Khổ như 'chạy' chứng chỉ viên chức

24/10/2019 06:14 GMT+7

Những quy định chứng chỉ vẫn 'biết là không cần phải thế' nhưng 'luật nó thế' đang đẻ ra những tình huống dở khóc, dở cười.

Dành ra gần 2 tháng lương - 4,3 triệu đồng “thi” cho được 2 cái chứng chỉ tiếng Anh, tin học để chuẩn hóa hồ sơ thi viên chức vào tháng 11 này, nhưng vẫn tham gia nhóm đấu tranh để được tuyển dụng đặc cách vì biết sức mình thi tiếng Anh và tin học chắc chắn sẽ trượt. Đó là câu chuyện của chị N.T.T.T, một giáo viên ngữ văn THCS tại Hà Nội.
Hàng chục ngàn giáo viên (GV) trên cả nước đang ở trong tình cảnh như chị T., vẫn nộp đủ chứng chỉ, nhưng công khai nói rằng chứng chỉ đó là vô nghĩa.

Công khai chấp nhận giả dối

“Học một buổi chiều em ạ. Họ bao đỗ. Hóa đơn họ đưa cho chị là một triệu rưỡi, nhưng chị phải nộp cho họ ba triệu. Chứng chỉ tin học một triệu ba nữa. Tổng là bốn triệu ba, gần 2 tháng lương của chị”, chị T. kể về hành trình “chinh phục” chứng chỉ ngoại ngữ, tin học để “chuẩn hóa” bộ hồ sơ cho kỳ thi viên chức tháng 11 của Hà Nội tới đây.

Tiền đổ ra là thật, hàng trăm tỉ chứ không ít, nhưng cho đến nay, không có một bằng chứng cụ thể nào về việc chất lượng công chức,  viên chức tăng lên sau khi có chứng chỉ

Đồng nghiệp của chị, hàng chục người khác cũng cắn răng chạy vạy như vậy. Vừa dồn tiền, dồn sức lo chứng chỉ để còn kịp nộp hồ sơ, chị T. cùng hàng ngàn GV hợp đồng lâu năm khác ở Hà Nội còn phải “tập hợp lực lượng” để đấu tranh cho việc được tuyển dụng đặc cách, vì thi chắc chắn là trượt ngay vòng ngoại ngữ, tin học.
Khổ như

Giáo viên hợp đồng ở H.Sóc Sơn (Hà Nội) đã từng có đơn kiến nghị xin được chuyển hình thức tuyển dụng trong xét tuyển viên chức

Ảnh: Thanh Hùng

Chung số phận với chị là anh T.V.T, GV hợp đồng môn toán của một huyện ngoại thành. “Tôi trình độ tiếng Anh thi chứng chỉ A còn sợ trượt, nhưng lần này thi hẳn chứng chỉ C. Đóng một triệu mốt, học cho có lệ rồi thi đỗ hết. Tôi đang dạy đội tuyển học sinh giỏi toán lớp 9 thi cấp huyện vẫn đạt kết quả tốt, có cần chứng chỉ gì đâu. Bắt chứng chỉ thì tôi chứng chỉ, chứ thực ra khác gì mua. Mình dạy học sinh trung thực, mà phải đến cảnh này, cũng cực chẳng đã”, anh T.V.T nói đầy chua xót. Anh cũng nộp hồ sơ thi trong tâm trạng chắc chắn trượt vòng ngoại ngữ, tin học và chuẩn bị đấu tranh tiếp để được xét tuyển.
Những trường hợp trên đây là 2 trong hàng ngàn GV hợp đồng của Hà Nội đã cách này hay cách khác công khai nói rằng chứng chỉ mà tôi nộp cho các vị thực chất không có ý nghĩa gì cả. Và cũng bằng cách này hay cách khác, chính quyền có vẻ chấp nhận sự thật đó, bằng việc tìm cách “tạo điều kiện” cho họ không phải thi vòng ngoại ngữ, tin học; tức là cũng công khai nói rằng “tôi biết chứng chỉ các anh chị nộp cho tôi không có ý nghĩa gì cả”. Giả dối được chấp nhận một cách công khai.
Tuy nhiên, giá cho sự giả dối đó lại rất thật, và không rẻ, là gần 2 tháng lương của cô giáo THCS. Thử nhân với con số 20.000 người đăng ký thi viên chức tại Hà Nội đợt này, là 86 tỉ đồng chi phí, chưa kể đến không biết bao nhiêu công sức, thời gian. Kẻ béo bở duy nhất ở đây là các trung tâm đào tạo. Tiền chứng chỉ 1, tiền “chống trượt” 2, 3. Nhiều trung tâm còn đón lõng các đợt thi viên chức quy mô lớn của các địa phương để “vợt” học viên, kiếm bộn tiền. Và với món hời như thế, chuyện những lớp ôn chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng ở đó GV dạy các học viên cách “nghe hắt hơi, điền đáp án” không còn là chuyện tiếu lâm.

