiếc Mig-21 số hiệu 8217 không càng bằng phương pháp trượt bụng vào ngày 16.6.1992, trong ban huấn luyện cùng thượng tá Bùi Doãn Độ (thanh tra bay). “Thầy Sỹ đã xử lý tình huống tương tự nên có kinh nghiệm và truyền sự tự tin cho tôi”, thượng tá Minh nói.
Những cựu binh của Trường Sĩ quan không quân (SQKQ) vẫn nhớ: Ngày 14.12.1984, trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho việc bay biểu diễn kỷ niệm 40 năm ngày thành lập QĐND VN, các giáo viên phi công Lâm Quang Tiệp và Đặng Văn Tráng của Trung đoàn 920 bay tập đội hình 2 chiếc Mig-21. Khi ở độ cao 800 m, tốc độ 850 km/giờ đột nhiên nắp buồng lái máy bay anh Tiệp bị bục một lỗ và vỡ toang. Mảnh mica văng tung tóe khiến Tiệp bị thương, làm đứt dây vô tuyến điện. Mặc dù mất liên lạc với đài chỉ huy sân bay, nhưng thượng úy Tiệp vẫn không nhảy dù vì phía dưới là làng mạc dân cư đông đúc. Anh dũng cảm điều khiển chiếc Mig-21 không có nắp buồng lái về hạ cánh an toàn ở sân bay Phan Rang. Ngay sau đó thượng úy Tiệp được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Giảng đường trên mây: Những tấm gương hy sinh1

Đuôi máy bay L-39 số hiệu 8732 trưng bày tại phòng truyền thống Trường Sĩ quan không quân

Huyền thoại Dương Văn Thanh

Trong nhà truyền thống của Trường SQKQ trưng bày trang trọng phần đuôi chiếc máy bay L-39 mang số hiệu 8732; mỗi khóa học viên mới đều được đưa đến nghe kể lại “huyền thoại Dương Văn Thanh”. Ngày 29.4.2005, máy bay L-39 số hiệu 8732 do thượng tá Dương Văn Thanh, Phó trung đoàn trưởng 910 và trung úy Đào Việt Hưng điều khiển, làm nhiệm vụ bay huấn luyện chiến đấu. Khi đang ở độ cao 350 m, động cơ tắt đột ngột không khởi động lại được. Là người thầy có bản lĩnh, kinh nghiệm xử lý bất trắc, thượng tá Thanh bình tĩnh giữ ổn định trạng thái máy bay, báo cáo về sở chỉ huy cho phi công buồng lái sau nhảy dù thoát hiểm trước. Lúc này máy bay ở độ cao cực thấp và đang hướng thẳng vào khu du lịch Hòn Ngọc Việt. Anh Thanh đã tận dụng độ cao, tốc độ lướt còn lại vòng tránh để tránh nguy hiểm cho du khách trên đảo. Khi thoát khỏi khu vực nguy hiểm cũng là lúc máy bay hết độ cao, rơi xuống biển. Thượng tá Thanh không kịp thoát khỏi máy bay và hy sinh. Khi lực lượng cứu hộ trục vớt máy bay, thượng tá Thanh vẫn ngồi nguyên trong buồng lái, tay nắm chặt cần điều khiển. “Khi hy sinh, anh Thanh đã có gần 30 năm gắn bó với nhà trường. Tháng 1.2007, anh được truy phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, đại tá Phạm Văn Đông, nguyên Phó chính ủy Trường SQKQ, kể và trầm ngâm: “Con trai anh Thanh là Dương Lê Minh cũng theo nghiệp bay của bố, vào học khóa 32 Trường SQKQ và năm 2007 tốt nghiệp loại giỏi, được phong quân hàm trung úy, chuyển sang lái trực thăng ở Binh đoàn 18 - Tổng công ty trực thăng (Bộ Quốc phòng). Sáng 18.10.2016, đại úy Dương Lê Minh thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện cho 2 học viên trên trực thăng EC-130T số hiệu 8632 thì gặp nạn tại núi Dinh (Bà Rịa-Vũng Tàu) khiến cả 3 phi công hy sinh”.
Giảng đường trên mây: Những tấm gương hy sinh2

