Thanh Hóa hiện có trên 1 triệu thanh niên, chiếm gần 30% dân số và gần 50% lực lượng lao động toàn tỉnh. Tuy vậy, theo số liệu khảo sát về thực trạng nghề nghiệp, việc làm hằng năm, toàn tỉnh Thanh Hóa vẫn có gần 35.000 thanh niên chưa có việc làm ổn định. Thống kê của Hội LHTN VN tỉnh Thanh Hóa cũng cho thấy toàn tỉnh hiện chỉ có 1.500 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, 25 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên. Đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là lực lượng thanh niên dồi dào của tỉnh.
Xuất phát từ thực tế về nhu cầu việc làm của thanh niên, Hội LHTN VN tỉnh Thanh Hóa xác định việc phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác Hội và phong trào thanh thiếu nhi. Trong nhiệm kỳ vừa qua (2014 - 2019), Hội LHTN VN tỉnh Thanh Hóa đã tích cực đề xuất với T.Ư Hội LHTN VN, Ngân hàng Chính sách xã hội tăng cường nguồn vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế. Đến nay, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội do các tổ chức Đoàn, Hội đứng ra quản lý đạt 964 tỉ đồng cho trên 27.000 hộ thanh niên vay vốn... Thông qua nguồn vốn vay ưu đãi, hầu hết các hộ thanh niên đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.
Anh Lê Văn Châu, Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN VN tỉnh Thanh Hóa, cho biết từ năm 2017 đến nay Hội đã phối hợp với tổ chức Đoàn đẩy mạnh cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên”. Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho 300.000 thanh niên; tổ chức 346 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 86.500 thanh niên. Từ những cuộc thi, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đã được triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều thanh niên trở thành những ông chủ trẻ.
Giành giải nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp trong thanh niên tỉnh Thanh Hóa lần thứ 3 - 2018” với ý tưởng “Mô hình sản xuất than tre hoạt tính”, anh Lê Đức Bình, xã Tân Phúc (H.Lang Chánh, Thanh Hóa) hiện thực hóa được ý tưởng và đang triển khai có hiệu quả mô hình của mình. Sau khi giành giải của cuộc thi, Bình đã quyết định thành lập Công ty TNHH Vietnam Charcoal. Công ty sau khi đi vào hoạt động không những giúp Bình làm giàu mà còn góp phần xử lý được các phế phẩm của các nhà máy chế biến sản phẩm thô từ tre luồng trên địa bàn. Công Ty TNHH Vietnam Charcoal hiện đã đầu tư 2 lò hoạt hóa than tre hoạt tính theo công nghệ Nhật Bản với số vốn đầu tư ban đầu là 400 triệu đồng, tại thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc.
Anh Bình cho biết khi đi vào sản xuất ổn định, mỗi năm 2 lò hoạt hóa than tre hoạt tính sẽ tiêu thụ hơn 240 tấn chất thải rắn là mắt đốt tre luồng phế phẩm, tạo ra hơn 72 tấn than hoạt tính, đem về doanh thu hơn 1.008 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế dự tính hơn 300 triệu đồng. “Hiện công ty đã xuất khẩu mặt hàng than tre mảnh sang thị trường Nhật Bản để phục vụ trong ngành xây dựng. Đối với thị trường trong nước, công ty đang sản xuất và xuất bán cho một số khách hàng có công nghệ cao để tinh chế than tre chất lượng cao. Bên cạnh đó, hiện công ty còn làm một số sản phẩm chuyên khử mùi, lọc khí trong môi trường để bán lẻ trong nước”, anh Bình nói.
Với việc đẩy mạnh thực hiện các phong trào “Thanh niên khởi nghiệp”, Hội LHTN VN tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định vai trò, vị trí của mình trong đời sống thanh niên, tạo điều kiện thuận lợi cho họ vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thiết thực phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Bình luận (0)