Đoạn trường thăng hạng

Để được vào hệ thống đã đầy “khổ ải”, vào rồi mà để được thăng hạng cũng đoạn trường không kém. Chị V.T.Đ, GV một trường mầm non công lập tại tỉnh Quảng Ninh, theo nghề gần chục năm nay, nhưng chỉ nhận mức lương trung cấp hơn 5 triệu đồng mỗi tháng. Thực sự khao khát được xét thăng hạng viên chức lên GV mầm non hạng 3 để được hưởng mức lương cao đẳng như trình độ vốn có, chị phấn đấu 3 năm liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ theo đánh giá của hiệu trưởng, không bị kỷ luật, “có phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp”, nhưng cuối cùng vẫn suýt bỏ cuộc vì “vấp” phải chứng chỉ.
Mới giữa tháng 9 đây thôi, UBND TP.HCM đã phải có công văn gửi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch về việc xét tuyển đặc cách viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh do trong 71 trường hợp “tài năng đặc biệt” được xét lần này, chỉ 31 trường hợp đủ điều kiện; 40 trường hợp còn lại bị trượt do chưa có bằng cấp chuyên môn, chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành biểu diễn nghệ thuật. Trong số 40 trường hợp trượt viên chức vì chứng chỉ này, có 8 nghệ sĩ ưu tú trong lĩnh vực cải lương, gồm: ông Nguyễn Thanh Phúc (nghệ sĩ Trọng Phúc), bà Nguyễn Tú Sương (nghệ sĩ Tú Sương), ông Trần Long Mỹ (nghệ sĩ Dương Thanh); lĩnh vực xiếc là bà Lưu Thị Kim Liên, ông Lê Văn Hà, ông Trần Ngọc Bảo. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là hai anh em Giang Quốc Cơ và Giang Quốc Nghiệp, những người đang nắm giữ 2 kỷ lục Guinness thế giới, được thế giới biết tới, còn ở VN, cả hai đều đã là nghệ sĩ ưu tú nhiều năm cũng “vấp ngã” một cách đau đớn trước chứng chỉ.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ tại Thông tư liên tịch số 20 năm 2015, để được thăng hạng từ GV mầm non hạng 4 lên hạng 3, chị Đ. phải có 3 loại chứng chỉ, gồm tiếng Anh trình độ bậc 2 theo quy định của Bộ GD-ĐT, chứng chỉ tin học cơ bản theo quy định của Bộ Thông tin - Truyền Thông và chứng chỉ bồi dưỡng GV mầm non hạng 3. Cách đây 2 năm, khi vào “đợt” xét thi thăng hạng, chị Đ. đã nhờ cô em sống tại Hà Nội tìm “mua” chứng chỉ tiếng Anh và tin học văn phòng, song cả 2 chứng chỉ mà chị phải bỏ ra gần một nửa tiền lương GV mầm non để “mua” về không được chấp nhận. Năm đó, chị Đ. không phải trường hợp duy nhất rơi vào cảnh này.
Tưởng là phải bỏ cuộc, may cho chị Đ., UBND địa phương đã phải “linh động” tổ chức một bài kiểm tra ngoại ngữ và tin học cho những GV đủ tiêu chuẩn về thâm niên, trình độ, phẩm chất đạo đức, nhưng thiếu… chứng chỉ. Chị Đ. đã may mắn vượt qua được kỳ thi nhờ hội đồng thi lại một lần nữa “linh động” cho các thí sinh như chị “gọi điện thoại cho người thân” làm bài hộ. Trải qua từng đó thứ, chị Đ. được tăng từ bậc 7 của lương trung cấp (GV mầm non hạng 4) lên bậc 5 của lương cao đẳng (GV mầm non hạng 3), mức chênh lệch là hơn 500.000 đồng mỗi tháng. “500.000 đồng với GV mầm non như chúng tôi là rất quý”, chị Đ. nói. Thế nhưng, để có thêm 500.000 đồng mỗi tháng, chỉ riêng học phí lớp bồi dưỡng GV mầm non hạng 3 đã tiêu đứt của chị 6 tháng tăng lương (3 triệu đồng), chưa kể tiền quỹ lớp, tài liệu, bồi dưỡng cho thầy, cô đứng lớp. “Mà chúng tôi chủ yếu đi học cho đủ lệ bộ thôi chứ cũng có tiếp thu được bao nhiêu kiến thức đâu”, chị Đ. chia sẻ.

