Háo hức 'săn mây' trên đỉnh Lảo Thẩn cao gần 3.000m

08/12/2021 13:52 GMT+7

Tranh thủ dịp cuối tuần, những người trẻ tại Hà Nội háo hức lên đường “ săn mây ” trên đỉnh Lảo Thẩn cao gần 3.000m, thuộc địa phận xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai.

Giữa những diễn biến của dịch Covid-19, Lào Cai trở thành một điểm đến khá cởi mở với khách du lịch. Khi đến với Lào Cai, khách du lịch chỉ cần tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng Covid-19, khai báo y tế trên ứng dụng PC-Covid ở cửa ngõ ra vào địa phận.

Bình minh trên đỉnh núi Lảo Thẩn cao 2.860m (xã Y Tý, huyện Bát Xát, Lào Cai)
Linh Hải Dương (SN 1990, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là tour guide (hướng dẫn viên du lịch) của chuyến đi này. Kể từ thời điểm Hà Nội bùng dịch (đầu tháng 5/2021) đến nay, đây là tour đầu tiên của Linh (trái).
Đồng hành cùng Linh trong chuyến hành trình này có 6 bạn trẻ và một người lớn tuổi. Họ đều hiện sinh sống, học tập, làm việc tại Hà Nội. Nghề nghiệp gồm có sinh viên, giáo viên… Đây là lần chinh phục một trong những đỉnh núi cao nhất Việt Nam của tất cả mọi người, chuyến đi kéo dài 2 ngày, 1 đêm.
Với độ cao 2.860m so với mặt nước biển, đỉnh Lảo Thẩn được coi là “Nóc nhà Y Tý”, nằm trong 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. "Đặc sản" của địa điểm này là mùa mây rất đẹp, bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 3, đẹp nhất là trong tháng 10-12. Leo núi trong thời điểm này, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng biển mây vô cùng vô tận, những ngọn núi như những hòn đảo nhỏ bé nhô lên giữa biển khơi.
Cung đường lên núi Lảo Thẩn có độ dài khoảng 16km và không quá khó leo, phù hợp với cả những người trung tuổi có sức khỏe tốt. Tuy vậy, do trên đường không có hàng quán, nhà dân nên ngoài vật dụng cần thiết như (1 áo len, 1 áo nỉ, 1 áo khoác ấm), giày thể thao có độ bám tốt, du khách cần mang theo tối thiểu 1,5 lít nước, đồ ăn nhanh (lương khô, bánh, kẹo). Ngoài ra những vật dụng khác như áo mưa, vật dụng y tế, gậy leo núi, cơm trưa, cơm tối… sẽ do tour guide phụ trách.
Để đảm bảo lịch trình và có thể ngắm cảnh hoàng hôn, bình minh trên biển mây, du khách sẽ phải xuất phát từ Hà Nội vào lúc 20 giờ ngày thứ Sáu, có mặt tại trung tâm hành chính xã Y Tý vào sáng thứ Bảy và khởi hành từ thôn Phìn Hồ (xã Y Tý) vào trưa cùng ngày.
Trong khoảng 2 tiếng leo núi đầu tiên du khách phải vượt qua đoạn đường khá dốc, nhiều khe suối, sình lầy, một số vị trí chênh vênh bên sườn núi. Một số người trong đoàn chưa quen leo núi nên không tránh khỏi cảm giác khó thở, đau nhức. Có những người thậm chí đã muốn bỏ cuộc, nhưng những lời động viên của những người cùng hành trình, “Cố gắng lên!”, “Gần tới nơi rồi!”… như tiếp thêm sức mạnh cho họ.

“Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng/ Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai/ Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió/ Lời hứa ghi trong tim mình/ Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao”… những lời hát trong ca khúc bất hủ của cố nhạc sĩ Trần Lập được phát qua những chiếc loa bluetooth như thúc giục bước chân của từng người.

