Quan điểm của Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế về việc cho học sinh đi học lại

22/02/2020 08:01 GMT+7

Đề xuất cho học sinh cả nước nghỉ học hết tháng 3.2020 của UBND TP.HCM dự kiến sẽ được Chính phủ phản hồi chính thức hôm nay (22.2).

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế… đều nêu quan điểm cần xem xét cho học sinh đi học từ tháng 3 ở những nơi không có dịch.

Nhìn lại tròn 1 tháng Việt Nam chống lại dịch bệnh Covid-19

Đã xây dựng các phương án đón học sinh trở lại

Trao đổi với Thanh Niên ngày 21.2 về đề xuất của TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết dự kiến hôm nay (22.2), Chính phủ sẽ có cuộc họp với các bộ, ngành và lãnh đạo TP.HCM để thảo luận và trả lời về đề xuất của UBND TP.HCM cho học sinh, sinh viên (HS, SV) nghỉ học hết tháng 3.
Tuy nhiên, ông Độ nêu quan điểm của Bộ GD-ĐT rằng chỉ địa phương có dịch mới cho HS, SV nghỉ học. Nếu tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học thì sẽ rất khó khăn để thực hiện chương trình GD-ĐT. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đang xem xét phương án cho HS, SV đi học trở lại từ ngày 2.3.
“Thời gian qua, các trường học đã tiến hành các biện pháp phòng dịch cần thiết, tiêu trùng khử độc nhiều lần; Bộ GD-ĐT cũng phối hợp với Bộ Y tế xây dựng các quy trình kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo người học đến trường an toàn”, ông Độ cho biết.
Ông Độ cũng thông tin, Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo nhiều phương án điều chỉnh kế hoạch năm học. Việc Chính phủ kết luận đề xuất của TP.HCM ra sao, Bộ GD-ĐT cũng sẽ có hướng dẫn phù hợp. Theo đó, việc lùi kỳ thi THPT quốc gia đến cuối tháng 7.2020 cũng được tính đến.

TP.HCM đề xuất cho cả nước nghỉ học hết tháng 3, Bộ Y tế nói gì?

Tại cuộc họp Ủy ban Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 sáng 21.2, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết tại nhiều nước có dịch Covid-19 (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...), HS, SV vẫn đi học bình thường, không đeo khẩu trang. Tại Trung Quốc hiện nay trừ thủ đô Bắc Kinh và các tỉnh Hồ Bắc, Cát Lâm, Thiên Tân vẫn cho HS, SV nghỉ; đa số các tỉnh còn lại đầu tháng 3 sẽ cho đi học trở lại.
Ông Dũng cũng cho biết Tổ chức Y tế thế giới và một số tổ chức quốc tế, ngoại giao đoàn cũng đã khuyến nghị, với tình hình dịch bệnh hiện tại, đã đến lúc Việt Nam xem xét thời điểm cho HS, SV đi học trở lại.
Quan điểm của Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế về việc cho học sinh đi học lại1

Trang bị máy đo thân nhiệt

Ảnh: Phạm Hữu

Địa phương không có dịch cần cho học sinh đi học

Thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại hội nghị báo cáo viên T.Ư tháng 2.2020 do Ban Tuyên giáo T.Ư tổ chức sáng 21.2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết cho HS nghỉ học cũng là một biện pháp phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp nghỉ học thời gian qua là “hơi mạnh quá”.
“Thật ra mà nói, theo cơ quan y tế, những địa phương không có dịch phải có biện pháp an dân, cho người dân yên tâm để cho con em đi học. Còn ở những vùng nào có dịch thì tiếp tục nghỉ đến khi hết dịch, lúc đó mới đảm bảo được”, ông Long nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. “Đến bây giờ có thể nói rằng chúng ta tự tin trong vấn đề kiểm soát và chúng ta đang kiểm soát tốt tình hình này”, ông Long nhấn mạnh và khẳng định, Việt Nam đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở cũng như phương án để phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.

Hành trình Việt kiều Mỹ nhiềm Covid-19: Mỹ - Vũ Hán - Việt Nam

Hà Nội: Chuẩn bị tinh thần cho học sinh trở lại trường vào 2.3
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho rằng việc quyết định cho HS nghỉ học cần căn cứ vào những yếu tố cụ thể: địa bàn có nguy cơ lây nhiễm cao dịch Covid-19; diễn biến dịch bệnh vẫn phức tạp; căn cứ đề xuất của các Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB-XH; căn cứ nguyện vọng của phụ huynh, giáo viên các nhà trường... Tuy nhiên, ông Chung cũng nhấn mạnh: “Tinh thần là toàn bộ hệ thống chính trị chuẩn bị cho mọi người dân, các trường, kể cả các trường quốc tế sẽ đi học lại ngày 2.3”.
Về các yêu cầu để đảm bảo cho HS đi học ngày 2.3, ông Chung đề nghị tất cả các quận, huyện, trường phải đảm bảo ít nhất mỗi phòng học có một máy đo nhiệt kế điện tử để HS đo thân nhiệt, xà phòng, nước rửa tay…
Ý kiến
Nên xem xét để học sinh trở lại học trong thời gian phù hợp
Khi đưa ra quyết định đi đến việc có văn bản kiến nghị với Chính phủ, Bộ GD-ĐT thì lãnh đạo TP.HCM đã tính toán và cân nhắc rất kỹ. Tuy nhiên, nếu như điều chỉnh thời gian năm học, học kỳ 2 bắt đầu từ tháng 4 như đề xuất của TP thì sẽ ảnh hưởng và kéo theo thay đổi toàn bộ kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, hoạt động giáo dục của năm học này… Tương tự, xã hội cũng có những thay đổi, các gia đình cũng phải thực hiện các phương án sắp xếp cuộc sống, đưa đón, chăm lo cho con cái học tập, sinh hoạt. Vì vậy, nếu cấp bách, cần thiết, có những đánh giá chuyên môn chính xác nhằm bảo vệ sức khỏe cho HS là trên hết thì có thể cho HS kéo dài thời gian nghỉ, còn không thì nên xem xét để các em có thể trở lại trường trong thời gian phù hợp.
Nguyễn Văn Ngai 
(nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Nếu không sàng lọc kỹ sẽ dẫn đến bùng phát dịch
Diễn biến dịch không thể biết trước, phức tạp, khó lường và hậu quả nghiêm trọng vì đe dọa trực tiếp đến tính mạng. TP.HCM là TP lớn nhất cả nước, có số lượng HS, SV khá lớn nên nếu không sàng lọc kỹ lưỡng có thể dẫn đến bùng phát dịch là rất nguy hiểm. Khi TP có đề xuất như vậy thì tất nhiên đã có sự tham mưu của các cơ quan chuyên môn.
Huỳnh Thanh Phú
 
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du TP.HCM)
Cần nghĩ xa hơn
Việc tạm nghỉ dài ngày vì dịch bệnh cũng là một thuốc thử, chắc chắn không phải ai cũng đồng tình. Nhưng chúng ta cần nghĩ xa hơn về những sự thay đổi tích cực mà việc đổi mới giáo dục đang tiến hành. Đó là việc phải có sự chuẩn bị cho những biến cố (thiên tai, dịch bệnh...) và sẽ dần tạo ra sự thay đổi trong nhận thức của phụ huynh. Cớ sao cứ phải nghỉ hè mà không phải là nghỉ đông hay nghỉ xuân?
Thiều Quang Thịnh 
(giáo viên Trường THPT Long Thới, H.Nhà Bè, TP.HCM)
Bích Thanh (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.