Ngày 27.9 tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (Q.1, TP.HCM) diễn ra chương trình Tân sinh viên - Sẵn sàng hành trang mới, trang bị cho tân sinh viên những kiến thức về quản lý tài chính, tránh xa những hiểm họa của tín dụng đen…
Để không 'chết chìm' trong nợ
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Trưởng phòng marketing, Công ty tài chính HomeCredit, cho biết trong cách quản lý tài chính thông minh, bước đầu tiên mỗi sinh viên cần lên kế hoạch về những khoản thu và chi của mình trong tháng. Tiếp sau đó, là chi tiêu thông minh. Trong danh sách các khoản chi, các bạn phải để ra các khoản dự phòng cho các việc như xe hư, điện thoại hư, đau ốm. Các bạn có thể tăng thu nhập cho mình bằng việc làm thêm theo giờ hoặc dựa vào năng khiếu bản thân để kiếm tiền (làm đồ thủ công, sửa quần áo…) nhưng chú ý không tham việc làm thêm mà ảnh hưởng đến việc học. Vì việc làm thêm có thể giúp bạn kiếm tiền tức thời, thậm chí kiếm được khá nhiều tiền, nhưng việc học mới giúp bạn có được công việc tốt hơn và sự thăng tiến sau này...
|
Theo chị Trang, trong chi tiêu thông minh, các tân sinh viên nên ghi nhớ “quy tắc 24 giờ”. Tức là khi muốn mua một sản phẩm, dịch vụ gì đó ngoài kế hoạch, chưa mua ngay mà chờ thêm 24 giờ đồng hồ để xem mình có thực sự cần, thực sự thích sản phẩm ấy hay không. Đồng thời, nên ghi nhớ, chi tiêu như một cách đầu tư cho tương lai, mua những món đồ giúp mình học tập tốt hơn, và tăng cơ hội khi tìm kiếm việc làm như laptop, xe máy.
Theo chị Trang, người trẻ hiện nay có nhiều cách để mua sắm tiện ích hơn, thông qua mua sắm trả góp, các khoản vay từ người thân, bạn bè, ngân hàng, công ty tài chính, thậm chí tín dụng đen. Tuy nhiên, chị Trang chỉ ra, tín dụng đen với rất nhiều rủi ro, có thể giải quyết cho bạn vay tiền 24 giờ trong ngày, cả 2 ngày cuối tuần, không cần thế chấp, chỉ cần chứng minh nhân dân, sim điện thoại hoặc sổ hộ khẩu nhưng lãi suất lên đến hơn 100%. Tân sinh viên có thể bị siết nợ trên tài sản đang có; bị quấy rối khủng bố tinh thần trong công việc, cuộc sống; bị đe dọa tính mạng của bản thân và người thân trong gia đình…
Để không “đổ nợ”, đánh mất tuổi trẻ, cuộc đời của mình trong những món nợ không có khả năng chi trả, chị Trang cho những bạn trẻ lời khuyên, hãy biết “chọn mặt mượn tiền”. “Hãy hỏi kỹ nhân viên tư vấn trước khi ký hợp đồng, lãi suất là bao nhiêu, số tiền trả góp hàng tháng là bao nhiêu, ngày trả góp là ngày nào, ngoài lãi suất còn phải trả thêm các khoản nào không; trường hợp tôi không có khả năng trả nợ thì sao, trách nhiệm của tôi với công ty là gì…. Ví dụ, tổng thu nhập của bạn 4 triệu mỗi tháng, chi phí mỗi tháng 3,2 triệu, thu nhập khả dụng của bạn là 800.000 đồng, thì bạn cần dự phòng 30% số đó, tức là 240.000 đồng. Nếu bạn quyết định vay tiền, hãy chắc chắn rằng khoản thanh toán hàng tháng của bạn không vượt quá: 560.000 đồng”, chị Trang tư vấn.
Sẵn sàng kết nối với thế giới bên ngoài
Chia sẻ với đông đảo sinh viên Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng hôm nay, ông Trần Hải Nguyên, giảng viên kỹ năng mềm cho biết với mỗi tân sinh viên, quản lý tài chính là điều đầu tiên mỗi bạn cần nghĩ tới, bởi an cư mới lạc nghiệp, ổn định để bắt đầu mọi thứ.
Bên cạnh đó, để tốt nghiệp, có công việc như mong đợi khi ra trường, mỗi sinh viên cần học cách quản lý thời gian thông minh, rèn luyện khả năng thích nghi, sẵn sàng hòa nhập kết nối với mọi người bên ngoài, luyện tập nâng cao sức khỏe, giữ tư duy tích cực, đừng quá sống lệ thuộc vào điện thoại và thế giới ảo…
Anh Tống Thành Hậu, Phó bí thư đoàn Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết những lời khuyên của các chuyên gia trong chương trình rất hữu ích với mỗi tân sinh viên để các em sớm làm quen với cuộc sống tự lập, tự xây dựng, quyết định cuộc đời mình.
|
Chuỗi chương trình “Tân sinh viên - Sẵn sàng hành trang mới” được tổ chức tại 5 trường trong tháng 9: Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Tài chính - Marketing; Trường ĐH Sài Gòn; Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng; Trường ĐH Mở TP.HCM. Bên cạnh lời khuyên về quản lý tài chính, tỉnh táo trước tín dụng đen, chương trình đồng thời cũng mang tới những lời khuyên của các giáo viên kỹ năng sống về cách thức hòa nhập với cuộc sống tự lập ở thành phố lớn cho các sinh viên xa nhà...
Bình luận (0)