Goo Hara qua đời: Trầm cảm vì mạng xã hội?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
25/11/2019 19:03 GMT+7

Có thể nói rằng, cái chết của nữ ca sĩ Sulli vào hôm 14.10 và gần đây nhất là nữ ca sĩ Goo Hara (Hàn Quốc) vào ngày 24.11 - nguyên nhân ban đầu được cho là cô bị trầm cảm do một phần tác động từ những bình luận của cộng đồng mạng - là minh chứng cụ thể về mặt trái của mạng xã hội .

Xúc phạm, chê bai người khác trên mạng xã hội là vấn đề không còn xa lạ trong thời 4.0. Và hậu quả của nó khiến nạn nhân dễ bị căng thẳng, trầm cảm và có thể dẫn đến cái chết thương tâm. 

Lập Facebook để xúc phạm người khác

Là một người thích nghe nhạc Hàn Quốc, thường xuyên cập nhật tình hình giải trí của xứ sở Kim Chi, chị H.Y, 23 tuổi, tốt nghiệp ngành báo chí Trường CĐ Phát thanh - Truyền hình II TP.HCM, kể rằng việc lập trang Facebook để Anti (chống phá, chê bai) các ca sĩ, nhóm nhạc hiện nay không hiếm. Thường họ bắt đầu từ việc soi mói đời tư, tạo ra làn sóng tẩy chay hoặc gắn ghép ảnh hình ảnh con vật vào ảnh người nổi tiếng.  
“Những người này hay sử dụng chứng minh thư hay số điện thoại 'ảo' cho nên việc xác minh, tìm ra họ rất khó”, chị H.Y chia sẻ.
Chị H.Y cũng cho hay trường hợp của nữ ca sĩ Sulli (Hàn Quốc) treo cổ tự tử cũng một phần do cộng đồng Anti gây ra. “Nữ ca sĩ phải chịu những lời lẽ rất nặng nề của những người không thích mình như bị nói là một kẻ bệnh hoạn, thác loạn trên mạng xã hội”, chị H.Y bức xúc nói.
Và gần đây, ngày 5.11, một nam sinh tên Q, học tại Trường THCS Ngô Quyền (quận Tân Bình, TP.HCM) phải đứng trước trường đọc bảng kiểm điểm vì đã lập Facebook xúc phạm nhóm nhạc BTS đến từ Hàn Quốc. 
Cũng là người đam mê theo dõi “giới nghệ sĩ”, chị Nguyễn Thị Quỳnh Như, 24 tuổi, ngụ P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM, cho biết ở Việt Nam hiện nay việc lập hội để tẩy chay hay bôi nhọ những người nổi tiếng đã trở thành “văn hóa” riêng biệt của fan (người hâm mộ) rồi. Mục đích cuối cùng của những nhóm này thường là vì không thích một ai đó thôi”, chị Quỳnh Như chia sẻ.

Cần sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường

Nguyễn Thị Yến Thanh, học lớp 10, Trường THPT Nguyễn Khuyến, Q.10, TP.HCM kể lại mình có một cô bạn chơi chung với một nhóm bạn nhưng chỉ vì sai sót nhỏ, nhóm bạn đó đã đem bạn ấy ra đùa cợt và lên Facebook kể xấu với những lời lẽ không hay. Khi bạn ấy đọc được thì cảm thấy rất sốc, từ đó bạn ấy không nói chuyện với ai và sống khép kín.
“Khi chúng ta nói xấu và bôi nhọ người khác trên mạng xã hội đặc biệt là đối với những người có tâm lý yếu thì họ dễ suy nghĩ theo chiều hướng tiêu cực và luôn tự ti, mặc cảm với bản thân mình. Nếu muốn góp ý người khác thì chúng ta nên sử dụng những từ ngữ chọn lọc thay vì những lời lẽ tiêu cực”, Yến Thanh cho biết.
Chuyên gia tâm lý Lê Khanh, công tác tại Công ty giáo dục KidsTime TP.HCM, cho biết tình trạng trầm cảm vì bị xúc phạm trên mạng xã hội ở các nước Hàn Quốc hay Việt Nam nhìn tổng thể chung là do kỹ năng sống của thanh thiếu niên bây giờ còn yếu, khả năng tự tin vào bản thân kém, bởi vì các bạn bị áp lực quá nhiều từ giáo dục, gia đình.
“Chính bản thân bố mẹ phải nhận thấy được giá trị của đứa trẻ, phải có sự tôn trọng, phải có sự lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm với con của mình. Những điều đó ít nhất nâng đỡ được đứa trẻ nếu đi ra ngoài bị áp lực, còn khi về nhà cũng có bố mẹ thông cảm và hỗ trợ thì các em mới giải tỏa một phần nào đó sự căng thẳng. Chúng ta cần phải chú trọng công tác tư vấn tâm lý học đường, vì thời gian đi học của đứa trẻ ở nhà trường, tiếp xúc với bạn bè đôi khi nhiều hơn cả gia đình. Nếu không có hệ thống tư vấn đó thì đứa trẻ biết bám vào đâu khi gặp sự cố ngoài gia đình”, chuyên gia tâm lý Lê Khanh nhận định. 
Bà Bùi Thị Diễn Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết nhà trường cần phải chủ động giáo dục cũng như hướng dẫn các em sử dụng mạng xã hội an toàn. Nhà trường phải kết nối với các em để biết được những thông tin mà các em đó đưa lên mạng xã hội như thế nào để chấn chỉnh kịp thời với hành vi không đúng. Bên cạnh đó, phụ huynh cần phải quan tâm và biết được các em sử dụng mạng xã hội ra sao vì thông tin trên mạng xã hội luôn luôn có hai mặt.
“Hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội hiệu quả cần phải lâu dài, chứ nói một ngày một bữa cũng không có tác dụng. Mình giáo dục từ từ, rồi cụ thể, phân tích cho các em thấy cái lợi và cái hại của mạng xã hội như thế nào. Bản thân giáo viên và phụ huynh cũng cần phải làm gương cho học sinh, con em mình trong khi chính mình cũng sử dụng mạng xã hội, cho nên hãy đăng tải những thông tin có ích, tốt đẹp, những gương tốt việc tốt để cho các em học và noi theo...”, bà Diễm Thu cho biết.
Phạt cải tạo đến 3 năm
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết tại điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định tội làm nhục người khác như sau: Người xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Bên cạnh đó, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ còn cho biết tại điểm C khoản 2 Điều 19 Nghị định 158/2013/NĐ-CP được bổ sung bởi Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi: Sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm mục đích xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng: Xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, lãnh tụ, danh nhân văn hóa; Vu khống xâm hại uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.