Bạn Thảo Gấu (SN 1995, người bên trái), một giáo viên dạy Văn cấp Hai tại Hà Nội cho biết, đồng hành cùng Thảo trong chuyến đi này là em gái (người bên phải), hiện là sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội. Trong chuyến hành trình này, em gái của Thảo đã nhiều lần muốn dừng bước, nhiều lần rơi nước mắt vì đau nhức chân. “Nhưng mỗi lần đó, được sự động viên của các thành viên trong đoàn, mình và em gái đều cố gắng vượt qua”, Thảo chia sẻ.

Tác giả chụp ảnh ở phiến đá lớn nhìn xuống thung lũng.

Chặng hành trình sẽ có 3 lán để dừng chân nghỉ qua đêm, lán 1 có tên gọi là A Hồ ở độ cao 2.400m, lán thứ 2 có tên là A Hờ ở độ cao 2.600m, lán thứ 3 ở độ cao 2.650. Lán 1 thì quá xa, lán thứ 3 thì quá nhỏ, lán thứ 2 với diện tích và view đẹp nhất nên thường đường các du khách lựa chọn ngủ qua đêm.

Tại điểm lán này, du khách có thể bắt gặp trọn vẹn khoảnh khắc hoàng hôn xuống, ngắm trời sao vào ban đêm, xích đu có thể giúp bạn chụp được những bức ảnh như đu ở trên mây. Cách lán vài mét có chiếc cây khô đổ xuống, chụp ảnh ở đây, du khách sẽ có những bức ảnh như đang lơ lửng ở trên mây. Đây là một góc chụp khá an toàn, vì đoạn cây gần với mặt đất nhiều cỏ bằng phẳng.

Thời tiết về đêm rất lạnh (xuống đến 5 độ C), trên đây không có điện, du khách phải tự nấu nướng thông qua than củi tự mang, dùng để nướng bò khô, nướng thịt, đun sôi nước uống cà phê. Đây cũng là lúc các đoàn tổ chức văn nghệ, chơi guitar hát hò, hoặc đốt pháo sáng, không khí khá náo nhiệt. Cũng có người nhiều tâm sự, ngồi trên ghế gỗ lặng mình hướng về phía xa, nhâm nhi ly cà phê nóng.

Lưu ý, vì thời điểm này khách rất đông, để có thể có chỗ ngủ trong lán, du khách phải đặt trước 4 ngày. Trường hợp không liên hệ trước, trong lán đã đủ chỗ, du khách phải dựng lều ngủ ngoài trời, thời tiết ngoài này rất lạnh, nhiều du khách đến 3 giờ sáng đã không ngủ nổi.

Ngày thứ hai, để kịp thời gian ngắm mặt trời mọc trên đỉnh núi, du khách phải dậy từ 4 giờ ăn sáng, vệ sinh cá nhân. Quãng đường từ lán tới đỉnh khoảng 1 cây số, do đường rất dốc, du khách sẽ mất thời gian khoảng 1 tiếng mới đến nơi. Đồ đạc du khách có thể gửi ở lán, chỉ cần mang những vật dụng cần thiết như điện thoại, máy ảnh, nước uống, đồ ăn nhẹ. Mặt trời sẽ mọc vào khoảng 5 giờ - 5 giờ 30 phút.

Bình minh lên trên đỉnh núi Lảo Thẩn.

Biển mây mênh mông nhìn từ đỉnh núi Lảo Thẩn.

Du khách chụp ảnh, check-in trên đỉnh núi Lảo Thẩn.

Du khách ngắm bình minh trên đỉnh núi Lảo Thẩn

Du khách chụp ảnh, check-in trên đỉnh núi Lảo Thẩn.

Chiêm ngưỡng khoảnh khắc đó xong, khoảng 9 giờ du khách xuống lán, chuẩn bị đồ đạc, vệ sinh cá nhân. Quãng đường xuống sẽ nhanh hơn, nếu không có gì thay đổi vào buổi chiều du khách sẽ lên xe ô tô đợi sẵn ở thôn và rạng sáng ngày hôm sau sẽ về đến Hà Nội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.