Bộ trưởng GD-ĐT hứa 'trả lại' ý nghĩa ngày khai trường

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
31/08/2019 07:26 GMT+7

Phát biểu với thầy trò vùng lũ H.Quan Sơn (Thanh Hóa), ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định sẽ tính toán để hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng, tránh học trước rồi mới tổ chức khai giảng như hiện nay.


“Con muốn khai giảng xong mới đi học”

Trò chuyện với học sinh (HS) lớp 1 Trường tiểu học Sơn Hà ngày 28.8, ông Phùng Xuân Nhạ hỏi: “Các con muốn khai giảng xong rồi mới đi học hay đi học rồi mới khai giảng như thế này?”. Khi nghe các HS trả lời: “Con muốn khai giảng rồi mới đi học”, ông Nhạ hứa sẽ tính toán để thực hiện được mong muốn này trong thời gian tới.
Ngay sau đó, phát biểu với lãnh đạo Sở GD-ĐT Thanh Hóa và thầy trò H.Quan Sơn, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ từng bước tiến tới khắc phục được việc tựu trường sớm. Để tạo ra không khí thực sự tươi mới của ngày tựu trường, Bộ đang tính toán để hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng.
Ông Nhạ cho biết có địa phương như Đà Nẵng đã giữ được ý nghĩa của ngày khai giảng khi HS không tựu trường trước ngày 5.9. Tuy nhiên, hiện nay đang trong giai đoạn “quá độ” giữa việc thực hiện chương trình cũ và chương trình mới nên cũng phải chấp nhận việc tựu trường trước ngày khai giảng.
Mặc dù vậy, theo ông Nhạ, Bộ vẫn quy định về thời gian tựu trường sớm nhất để tránh việc yêu cầu HS đi học quá sớm. Tựu trường cũng là ngày khai giảng là điều rất có ý nghĩa với cả HS và giáo viên (GV). Nếu tựu trường sớm quá mà GV phải đi bồi dưỡng nghiệp vụ thì có thầy cô không có ngày nghỉ hè để tái tạo sức lao động.

Giảm áp lực không đáng

Cũng liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của GV, ông Nhạ đề nghị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ về giảm sổ sách, áp lực cho các thầy cô, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin. “Chúng tôi thấy các thầy cô ở bậc mầm non, tiểu học vẫn còn nhiều sổ sách không cần thiết. Có nơi áp dụng công nghệ thông tin, soạn giáo án điện tử rồi nhưng vẫn bắt GV phải in ra và ký vào. Như vậy việc giảm sổ sách vẫn chưa thật ý nghĩa. Phải cùng nhau từng bước giảm áp lực không đáng có cho các thầy cô, nhưng cũng tránh việc bỏ hết hồ sơ rồi bỏ qua những nguyên tắc sư phạm cơ bản”, ông Nhạ nhấn mạnh.
Ông Nhạ chia sẻ: Trước năm học mới, Bộ tổ chức một số chuyến công tác nhằm kiểm tra việc chuẩn bị năm học mới ở một số địa phương đặc thù. Riêng đối với H.Quan Sơn là huyện nghèo, bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản do bão lũ nên Bộ có sự quan tâm đặc biệt, huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ sách vở, bàn ghế, đồ dùng học tập… để thầy trò nơi này bớt thiệt thòi so với những nơi khác.
Về vấn đề thừa - thiếu GV, ông Nhạ cho biết Bộ Chính trị đã cho phép ngành GD-ĐT tuyển thêm 20.300 GV, trong đó ưu tiên cho GV mầm non. Riêng tỉnh Thanh Hóa được 3.000 GV. Theo tính toán của tỉnh, số GV được tuyển mới cộng với một số chỉ tiêu chưa tuyển thì Thanh Hóa đã cơ bản giải quyết được vấn đề thiếu GV mầm non.
Ông Nhạ cũng cho biết Bộ mới có văn bản gửi Bộ Nội vụ về tổng số GV cần cho năm học 2019 - 2020 và đề nghị Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương xem xét, cân đối. Bộ cũng sẽ có một số liệu dự báo về nhu cầu GV, giúp địa phương kết nối với các trường sư phạm để đáp ứng nhu cầu.
Ông Nhạ cũng khẳng định, trên cơ sở khảo sát cụ thể tình hình chuẩn bị năm học mới của các địa phương, Bộ sẽ tiếp tục hướng dẫn các cơ sở giáo dục chuẩn bị cho năm học mới và chuẩn bị đổi mới chương trình giáo dục phổ thông được tốt hơn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.