Trò chuyện với Tuấn Jeon ‘người giỏi tiếng Việt nhất Hàn Quốc’

Thúy Hằng
Thúy Hằng
25/10/2019 18:07 GMT+7

Sáu năm trước, Tuấn Jeon từng có một bức tâm thư mong muốn trở thành 'người giỏi tiếng Việt nhất Hàn Quốc'. Ngày hôm nay, nếu không được giới thiệu trước, chúng tôi đã nghĩ Tuấn Jeon đích thị là một chàng trai Việt Nam.

Từ một cậu học sinh học lớp tiếng Việt Trường THPT ngoại ngữ tỉnh Chungnam, Hàn Quốc, Tuấn Jeon đã không ngừng học hỏi, kết nối, tự tạo cơ hội cho chính mình. Hiện anh đang sống tại Hà Nội, cộng tác tại ban đối ngoại Đài tiếng nói Việt Nam (VOV5). Nhân dịp Tuấn Jeon vào làm việc tại TP.HCM, chúng tôi có cuộc trò chuyện thú vị. Toàn bộ cuộc đối thoại bằng tiếng Việt.

"Tiếng Việt là định mệnh của tôi"

Đây là lần thứ bao nhiêu bạn tới Việt Nam?
Lần thứ 18. Lần đầu tiên năm 2011, tôi cùng các bạn ở trường THPT đi trao đổi văn hóa với các bạn tại Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam. Ngày đó tôi biết tiếng Việt chỉ một chút thôi nhưng tôi thấy Hà Nội có những điều rất đặc biệt, thú vị. Trở về Hàn Quốc, tôi quyết tâm phải học thật giỏi tiếng Việt, tôi chăm chỉ hơn, học mọi lúc mọi nơi.
Năm 2012, tôi cùng với đoàn thanh niên tình nguyện của tỉnh Chungnam có chuyến đi tình nguyện tại tỉnh Long An, lần đầu tiên được nói chuyện với các bạn có giọng miền Nam, dù lúc đầu hơi khó khăn nhưng về sau tôi đã làm quen và có một chuyến đi rất ý nghĩa. Nhiều lần sau, tôi và gia đình đến Việt Nam du lịch. Và lần thứ 18 là tháng 2.2019, tôi trở lại Việt Nam, ở đây cho đến bây giờ.

"Tôi yêu Việt Nam và muốn sống thật lâu ở nơi này", Tuấn Jeon nói

Thúy Hằng

Tuấn đã có tầm nhìn xa khi thấy tiềm năng của tiếng Việt nên chọn ngành này để học từ rất sớm?
Tiếng Việt là định mệnh của tôi. Khi thi vào Trường THPT ngoại ngữ tỉnh Chungnam, tôi không đủ điểm ngành tiếng Anh nên đã học tiếng Việt. Càng học tôi càng yêu tiếng Việt hơn.
Trên Facebook của Tuấn tất cả viết bằng tiếng Việt…
Tất cả bạn bè trên Facebook của tôi là người Việt Nam, tôi cùng nói chuyện với mọi người bằng tiếng Việt. Những tiếng lóng, chơi chữ của bạn trẻ Việt Nam tôi cũng hiểu hết đấy (cười).

