Đừng “đánh cắp” giờ ra chơi của học trò

24/10/2019 08:18 GMT+7

Trẻ con ngày nay bị người lớn “đánh cắp” tuổi thơ bởi nhiều lý do, trong đó có việc học - học cả ngày chưa đủ còn phải học “ca đêm”, thậm chí học cả trong giờ ra chơi . Tối ngày mụ người vì học, vì điểm số...

Không ra chơi để học giỏi, điểm cao

Việc giáo viên không cho học sinh ra chơi là phản khoa học. Đâu phải quy định thời gian tiết học 35 - 40 phút là để cho vui mà đã có sự nghiên cứu xuất phát từ tâm sinh lý, sức khỏe của lứa tuổi

PHẠM THÚY HÀ  (chuyên viên Phòng Giáo dục Q.4, TP.HCM)

Hai câu chuyện sau đây là minh chứng cho việc học sinh (HS) đã và đang bị giáo viên (GV) đánh cắp giờ ra chơi.
Cô bé cháu của chị đồng nghiệp kể với tôi rằng, cháu ám ảnh nhất là những giờ ra chơi khi học lớp 4. Trong khi HS các lớp được tung tăng chạy nhảy ở hành lang, sân trường thì cả lớp của cháu phải... ngồi trong lớp. Tôi hỏi cháu lý do, cháu cho hay, vì muốn HS “học giỏi, điểm cao” nên cô bắt học trò ngồi trong lớp học bài. Chỉ những trường hợp đi uống nước, vệ sinh hay mua vật dụng gì đó cần thiết mới được ra ngoài. Những dịp gần thi cử, cô càng “quan tâm” học trò nhiều hơn. Thế là suốt năm học, thi thoảng cô mới cho học trò ra chơi, còn lại là ngồi trong lớp... ôn bài. Vì bệnh thành tích mà cô đã đánh cắp giờ ra chơi của hàng chục HS.
Chủ nhật vừa qua, chúng tôi thuê xe đến gia đình người thân chơi. Trên đường đi, qua chuyện trò cùng những người bà con, tôi được biết thời gian gần đây, một cháu nhỏ trong họ hàng không ra sân vào giờ ra chơi. Nghe thế, tôi ngạc nhiên hỏi thì mới hay, cô chủ nhiệm chỉ cho HS ngồi chơi trong lớp vì nhiều bạn ra chơi chạy nhảy nhiều, mồ hôi nhễ nhại nên khi vào lớp vừa ướt đồ vừa... có mùi. Chính vì thế, các HS phải... ra chơi tại lớp. Tuy cô không gây áp lực học tập nhưng trường hợp này cũng đã đánh cắp giờ ra chơi của HS.

Phản khoa học

Điều này khó chấp nhận được. Giờ ra chơi là thời gian để học trò được thoải mái vui đùa, giải trí, xua đi mệt mỏi, căng thẳng, đồng thời cũng là thời gian để các em vận động rèn luyện sức khỏe nhiều hơn nhưng GV đã đánh cắp một phần tuổi thơ của học trò. Ở thành phố không gian có hạn, nhất là những đứa trẻ ở trọ, ngôi nhà diện tích hẹp, ít có điều kiện đi đây đó thì việc cô giáo giữ HS ở lại trong lớp càng khó chấp nhận hơn.
Về việc này, cô Bùi Thị Hải Yến, Trường tiểu học Hồng Hà (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nói rằng khả năng tập trung của HS ở lứa tuổi tiểu học chưa cao nên không thể và nếu có ép các em ngồi học quá lâu so với quy định cũng không hiệu quả. Vì vậy, cần cho các em thay đổi không khí, vận động cơ thể và thư giãn thì các em mới có thể có sự hứng thú trong những tiết học sau.

Mỗi ngày trẻ cần được vận động 60 phút bằng các trò chơi, chạy nhảy, thể dục

Đào Ngọc Thạch

Tương tự, bà Phạm Thúy Hà, chuyên viên Phòng Giáo dục Q.4, TP.HCM, khẳng định: “Việc GV không cho HS ra chơi là phản khoa học. Đâu phải quy định thời gian tiết học 35 - 40 phút là để cho vui mà đã có sự nghiên cứu xuất phát từ tâm sinh lý, sức khỏe của lứa tuổi. Ngoài ra, riêng với HS lớp 1, ngành giáo dục còn bố trí thời gian nghỉ giữa tiết vào sau phút thứ 20 vì khả năng tiếp nhận, tập trung của HS lớp 1 còn rất thấp”.
Một GV Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) nói thêm, thực tế sau tiết dạy, có một số HS chậm, chưa làm xong bài tập, đôi khi GV “ráng” một chút cho học trò làm xong. Tuy nhiên tình huống này không nhiều và không thường xuyên thì còn có thể chấp nhận. Chứ việc “ăn cắp” giờ ra chơi để bắt HS cả lớp ngồi học, làm bài... thì khó chấp nhận. Sau tiết học căng thẳng, các em cần sự vận động, thư giãn để có thể vào tiết học sau một cách hiệu quả.
Về góc độ sức khỏe, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, cũng từng cho hay, việc thiếu vận động là một trong những nguyên nhân làm mất cân bằng giữa năng lượng ăn vào và năng lượng tiêu hao trong thời gian dài, gây nên béo phì. Mỗi ngày trẻ cần được vận động 60 phút bằng các trò chơi, chạy nhảy, thể dục cũng như giúp việc ở trường lớp và ở gia đình.
Đừng đánh cắp giờ ra chơi của HS. Hãy để HS có bầu trời tuổi thơ ngay trong giờ ra chơi ở “ngôi nhà thứ hai” của các em mà chúng ta thường gọi “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.