Hàng loạt sai phạm tại metro Bến Thành - Suối Tiên

Chí Hiếu
Chí Hiếu
26/12/2018 08:32 GMT+7

UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 TP.HCM (metro Bến Thành - Suối Tiên) là chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền.

Sau gần 2 tháng làm việc, Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 TP.HCM (metro Bến Thành - Suối Tiên) với hàng loạt sai phạm, thiếu sót.
[FLYCAM] Dự án tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhìn từ trên cao

Sai thẩm quyền ở nhiều cấp

Cụ thể, đối với công tác tổ chức, triển khai thực hiện dự án (DA) của chủ đầu tư và các bên liên quan được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) xác định còn nhiều tồn tại. Đó là việc chủ đầu tư lập tổng mức đầu tư (TMĐT) điều chỉnh chưa có đủ cơ sở, chưa rõ căn cứ, có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí vốn.
Mặc dù chủ trương điều chỉnh TMĐT được Thủ tướng cho phép và sự đồng thuận của các bộ, nhưng việc thực hiện thẩm định và quyết định điều chỉnh TMĐT sai thẩm quyền. “UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh DA là chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền”, báo cáo kiểm toán nêu rõ.
Theo đó, việc điều chỉnh TMĐT tại Quyết định 4880 năm 2011 lên 47.325 tỉ đồng (tăng hơn 35.000 tỉ đồng) là không đúng với Nghị quyết 49/2010 của Quốc hội, bởi với quy mô vốn như vậy thì DA phải trình Quốc hội xem xét, quyết định. Cùng với đó, chiếu theo luật Xây dựng thì thẩm quyền quyết định DA (quan trọng quốc gia) là thuộc về Thủ tướng.
Hàng loạt sai phạm tại metro Bến Thành  -  Suối Tiên
Việc điều chỉnh thiết kế hạng mục đoạn tuyến đi trên cao metro Bến Thành - Suối Tiên làm tăng giá trị tổng mức đầu tư Ảnh: Độc Lập
Tương tự, việc UBND TP.HCM phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện DA từ hoàn thành năm 2017 sang hoàn thành năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền. Vì theo quy định, với DA quan trọng quốc gia, khi kéo dài thời gian thực hiện từ 1 năm trở lên, thì Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Đáng nói, quyết định phê duyệt điều chỉnh DA được UBND TP.HCM thực hiện khi chưa có báo cáo đánh giá hiệu quả đầu tư và chưa rõ ràng về nguồn vốn.
Đáng chú ý, KTNN cũng nêu đích danh hành vi trái thẩm quyền của Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) Hoàng Như Cương (đã đi nước ngoài khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép). Theo kết luận, ông Cương ký Quyết định 178 năm 2014 phê duyệt điều chỉnh DA là trái thẩm quyền khi làm tăng giá trị TMĐT 16,78 tỉ yen. Hay về quy mô, theo Quyết định 4480 thì nhà ga Bến Thành có 2 tầng với diện tích sàn 12.720 m2 song đã được điều chỉnh lên 4 tầng với diện tích sàn hơn 30.000 m2 tại Quyết định 178.
Việc sai thẩm quyền cũng “dồn toa” lên Sở KH-ĐT TP.HCM. Cụ thể, theo KTNN, sở này thực hiện thẩm định DA để phê duyệt là không đúng thẩm quyền, do lúc này DA đã thuộc tiêu chí công trình quan trọng quốc gia nên vai trò thẩm định thuộc về Hội đồng thẩm định nhà nước. Thế nhưng, nội dung thẩm định của Sở cũng không đảm bảo quy định khi không đánh giá, kiểm tra đầy đủ, hợp lý của các khoản mục chi phí trong TMĐT.