Tuấn đã đến Việt Nam 18 lần

Thúy Hằng

Bạn đã xin việc tại ban đối ngoại, Đài tiếng nói Việt Nam (VOV5) như thế nào?
Khi học xong năm thứ 3 Đại học Sogang, tôi đã xin bảo lưu kết quả, tôi muốn có một năm trải nghiệm ở Việt Nam, cùng sống, cùng làm việc trong môi trường báo chí ở Việt Nam. Tôi đã gửi thư cho rất nhiều cơ quan báo chí, kèm CV, những video clip sản phẩm tôi từng làm tại Hàn Quốc và ngay sau đó nhận được hồi đáp của các anh chị ở VOV5. Mọi người đã đồng ý nói rất bất ngờ khi thấy một người Hàn Quốc gửi thư xin làm việc như vậy. Trước khi sang đây tôi rất sợ là tiếng Việt mình chưa thông thạo, nhưng tới đây tôi cảm giác mọi người như một gia đình luôn hỗ trợ, giúp đỡ tôi.
Anh Nguyễn Thanh Tuấn, phóng viên Phòng Đông Bắc Á, Ban đối ngoại Đài tiếng nói Việt Nam (VOV5),nhận xét: “Tuấn là một bạn trẻ can đảm, bản lĩnh, tự chinh phục những mục tiêu của mình. Khi làm việc tại VOV5, Tuấn rất sáng tạo, khi làm chương trình Lá thư âm nhạc cùng Tuấn, bạn luôn nghĩ ra các chủ đề giản dị, gần gũi với nhịp sống đời thường, chuyện kẹt xe, những quán cóc vỉa hè cũng có thể trở thành những chủ đề âm nhạc thú vị…”.
Công việc của bạn hiện nay là gì?
Một số sự kiện liên quan Hàn Quốc tôi dự và đưa tin. Tôi dịch tin từ tiếng Việt sang tiếng Hàn, đồng thời phụ trách chương trình Lá thư âm nhạc cùng anh Nguyễn Thanh Tuấn vào mỗi tối chủ nhật hàng tuần. Các bạn muốn nghe giọng nói của Tuấn, hãy mở radio tần số 105.5 mhz từ 18 đến 19 giờ tối mỗi ngày nhé (cười). Không chỉ bó buộc trong không gian phòng thu, tôi thích khám phá trải nghiệm cuộc sống người thật, việc thật ở Hà Nội, cùng nói chuyện với mọi người, để có thể làm nhiều chương trình hay, giới thiệu cho nhiều người Hàn Quốc hơn về nhịp sống đời thường ở đây.

Tuấn  Jeon am hiểu văn hóa Việt Nam

Thúy Hằng

"Tôi thích Hoàng Thùy Linh, Sơn Tùng M-TP"

Tuấn có thích viết sách?
Tôi sẽ viết đó, một cuốn sách bằng tiếng Việt, cuộc sống Hà Nội của một chàng trai Hà Nội.
Bạn nghĩ gì về Hà Nội?
Hà Nội rất yên bình, yên ả, nhịp sống thong thả, không quá nhanh cũng không quá chậm. Người Hà Nội lạnh lùng, hơi khó tính, ví dụ tôi hỏi gì chỉ trả lời rất ngắn. Đặc biệt người Hà Nội rất yêu thành phố của mình. Đầu tiên tôi nghĩ là mình sẽ ở TP.HCM bởi tôi thích nhịp sống nhanh, hối hả nhưng rồi định mệnh gắn tôi với Hà Nội và tôi đã yêu nơi này.
Ẩm thực Hà Nội thì sao?
Thời gian mới sang tôi ăn nhiều phở, bún chả quá, ngày nào cũng ăn hai món đó. Tôi cũng thích bún đậu mắm tôm, hay ăn ở gần cơ quan trên đường Bà Triệu.

"Tôi ấn tượng với xe máy ở Việt Nam"

Thúy Hằng

Bạn có muốn ở Việt Nam lâu dài?
Tháng 2.2020 tôi sẽ trở về Hàn Quốc và học tiếp một năm để nhận bằng tốt nghiệp ĐH. Chắc chắn tôi sẽ trở lại Việt Nam
Bố mẹ bạn có yêu Việt Nam không?
Đầu tiên bố mẹ không ủng hộ lắm việc tôi học tiếng Việt, nhưng về sau, chính họ đã được lan tỏa tình yêu Việt Nam từ tôi.
Sáu năm trước, Tuấn từng viết trong tâm thư, mục tiêu trở thành người giỏi tiếng Việt nhất Hàn Quốc, bây giờ thì điều đó thành hiện thực chưa?
Bây giờ thì rất nhiều người Hàn Quốc đã biết tiếng Việt. Tôi không thể tự đánh giá mình có là người giỏi nhất hay không nhưng tôi là một người am hiểu văn hóa, vấn đề xã hội của Việt Nam và rất yêu nơi này.

