Hãi hùng trò chơi team building gợi dục: Mắc cỡ, hổ thẹn, khó giao tiếp...

Thanh Nam
Thanh Nam
07/08/2022 10:36 GMT+7

Liên quan loạt bài "Hãi hùng những trò chơi team building gợi dục", nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm cần chấn chỉnh hiện tượng đáng lo ngại này.

Trò chơi team building gợi dục

CHỤP MÀN HÌNH

Sai lầm, phản tác dụng

Nói về việc nhiều ý kiến cho rằng văn hóa mỗi công ty mỗi khác, team building (nhất là những trò nhạy cảm) nhằm giúp gắn kết sự liên hệ thân thiết giữa các thành viên trong công ty, không còn khiến họ ngại ngùng... Tiến sĩ Hà Thanh Vân, Viện Văn hóa và phát triển (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam) cho rằng những ý kiến biện minh này chỉ là cách nhìn một chiều đơn giản.

"Tất nhiên sẽ có những thành viên trong công ty, trường học, cơ quan… sau một trò chơi nhạy cảm, sẽ xuất hiện cảm giác thân thiết với nhau hơn, cái hiệu ứng này trong nghiên cứu văn hóa có thuật ngữ gọi là “sự nhạy cảm văn hóa”. Sự nhạy cảm văn hóa rất đa dạng và có nhiều chiều hướng tâm lý khác nhau. Sự nhạy cảm văn hóa này xuất hiện khi nhận thức được bản thân và những người khác thông qua những việc làm, hành động và khi gặp gỡ, tiếp xúc với một nhóm hoặc cá nhân đa dạng. Nhưng nhìn từ chiều hướng khác, cũng là sự nhạy cảm văn hóa sẽ xuất hiện cảm giác mắc cỡ, hổ thẹn, khó giao tiếp với nhau, thậm chí ngại ngùng khi gặp mặt... sau khi cùng tham gia một trò chơi nhạy cảm", bà Vân nói.

Cũng theo bà Vân, các nghiên cứu về văn hóa cho thấy rằng mục đích của trò chơi team building là để hướng đến các mục đích như: Xây dựng một môi trường, bầu không khí vui vẻ để cho mọi người thân thiện với nhau hơn, tạo ra những khoảnh khắc vui chơi đáng nhớ. Thay đổi trạng thái tâm lý của tập thể đang căng thẳng sau thời gian làm việc mệt nhọc. Truyền đi những thông điệp mà công ty muốn gửi đến từng thành viên. Đánh giá tính cách, tâm lý của từng cá nhân và cả nhóm, tạo điều kiện cho các cá nhân để hiện tính cách, tâm lý, từ đó là một cơ sở để vận dụng vào việc phân công công việc cho họ ở công ty. Góp phần xây dựng văn hóa đặc trưng của công ty, cơ quan, trường học...

Trò chơi bắt sâu trên ngực phụ nữ

Chụp màn hình

"Và nếu vậy thì việc dùng những trò chơi team building phản cảm, dung tục để xây dựng bộ mặt văn hóa của công ty, cơ quan, trường học và để đánh giá tính cách, tâm lý của các thành viên sẽ là một việc làm rất sai lầm và bị phản tác dụng. Chính vì thế tôi cho rằng không nên tổ chức những trò chơi team building mang tính phản cảm, thô bỉ. Một khía cạnh khác nữa là vấn đề bản năng của con người. Sẽ có những bản năng xấu trỗi dậy, không kiểm soát được khi tham gia vào những trò chơi team building gợi dục, từ đó dễ dẫn đến những hành vi sai trái. Sự hưng phấn quá mức hay bị kích thích cao độ khi chơi các trò chơi team building phản cảm cũng dễ dẫn đến những hành vi lố bịch, thiếu văn hóa kiểu như cởi phăng áo lót như vụ việc ở bãi biển Cửa Lò", bà Vân chia sẻ thêm.

Đừng vì áp lực đám đông để bản thân phải hối tiếc

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Trường ĐH Văn Lang, team building là một hình thức gắn kết các thành viên trong tổ chức nhưng không nhất thiết phải có nó thì tổ chức mới có mối liên kết với nhau. Đồng thời, khi tổ chức các hoạt động đội nhóm không nhất định phải tổ chức những trò chơi “hết mình, bất chấp mọi thứ” mới có sự ăn ý đồng đội.

"Thực tế vẫn có nhiều hoạt động tích cực khác như cùng nhau thực hiện những dự án ý nghĩa, cùng nhau trải nghiệm những khoảnh khắc tốt đẹp, tổ chức chia sẻ, lắng nghe hay những trò chơi tạo điều kiện để mọi người chia sẻ về bản thân, chia sẻ về tâm tư nguyện vọng vẫn có khả năng gắn kết hiệu quả. Quan trọng nhất vẫn là giữ đúng những chừng mực nhất định trong hành vi, ứng xử. Vui thôi, đừng vui quá thì cho dù hoạt động nào đi nữa vẫn có thể gắn kết tổ chức", bà Lưu phân tích.