Nguy cơ thất thoát ngân sách

Báo cáo của KTNN trong phần kết luận đã phải dùng đến cụm từ “gây thất thoát, lãng phí” và không ít lần cảnh báo “nguy cơ gây thất thoát, lãng phí”.
KTNN cũng chỉ ra việc điều chỉnh thiết kế nhiều hạng mục không đảm bảo tính kinh tế và hợp lý về mặt kỹ thuật. Điển hình như việc điều chỉnh kiểu dáng dầm từ Super T sang dầm chữ U của đoạn tuyến đi trên cao đã làm tăng giá trị công trình lên 1.420 tỉ đồng. Điều này còn làm cho kích thước nhịp thay đổi, từ 33 m còn 30 m, đã làm phát sinh 54 trụ cầu. Nghiêm trọng ở chỗ, trong quá trình xin điều chỉnh kiểu dáng nói trên, MAUR đã trình nội dung không đầy đủ và không hợp lý về mặt kỹ thuật. “Nội dung văn bản trình chỉ nói về ưu điểm của dầm chữ U mà không báo cáo về chi phí phải tăng thêm của việc thay đổi kết cấu, bỏ qua ý kiến góp ý của Cục Đường sắt”, KTNN dẫn chứng.
Do đó, KTNN kiến nghị các đơn vị liên quan phải xử lý tài chính tổng số tiền lên đến 2.898 tỉ đồng. Trong đó, thu nộp cho ngân sách hơn 18 tỉ, nộp thuế giá trị gia tăng 53,5 tỉ, giảm trừ các khoản thanh toán cho nhà thầu hơn 96,5 tỉ và xử lý khác trên 2.648 tỉ đồng. Trong tổng số tiền phải xử lý tài chính, phần lớn thuộc trách nhiệm MAUR (2.864 tỉ đồng).
KTNN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP.HCM rà soát, báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện DA từ trước đến nay, các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện; tổ chức kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan về những tồn tại, sai sót mà KTNN đã chỉ ra và có hình thức xử lý theo quy định.
Ngày 25.12, trả lời Thanh Niên liên quan đến những “biến động” về nhân sự tại MAUR, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, thừa nhận mâu thuẫn nội bộ tại MAUR là có, nhưng hoạt động của MAUR vẫn diễn ra bình thường. UBND TP vẫn đảm bảo mọi điều kiện để viên chức, người lao động của MAUR an tâm làm việc, và tập thể 170 viên chức, người lao động còn lại cũng đang nỗ lực giải quyết khó khăn, không để ảnh hưởng đến DA. “DA đang tiếp tục được triển khai. UBND TP đã thống nhất với các sở ngành liên quan hoàn thành thủ tục để giải ngân cho nhà thầu”, ông Tuyến thông tin.
Vào khoảng 16 giờ ngày 25.12, ông Đỗ Hồng Thư, Chánh văn phòng MAUR bất ngờ thông báo hoãn kế hoạch họp báo vào sáng hôm nay 26.12; thay vì sẽ họp để cung cấp thông tin về MAUR như thư mời khẩn được MAUR phát đi vào trưa 25.12. Về thời gian tổ chức lại họp báo, ông Thư cho hay sẽ có thông báo sau.
Hà Mai

Nhật Bản muốn nhà thầu sớm được thanh toán công nợ

Tối 25.12, sau khi kết thúc lịch trình thăm VN trong 2 ngày (24 - 25.12), Bộ trưởng Bộ Đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông, du lịch Nhật Bản Keiichi Ishii đã có cuộc gặp với sự hiện diện của 3 cơ quan truyền thông VN và 4 cơ quan truyền thông Nhật Bản.
Theo Bộ trưởng Ishii, trong chuyến đi lần này, ông đã có hội đàm với Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. Vấn đề trọng tâm hai bên trao đổi là xung quanh hợp tác trong lĩnh vực đường sắt, hàng không, cảng, đường bộ và phòng chống thiên tai. “Tôi cũng đã đề cập đến DA đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (đoạn Bến Thành - Suối Tiên) và việc chậm thanh toán cho các nhà thầu Nhật Bản. Chúng tôi mong Chính phủ VN sớm giải quyết vấn đề này”, Bộ trưởng Keiichi Ishii thông báo thêm.
Về việc chậm tiến độ của hàng loạt DA vay ODA của Nhật Bản, như DA đường sắt đô thị số 1, số 2 của Hà Nội, Bộ trưởng Keiichi Ishii nói: Các DA trên chậm tiến độ do các thủ tục trong nước của phía VN bị chậm và bày tỏ “Phía Nhật Bản rất muốn không có sự việc chậm giải ngân (như DA metro Bến Thành - Suối Tiên) lặp lại” ở bất cứ DA nào.
Vũ Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.