Tuấn thích đồ ăn Việt Nam, yêu âm nhạc Việt Nam

Thúy Hằng

 
 Điều ấn tượng ở Việt Nam: Cách xưng hô và xe máy
Khi hỏi Tuấn Jeon  ấn tượng những gì nhất về Việt Nam, Tuấn cho biết: "Chắc là cách xưng hô và xe máy. Ở Hàn Quốc xưng hô không phức tạp như ở đây, các ngôi thứ rất nhiều như anh, chị, cô, dì, chú, bác. Tôi rất bối rối khi lúc thì bạn bè gọi nhau là mày-tao, khi là cậu-tớ, tôi hay quen xưng là em, nên có khi lại chào là “em chào bác”.
Rồi xe máy, ở Việt Nam rất nhiều xe máy, nó kéo theo những điều đặc biệt khác. Tôi luôn thắc mắc sao mà ở Việt Nam người ta dùng nhiều túi ni lông như vậy, mua ly cà phê cũng phải có túi ni lông kèm theo, sau tôi ngẫm ra là vì họ không cầm tay và đi bộ mà phải treo vào xe máy. Rồi ở Việt Nam thì phí giao hàng, giao đồ ăn rẻ hơn nhiều so với ở Hàn Quốc, nên người ta ngồi gọi đồ ăn và chờ giao tới, kèm theo rất nhiều túi ni lông.
Nhiều bạn trẻ Việt Nam rất thích K-Pop, phim Hàn Quốc... còn bạn thì sao?
Tôi lại không quan tâm lắm tới K-Pop. Tôi rất yêu nhạc Việt. Tôi còn nhớ mãi ca khúc Hồ Gươm sáng sớm, lúc đó mình mới học tiếng Việt. Tôi thích ca sĩ Bích Phương, Hoàng Thùy Linh, Vũ Cát Tường, Trung Quân Idol, Sơn Tùng M-TP. Tôi thuộc nhiều ca khúc của Sơn Tùng M-TP như là Chúng ta không thuộc về nhau, Hãy trao cho anh. Sắp tới tôi cũng sẽ tự làm một MV trong đó mình mặc trang phục dân tộc, nhảy và hát Để Mị nói cho mà nghe.
 
Tại sao lấy tên tiếng Việt là Tuấn? 
Tuấn Jeon tên thật là Jeon Hyong Jun, sinh năm 1995, tại Seoul, Hàn Quốc, cựu học sinh Trường THPT Ngoại ngữ tỉnh Chungnam, sinh viên ngành báo chí Trường ĐH Sogang.

Tuấn Jeon cho biết lý do chọn tên tiếng Việt là Tuấn: "Chữ Tuấn theo phiên âm Hán Việt là Jun. Nên tôi có thêm một cái tên là Tuấn Jeon, bạn bè thường gọi tôi là Tuấn".

Là một bạn trẻ yêu Việt Nam và luôn mong muốn là cầu nối văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, Tuấn Jeon từng nhiều lần tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa như năm 2015 cùng sinh viên khoa tiếng Hàn trường ĐH Khoa học Huế tổ chức chương trình vận động các bạn cùng yêu ngôn ngữ của mình. Năm 2016 cùng 60 bạn trẻ Việt Nam 3 miền Bắc Trung Nam cùng giao lưu giới thiệu ẩm thực các tỉnh thành… Tuấn đang là chủ nhân kênh YouTube giới thiệu văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc mang tên Xin chào Kim chi với hơn 10.000 người theo dõi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.