Trái ngang như chứng chỉ

Hơn cả sự “khổ ải”, những quy định chứng chỉ vẫn “biết là không cần phải thế” nhưng “luật nó thế” đang đẻ ra những tình huống dở khóc, dở cười.
Mới đây, một giáo sư tại một trường ĐH lớn của TP.HCM đã phải lên trang cá nhân than thở việc ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ, trên 100 cử nhân, đã dạy ĐH và cao học hơn 20 học kỳ và đã được bổ nhiệm làm giảng viên cao cấp; vậy mà giờ đây ông nhận được yêu cầu phải đi học để lấy chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, nếu không thì… “mất” dạy. Khẳng định bất cứ giảng viên ĐH nào cũng cần phải có nghiệp vụ sư phạm, song vị giáo sư khá nổi tiếng này cho rằng giữa câu chuyện “có nghiệp vụ sư phạm” và câu chuyện “có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm” là một con đường khá dài, có khi là dài vô tận. “Mình thật sự không hiểu vì sao một chuyện tốt là giảng viên ĐH cần phải “có nghiệp vụ sư phạm” lại bị ai đó làm cho méo mó biến dạng thành phải “có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm”, rồi bao nhiêu là giảng viên từ nam chí bắc, kể cả giáo sư, bằng cách này hay cách khác bị ép buộc phải có cái chứng chỉ này”, vị giáo sư chia sẻ.
Trả lời về trường hợp này, TS Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Nhà giáo, Bộ GD-ĐT, cho biết hiện luật Giáo dục sửa đổi 2019 đã bỏ yêu cầu nhà giáo giảng dạy trình độ ĐH phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nhưng theo dự kiến tới năm 2020, Bộ GD-ĐT mới tiến hành sửa đổi, thay thế Thông tư liên tịch số 36 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giảng viên ĐH, nên từ nay đến đó, các giáo sư vẫn phải vui lòng… thi chứng chỉ.
Kể ra những câu chuyện nêu trên, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng hiện hàng trăm ngàn công chức, viên chức vẫn đang bỏ công bỏ của để có những tấm chứng chỉ trang hoàng hồ sơ - một sự hào nhoáng rất vô nghĩa và tốn kém. Tiền đổ ra là thật, hàng trăm tỉ chứ không ít, nhưng cho đến nay, không có một bằng chứng cụ thể nào về việc chất lượng công chức, viên chức tăng lên sau khi có chứng chỉ. Chúng tôi đã lục tung các báo cáo nhiệm kỳ của Bộ Nội vụ về việc đánh giá công chức, viên chức lên; lục cả báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về cải cách bộ máy năm 2017, không một nơi nào đề cập đến tác dụng của chứng chỉ, cũng không một nơi nào nhắc việc “thiếu chứng chỉ” là một tồn tại cản trở bộ máy hoạt động hiệu quả. Bất kể tất cả những việc đó, chứng chỉ thì vẫn… phải có?! (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.