Đại úy Nguyễn Chính (bên phải), giáo viên bay Trung đoàn 920, hướng dẫn học viên Đặng Xuân Sơn cất hạ cánh trên sa bàn

Cánh chim tuổi trẻ

Thượng úy Nguyễn Thanh Kiểm, năm nay 27 tuổi (quê H.Quỳnh Phụ, Thái Bình) hiện là giáo viên L-39 thuộc Trung đoàn 910 thuộc Trường SQKQ. Trẻ, nhỏ nhắn, ít ai biết mới ngày 6.8 vừa qua, thượng úy Kiểm đang bay huấn luyện cùng thượng tá Đoàn Trung Kiên trên máy bay L-39 thì dầu nhờn về 0. Đây là tình huống rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến động cơ do không có dầu nhờn bôi trơn. Ngay lập tức, thượng úy Kiểm xin phép hạ cánh bắt buộc. Máy bay tiếp đất an toàn, cũng là lúc chỉ còn mấy giây nữa là động cơ lạch tạch, ngừng hoạt động.
Ghé Trung đoàn 920 huấn luyện bay sơ cấp trên máy bay Yak-52 trong bán đảo Cam Ranh cát nóng, nhiệt độ những ngày tháng 8 trên dưới 40 độ C, gặp đại úy Nguyễn Chính (30 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định) đang tất bật cho học viên thả đơn. Trẻ trung, đen nhẻm, Chính đã có hơn 1.200 giờ bay và là giáo viên có nhiều kinh nghiệm, bản lĩnh. Em trai của Chính là trung úy phi công Nguyễn Vũ Nhuận, 23 tuổi, hiện công tác tại Lữ đoàn Không quân hải quân 954 (Quân chủng Hải quân), sau khi tốt nghiệp khóa 42 của Trường SQKQ.
Không kể nhiều về chuyện bay, thầy giáo Chính cứ băn khoăn thời tiết nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe học viên và trầm ngâm: Thức từ 4 giờ sáng để bay. Quần quật giữa sân bay vùng cát khô khốc, nhiều học viên về nghỉ trưa bỗng lả người. Phòng ở trong dãy nhà cấp 4 của học viên phi công chỉ duy nhất chiếc quạt trần. Hôm nào nóng quá, giáo viên lại gọi các trò sang phòng thầy có tiêu chuẩn lắp máy lạnh, để học viên có giấc ngủ ngon buổi trưa, chiều lại tập luyện…
Trong câu chuyện về ước mơ hoài bão chiều hôm ấy, tôi nhớ mãi tâm sự của đại úy Nguyễn Chính: “Em chỉ ước có nhiều học sinh giống các đồng đội của Bộ Tư lệnh Tăng - thiết giáp tham dự giải đua xe tăng quốc tế Tank Biathlon 2019 ở Nga. Tuy khó khăn, thiếu thốn nhưng vượt qua mọi thử thách để sánh vai với các quốc gia khác có tiềm lực quân sự mạnh hơn. Có thế, mới bảo vệ được Tổ quốc và người thân yêu của mình”. Chúng tôi tin điều đó sẽ thành sự thật bởi bản lĩnh của những người thầy ở “giảng đường trên mây” như đại úy Nguyễn Chính không chỉ là kỹ thuật, khí tài mà còn từ tình thầy trò, gắn kết nhau.
Trong 60 năm qua, Trường SQKQ đã đào tạo 40 khóa sĩ quan (SQ) lái máy bay; bổ túc, chuyển loại, nâng cao 68 khóa SQ lái máy bay; đào tạo 2 khóa SQ dù - tìm kiếm cứu nạn, 26 khóa SQ chỉ huy tham mưu, 17 khóa SQ chính trị, 13 khóa SQ chỉ huy kỹ thuật; đào tạo 11 khóa cao đẳng, 11 khóa trung cấp, 7 khóa sơ cấp kỹ thuật hàng không; đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn học viên cho 2 nước Lào và Campuchia.
* Trường SQKQ đã có 26 cán bộ, giáo viên, học viên qua các thời kỳ được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 30 cán bộ từng công tác học tập tại trường trở thành SQ cấp tướng. Cũng trong 60 năm qua, 36 cán bộ, giáo viên, học viên nhà trường đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.