Bà Lưu cũng đưa ra lời khuyên để có thể chung tay dẹp bỏ vấn nạn này: "Sau loạt bài của Báo Thanh Niên, tôi nghĩ mỗi người cần tự rút ra những bài học cho chính mình, cẩn trọng hơn khi tham gia những hoạt động nơi công cộng đặc biệt trong thời buổi hiện nay, hành động của bạn vô tình rơi vào ống kính của ai đó qua đường cũng có thể bị cộng đồng chỉ trích. Ngoài ra các cơ quan chức năng có thể xây dựng bộ quy chuẩn rõ ràng hơn về hành vi ứng xử nơi công cộng và tăng cường hơn nữa về công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng".

Cũng theo bà Lưu các công ty du lịch, lữ hành hay tổ chức sự kiện cần rút kinh nghiệm sâu sắc và có những chương trình, kế hoạch tốt hơn tránh tình huống vui quá trớn lại phát sinh những tình huống thiếu kiểm soát. Bản thân những người quản trò cũng luôn phải trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng để có cách xử lý, ứng biến tốt trước những tình huống phát sinh và những hoạt động kiểu này rất cần những người có kinh nghiệm và sáng tạo. Điều này có thể học hỏi được.

"Tôi tin, không ai mong muốn mình “bị nổi tiếng” theo chiều hướng này. Vì vậy, hãy luôn tỉnh táo và giữ chuẩn mực. Hãy học cách từ chối nếu cảm thấy những hành động đó có thể gây phản cảm. Và quan trọng nhất, đừng vì áp lực đám đông để bản thân mình lựa chọn những điều sau đó phải hối tiếc", bà Lưu kỳ vọng.

Vị chuyên gia tâm lý này cũng nhìn nhận những trò team building bẩn bựa tào lao "trời ơi đất hỡi" thường bắt nguồn từ nước ngoài, sau đó du nhập vào VN, bị biến tướng và tràn lan trên mạng xã hội lẫn thực tế. Chính vì thế, những đơn vị du lịch, lữ hành, đơn vị tổ chức team building khi tiếp nhận phải cần sự sàng lọc kỹ lưỡng để không vi phạm thuần phong mỹ tục, cũng như phù hợp với VN.

Bà Lưu nói thêm: "Bản chất của trò chơi team building là giải trí và gắn kết nhưng nếu không khéo léo sẽ dẫn đến phô diễn phản cảm và lố lăng. Khi tổ chức một trò chơi hay hoạt động, yếu tố văn hóa và chuẩn mực là điều cần phải chú ý. Ranh giới giữa hài hước và vô duyên đôi khi rất nhỏ. Ví dụ, ở nước ngoài đôi khi vẫn có những hoạt động “thả rông”, khỏa thân để kêu gọi hoặc tôn vinh một điều ý nghĩa nào đó rất được mọi người hưởng ứng. Riêng với Việt Nam vẫn mang nặng truyền thống và quy chuẩn về việc ăn mặc kín đáo nên những hành vi phản cảm rất dễ bị lên án".

Phản cảm, mang tính chất khiêu dâm, kích dục...

Ở góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết ở các nước phương Tây thì họ đã có những phong trào kêu gọi từ bỏ áo ngực của phụ nữ hoặc mặc hay không mặc thứ nội y này hoàn toàn là quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện ở các nước phương Tây, tại châu Á, vẫn có rất nhiều tranh cãi xung quanh phong trào không áo ngực.

Đối với hành vi “không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội” trước đây có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 73/2010. Tuy nhiên, đến năm 2013, khi Nghị định 167/2013 ra đời thay thế Nghị định 73/2010 đã bỏ chế tài này. Hiện nay, Nghị định 144/2021 thay thế Nghị định 167/2013 cũng không quy định xử phạt đối với hành vi trên. Về nguyên tắc, chỉ khi nào pháp luật quy định và cá nhân, tổ chức vi phạm thì mới có thể bị chế tài xử phạt tương ứng. Với vụ việc xảy ra tại bãi biển Cửa Lò, cũng như các vụ tương tự trước đó thì hành vi ăn mặc phản cảm ở nơi công cộng là không nên. Việc này nếu có sai thì chỉ xem xét ở khía cạnh đạo đức, còn về góc độ pháp luật thì những cá nhân này không vi phạm.

Tuy nhiên, theo luật sư Bình: "Riêng đối với các trò chơi còn lại như loạt bài "Hãi hùng trò chơi team building gợi dục" của Báo Thanh Niên phản ánh mới đây cũng như những trò chơi team building gợi dục mà dư luận từng ta thán "phát ngán" thì thật là phản cảm và mang tính chất khiêu dâm, kích dục. Căn cứ điểm e khoản 5 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình có quy định mức xử phạt đối với hành vi khiêu dâm, kích dục nơi công cộng thì sẽ phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng", luật sư Bình nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.