Người trẻ bị bắt nạt trên mạng xã hội: Thiếu sự quan tâm và chia sẻ của gia đình

01/11/2019 07:34 GMT+7

Thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh ngày nay luôn tham gia ít nhất vài ba mạng xã hội từ những phần mềm cài đặt sẵn. Việc bắt nạt qua mạng có thể đến bất cứ lúc nào.

Vai trò của gia đình, nhà trường trong việc hướng trẻ sử dụng điện thoại và mạng xã hội là vô cùng quan trọng.

Thực hiện hành vi bạo lực vì muốn... ba mẹ quan tâm

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, dựa trên những nghiên cứu gần đây về tâm lý học, có thể chia ra 3 nhóm yếu tố ảnh hưởng chính đến hành vi bắt nạt trực tuyến của học sinh (HS) THPT.
Thứ nhất, yếu tố được nhiều sự lựa chọn của HS là gia đình, ba mẹ. Phần lớn các em chưa được ba mẹ góp ý, chia sẻ về những tác hại của hành vi bắt nạt trực tuyến, thậm chí có ba mẹ chưa bao giờ đề cập với con về hành vi này. Điều đáng lưu ý là một bộ phận không nhỏ các em cho rằng mình thưc hiện hành vi này vì muốn được ba mẹ quan tâm hơn, yêu thương hơn. Đây là một tín hiệu báo động cho các bậc phụ huynh trong cách chia sẻ, quan tâm con và giao tiếp với con theo nguyên tắc: Tình thương, tôn trọng, trách nhiệm, thẳng thắn và thiện chí.
Thứ hai là yếu tố nhà trường: Có không ít sự lựa chọn của HS cho rằng nhà trường chưa đề cập đến hành vi này. Chủ yếu nhà trường quan tâm đến vấn đề bạo lực học đường, việc các em xảy ra mâu thuẫn, xích mích ở ngoài thực tế hơn là mâu thuẫn, tranh cãi, nói xấu hay đăng clip trên mạng xã hội. Ng.B.Đ (HS Trường THPT Hùng Vương, TP.HCM) cho biết: “Em có nghe trường nói gì về cái này đâu, thường thầy cô hay nhắc nhở về mấy vụ đánh nhau trên trường thôi”.
Thứ ba là yếu tố chính bản thân HS. Một bộ phận không nhỏ HS muốn thể hiện bản thân, thể hiện cái tôi cá nhân và cũng có một bộ phận HS a dua, bắt chước bạn bè mà không biết rằng hành vi này gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người bị bắt nạt.

Giải pháp đồng bộ từ gia đình và nhà trường

Theo PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, ở độ tuổi trung học, HS rất cần sự quan tâm từ phía gia đình, nhà trường, định hướng đúng đắn để phát triển nhân cách và hành vi cá nhân. Các em chịu nhiều ảnh hưởng từ quan điểm và lối sống của người lớn trong gia đình, nhà trường và xã hội để tìm kiếm một hình ảnh hoàn chỉnh cho bản thân. Điều này rung lên hồi chuông báo động cho gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng tham gia hạn chế tình trạng bắt nạt qua mạng.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, Công ty giáo dục Kidstime, cũng cho biết khi nhận ra trẻ có những biểu hiện bị tổn thương do những tác động tiêu cực từ bạn bè, phụ huynh nên lắng nghe với thái độ chấp nhận tôn trọng, không lên án trẻ lẫn kẻ tấn công. Ngoài ra, cần phải nhìn nhận cảm xúc của trẻ, làm giảm nhẹ sự căng thẳng bằng những nhận xét mang tính hài hước nhẹ nhàng, hướng trẻ vào các hoạt động tích cực trong gia đình để khen ngợi/động viên giúp trẻ tự tin vượt qua các sự phê phán.
Để phòng chống nạn bắt nạt trực tuyến với HS, cần giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Nhà trường cần lưu ý quan tâm, phát hiện những em “có vấn đề” về tâm lý để kịp thời can thiệp. Nên tổ chức những buổi sinh hoạt tuyên truyền về cách phòng chống, giáo dục cho HS kỹ năng sử dụng các trang mạng xã hội để không bị kẻ xấu lợi dụng bắt nạt. Cần phát huy vai trò của các hòm thư trong trường, vai trò của phòng tư vấn tâm lý học đường.
Phụ huynh phải quan tâm thường xuyên hơn con em mình, nhất là khi con em có những biểu hiện lạ về tâm lý. Kiểm soát chặt chẽ việc con em sử dụng điện thoại di động và các trang mạng xã hội. Khi phát hiện con em mình bị bắt nạt bởi HS trong trường, phải báo cho nhà trường. Nếu bị bắt nạt bởi đối tượng ngoài xã hội cần báo cơ quan chức năng xử lý.
Đối với bản thân các HS, cần sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh, tích cực. Không nên kết bạn một cách bừa bãi vì dễ bị mắc “bẫy” của các đối tượng xấu. Khi biết mình là nạn nhân, cần bình tĩnh báo cho cha mẹ, nhà trường. Tuyệt đối không được im lặng, cam chịu, chấp nhận hoặc có những cách tự ứng xử tiêu cực, thiếu suy xét. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.