“Tôi nghĩ rằng nhu cầu cao nhất là bảo vệ an ninh quốc gia và xem liệu Tổng thống Trump có gây tổn hại an ninh trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo thế giới, đặc biệt là với Tổng thống Nga Vladimir Putin”, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Adam Schiff nói trên Đài NBC hôm qua.
Nghi ngờ cố tình che giấu
Hôm 24.9, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi khởi động cuộc điều tra nghi án Tổng thống Trump gây tổn hại an ninh quốc gia khi đóng băng khoản viện trợ quân sự 400 triệu USD đã được quốc hội thông qua, để thúc ép Ukraine điều tra cựu Phó tổng thống Joe Biden và con trai. Chủ nhân Nhà Trắng bị cáo buộc là lạm dụng quyền lực để buộc lãnh đạo nước ngoài tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 khi điều tra ứng cử viên Biden của đảng Dân chủ.
Theo đơn tố giác của một quan chức tình báo Mỹ, Tổng thống Trump trong cuộc gọi ngày 25.7 đã gợi ý với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về việc điều tra ông Biden và cho biết luật sư riêng Rudy Giuliani cùng Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr sẽ hỗ trợ. Cũng theo người tố giác, đội luật sư Nhà Trắng hiểu mức độ nghiêm trọng của vụ việc nên đã che đậy bằng cách đưa hồ sơ cuộc gọi vào hệ thống lưu trữ thông tin mật và đặc biệt nhạy cảm. Theo CNN, Nhà Trắng cũng đưa cuộc gọi giữa Tổng thống Trump với Tổng thống Putin, thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman vào hệ thống lưu trữ tương tự nhằm tránh bị rò rỉ.
“Chúng tôi sẽ tìm hiểu có phải các cuộc trao đổi với ông Putin hay với các lãnh đạo thế giới khác đã được lưu trữ trong cùng kho hồ sơ lưu trữ điện tử này, và liệu đã có hành động nhằm che đậy việc đó lại”, hạ nghị sĩ Schiff tuyên bố. Trước đó, các ủy ban Hạ viện phụ trách điều tra luận tội Tổng thống Trump ra hạn chót ngày 4.10 cho Ngoại trưởng Mike Pompeo phải cung cấp hồ sơ về cuộc gọi ngày 25.7 nếu không muốn bị quy kết cản trở điều tra.
Người tố giác sắp điều trần
Hiện chưa rõ lý do khiến Nhà Trắng phải đưa các cuộc gọi với lãnh đạo Nga hay Ả Rập Xê Út vào hệ thống mật. Cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump, bà Kellyanne Conway mới đây nói quy trình xử lý thông tin về các cuộc trao đổi của nhà lãnh đạo đã được thay đổi từ đầu nhiệm kỳ sau một số vụ rò rỉ.
Tờ The Washington Post cuối tuần rồi loan tin Nhà Trắng quyết định hạn chế tiếp cận với những tài liệu này sau vụ rò rỉ phát ngôn gây tranh cãi của Tổng thống Trump trong cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Đại sứ Nga Sergei Kislyak hồi năm 2017. Theo đó, Tổng thống Trump đã tiết lộ thông tin mật về chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời nói không lo ngại về việc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer sau đó nói nếu thông tin này chính xác thì cực kỳ nguy hại cho an ninh quốc gia và sự toàn vẹn của các cuộc bầu cử.
Về phần cuộc điều tra luận tội, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cho hay đã đạt thỏa thuận để người tố giác ra điều trần trong thời gian sắp tới. Đài CBS loan tin người này hiện đang được chính quyền liên bang bảo vệ sau khi xuất hiện nhiều lời đe dọa. Trong khi đó, AFP đưa tin giới nghị sĩ đảng Dân chủ ước tính hoàn thành bộ hồ sơ luận tội trong vòng một tháng để đưa ra Hạ viện bỏ phiếu.
Tổng thống Trump hôm qua nói muốn gặp người tố giác lẫn những người cung cấp thông tin mà ông khẳng định phần lớn là không chính xác cho người tố giác. “Như mọi người Mỹ, tôi đáng được gặp người tố giác tôi, đặc biệt khi người này trình bày cuộc gọi hoàn hảo của tôi với một lãnh đạo nước ngoài theo cách hoàn toàn không chính xác và giả dối”, Tổng thống Trump viết trên Twitter.
Bình luận (0)