Nơi các chỉ tiêu giáo dục đều thấp nhất cả nước

23/10/2019 08:16 GMT+7

Chi ngân sách cho giáo dục thấp nhất, giáo viên thiếu nhiều nhất, số phòng học kiên cố ít nhất, tỷ lệ học 2 buổi/ngày thấp nhất, tỷ lệ huy động trẻ đến trường 'khiêm tốn' nhất... là những chỉ tiêu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

 

Thiếu giáo viên,thiếu phòng học

Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất trường học, Bộ GD-ĐT, cho biết: các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 2.029 trường mầm non, 3.101 trường tiểu học, 1.407 trường THCS, 377 trường THPT.
Vùng ĐBSCL có 231.147 cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên (GV), nhân viên, trong đó số cán bộ quản lý giáo dục là 15.435, chiếm 15,61% so với cả nước; GV là 182.439, chiếm 16,98%; nhân viên 33.273, chiếm 14,95%. Theo định mức năm học 2018 - 2019, ĐBSCL còn thiếu 11.637 GV mầm non, 2.583 GV tiểu học, 2.157 GV THCS, 401 giáo viên THPT…
ĐBSCL có tỷ lệ phòng học/lớp học, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa bình quân thấp nhất cả nước.
Cũng theo ông Hùng Anh, để ĐBSCL có điều kiện về phòng học và thiết bị dạy học ngang bằng cả nước, cần đầu tư bổ sung hàng chục ngàn phòng học. Trong đó mầm non là 2.400 phòng, cải tạo, nâng cấp 2.100 phòng. Ở bậc tiểu học, cần đầu tư mới khoảng 900 phòng, cải tạo, nâng cấp khoảng 4.300 phòng. Bậc THCS cần đầu tư cải tạo, nâng cấp khoảng 1.857 phòng. Bậc THPT cần khoảng 223 phòng học. Đó là chưa nói tới số phòng học bộ môn cần đầu tư mới và đầu tư trang thiết bị dạy học.

Thấp hơn mức trung bình của cả nước

Tỷ lệ huy động trẻ mầm non ra lớp thấp nhất so với các vùng và thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước. Tỷ lệ trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo ăn bán trú chỉ 68,4%, thấp hơn trung bình toàn quốc 22,9% (toàn quốc là 91,3%).
Số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày cũng thấp nhất so với các vùng và thấp hơn trung bình của toàn quốc khi chỉ đạt 63,45%, trong khi cả nước con số này là hơn 80%. Chưa có tỉnh nào trong khu vực đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi cấp độ 3.

Không thể giải quyết những vấn đề của giáo dục bằng những chủ trương chung chung mà cần tính đến đặc thù của từng địa phương, để mỗi địa phương chủ động vươn lên chứ không phải nhìn nhau để phát triển

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ 

Theo Bộ GD-ĐT, số liệu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước trong giai đoạn 2011 - 2016, chi ngân sách địa phương (tính cả phần ngân sách T.Ư hỗ trợ các địa phương nhưng được quyết toán tại địa phương) cho giáo dục mầm non, phổ thông của cả nước khoảng hơn 155.000 tỉ đồng, trong đó tổng chi ngân sách địa phương trung bình/năm (2011 - 2016) cho giáo dục mầm non, phổ thông của các tỉnh ĐBSCL khoảng 24.603,1 tỉ đồng. Như vậy, tổng chi ngân sách địa phương cho giáo dục mầm non, phổ thông của các tỉnh ĐBSCL chiếm 15,9% tổng chi của cả nước, trong khi đó tổng số học sinh của ĐBSCL chiếm 17,5% tổng số học sinh cả nước.
Mức chi ngân sách địa phương trung bình cho một học sinh mầm non, phổ thông của ĐBSCL thấp hơn bình quân chung của cả nước là 11,9% (trong đó thấp hơn bình quân chung của cả nước về chi đầu tư là 8,6%, chi thường xuyên 12,5%). Phân bổ chi ngân sách địa phương cho các cấp học cũng chưa hợp lý.
Không chỉ nguồn ngân sách địa phương chi cho giáo dục thấp, nguồn vốn T.Ư hỗ trợ các địa phương khu vực ĐBSCL thông qua các chương trình, đề án nói chung, cũng chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số vốn T.Ư hỗ trợ các địa phương - thấp nhất so với các vùng trong cả nước do chính sách hỗ trợ tập trung cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà các tỉnh ĐBSCL có ít đối tượng thụ hưởng so với các vùng khó khăn khác.

Giải pháp cần tính đến đặc thù của từng địa phương

Đại diện 13 địa phương khu vực ĐBSCL đã đề xuất với Bộ GD-ĐT xem xét có cơ chế chính sách đặc thù cho giáo dục ĐBSCL giống như Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, bởi đây là vùng sông nước điều kiện đi lại khó khăn, tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục.
Đại diện các địa phương cũng chỉ ra những bất hợp lý về chủ trương tinh giản 10% biên chế đối với viên chức giáo dục. Hiện nay, theo thống kê các tỉnh ĐBSCL đang thiếu gần 17.000 GV mầm non, phổ thông, trong đó GV mầm non thiếu khoảng 11.600 người. Nếu thực hiện tinh giản một cách cơ học sẽ dẫn tới không đảm bảo số lượng và chất lượng GV các bậc học. Làm sao phải đảm bảo nơi nào có học trò, nơi đó có GV.
Đối với việc rà soát, sắp xếp các điểm trường khu vực ĐBSCL, đại diện tỉnh Long An đề xuất, khi sắp xếp các trường thì cần gắn liền với phát triển nông thôn mới. Vì đặc thù vùng ĐBCSL là sông ngòi chằng chịt, nếu hạ tầng giao thông phát triển sẽ hạn chế được các điểm trường lẻ.
Theo tinh thần Nghị quyết 19 và Nghị quyết 37 của Chính phủ, để đạt được mục tiêu đặt ra đến năm 2025 giáo dục của các tỉnh ĐBSCL tối thiểu phát triển ngang bằng với bình quân chung của cả nước, các tỉnh trong khu vực cần khẩn trương rà soát, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Trong một hội nghị với ngành GD-ĐT khu vực ĐBSCL tổ chức tại Cần Thơ, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết hiện nay Bộ đang xây dựng bộ chỉ số đánh giá giáo dục các địa phương, qua đó nhìn nhận chất lượng giáo dục của từng địa phương, từng vùng, để biết đâu là vùng trũng và trách nhiệm đến đâu của từng bộ, ngành, địa phương. “Không thể giải quyết những vấn đề của giáo dục bằng những chủ trương chung chung mà cần tính đến đặc thù của từng địa phương, để mỗi địa phương chủ động vươn lên chứ không phải nhìn nhau để phát triển”, ông Nhạ khẳng định.
Ông Nhạ cũng khẳng định nếu chương trình kiên cố hóa trường lớp học giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện cần cho phép các tỉnh ĐBSCL tham gia với các tiêu chí, điều kiện như các vùng Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam bộ, nhằm giúp các tỉnh trong vùng xóa bỏ các phòng học tạm, tranh tre nứa lá, từng bước tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất trường học cho toàn vùng.
Số học sinh bỏ học chiếm hơn 55% của cả nước
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số học sinh tiểu học của riêng vùng ĐBSCL bỏ học chiếm tới hơn 55% của cả nước. Lý do chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân như: Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều học sinh bỏ học để mưu sinh hoặc do dân cư sinh sống theo tập quán, thời vụ không ổn định, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng sông nước, vùng dân tộc ít người, dẫn đến khi di chuyển cùng gia đình, các em rời khỏi nhà trường và không quay lại trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.