Mới đây, Quốc hội đã thông qua bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó có quy định về tăng tuổi nghỉ hưu: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ”.
'Chắc không giữ cháu cho con được rồi'
Ngày 20.11, khi vừa thông qua bộ luật Lao động sửa đổi này, Nguyễn Thị Hoàng Lan (cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ tin học TP.HCM) đã đăng trạng thái lên trang cá nhân. Lan hài hước viết: “Sau này chắc không giữ cháu cho con được rồi. Vì mẹ bận đi làm con nhé”.
“Giờ còn trông chờ vào cha mẹ giữ con cháu giúp, chứ sau này tăng tuổi nghỉ hưu thì khi về hưu tuổi đã già yếu, mà cháu cũng lớn rồi thì còn giữ gì nữa. Ngày xưa mình hay nói là cả thanh xuân cống hiến cho sự nghiệp, sau này chắc đổi lại là cả tuổi già cũng cống hiến cho sự nghiệp (cười)”, Lan hài hước chia sẻ thêm.
“Sao bạn nghĩ xa đến vậy à?, người viết hỏi thì Lan trả lời: “Vì giờ mình có mẹ chồng giữ cháu giúp thấy cũng đỡ, nên khi nghe đến việc tăng tuổi nghỉ hưu thì như mẹ chồng mình bây giờ vẫn đang còn đi làm thì làm sao mà giữ cháu được”.
|
Võ Hoài Nguyên, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng không kém phần hài hước đặt vấn đề: “Thời buổi này ô nhiễm rồi độc hại đủ đường, không biết có sống được đến chừng đó tuổi để cống hiến không nữa".
Chị Nguyễn Thu Trang, giảng viên Trường ĐH Luật Hà Nội, cũng hài hước kể: “Năm nay trường mình kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, nên mình xung phong đi làm kỷ yếu. Mà áp lực lắm, nhất là ý kiến của các thầy cô về hưu. Vì thầy cô về hưu thường xem khi kỷ yếu đã hoàn thành, đến lúc đó nếu có ý kiến thì tụi mình phải giải thích, trở tay không kịp. Giờ tăng tuổi về hưu, mình trêu thầy trưởng khoa là bao giờ làm kỷ yếu 70 năm em vẫn chưa về hưu đâu, em sẽ bon chen vào ban chỉ đạo làm kỷ yếu, các thầy cô mà không nịnh em thì em chọn toàn ảnh không đỡ được của các thầy cô vào làm kỷ yếu hết đấy ạ”.
'Chồng nấu cơm và lau nhà cho mình đi làm'
Nghĩ về những kế hoạch cuộc đời đã dự định trước đó, chị Thu Trang nói thêm: “Vợ chồng mình cách nhau 5 tuổi, nếu theo như cũ thì tụi mình sẽ về hưu cùng lúc với nhau và cũng đã có những dự định. Nhưng giờ theo luật sửa đổi thì mình sẽ nghỉ hưu muộn hơn, nên đến lúc đó chồng sẽ ở nhà nấu cơm và lau nhà cho mình đi làm (cười). Mà chưa nói ở cơ quan mình còn kéo dài thời gian làm việc với học vị từ tiến sĩ trở lên, nên chắc 65 tuổi mình mới nghỉ hưu”.
Còn Hoàng Lan thì dự định: “Kiểu này nếu được quay lại chắc mình sẽ đi chơi cho thỏa thích rồi qua 30 tuổi mới xin đi làm. Chứ làm xong là đi lụm cụm rồi đi chơi đâu được nữa”.
Phan Thị Thu, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học Huế, cũng không ngần ngại chia sẻ: “Do đặc thù công việc, nên mình nghĩ hiện tại, đang còn sức khỏe, động lực và tuổi trẻ thì sẽ làm hết mình với công việc. Công việc mình đang làm là một viên chức nhà nước, mặc dù trong mắt mọi người là mang tính ổn định lâu dài, có thể nói là làm một mạch đến nghỉ hưu. Nhưng trước thông tin phải đến 60 tuổi mới nghỉ hưu thì làm mình phải thay đổi kế hoạch dự kiến”.
|
Theo Thu đặc thù là nghề quay phim cần sức khỏe, nam giới làm đến 60 vẫn còn tốt, nhưng nếu nữ giới làm đến 60 tuổi thì rất là khó coi, đó là chưa bàn về vấn đề sức khỏe.
“Nếu vẫn được 55 tuổi nghỉ hưu thì mình nghĩ, mình còn có tinh thần phấn chấn làm quay phim đến ngưỡng 45 thì chuyển nghề nhưng nếu như đến 60 tuổi nghỉ hưu thì mình nghĩ có thể sẽ chuyển nghề sớm hơn dự định”, Thu nói.
Anh Nguyễn Tấn Đạt (nghệ nhân vẽ tranh cá 3D tại TP.HCM) thì cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu hiện nay cũng là một việc đáng làm vì sức khỏe, tuổi thọ người Việt đã tăng, còn có thể sử dụng sức lao động, kinh nghiệm phục vụ cho xã hội...
Bình luận (0)