'Hòn ngọc xanh' Phú Quý hiên ngang giữa biển khơi

Quế Hà
Quế Hà
10/10/2019 10:21 GMT+7

Dù cách xa đất liền Phan Thiết tới 56 hải lý nhưng đảo Phú Quý hiên ngang trước biển vẫn rất đỗi thân quen và gần gũi với đất liền. Mỗi năm có hàng chục nghìn lượt du khách đến với 'hòn ngọc xanh' của Bình Thuận.

Huyện đảo Phú Quý với diện tích hơn 17 km2 (chỉ tính đảo lớn) nhưng có tới hàng chục ngàn dân. Đây là một trong những hòn đảo có mật độ dân số khá đông. Người dân chỉ sinh sống ở đảo chính, còn ở Hòn Tranh (một đảo nhỏ bên cạnh, thuộc huyện đảo Phú Quý) và một số đảo đá hầu nhưng không có dân sinh sống.

Ngư dân tổ chức nghi lễ cầu cho đi biển được mùa tôm cá tại Hòn Tranh, một hòn đảo nhỏ cách đảo chính 1 hải lý

Ảnh: Quế Hà

Giúp nhau đánh bắt ở ngư trường khơi xa

Người dân đảo Phú Quý chủ yếu hành nghề đánh bắt hải sản trên biển. Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý Bùi Thế Nhân, do đặc thù vị trí địa lý, người dân trên đảo quanh năm gắn bó với biển khơi. Đảo Phú Quý là một ngư trường rộng lớn, không chỉ cho ngư dân Bình Thuận khai thác, mà còn có cả ngư dân các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ khai thác. Đảo có hàng trăm tàu thuyền công suất lớn chuyên cung cấp nhiên liệu và thu mua hải sản ngay trên biển. Đội tàu này chủ yếu do ngư dân trên đảo đầu tư, thu mua hải sản của bà con. Sản lượng đánh bắt thủy hải sản của bà con đảo Phú Quý hiện đạt hơn 30.000 tấn/năm.

Đội tàu đánh bắt trên đảo Phú Quý cho sản lượng tôm cá trên 30.000 tấn/năm

Ảnh: Quế Hà

Không chỉ vươn ra khơi đánh bắt, bà con trên đảo còn khai thác hàng trăm héc ta mặt biển để nuôi cá bè. Hiện nay trên đảo có tới 60 lồng bè cá, chuyên nuôi các hải đặc sản như cá bớp, cá mú, ốc hương và các loại khác. Mỗi năm các lồng bè trên đảo thu về sản lượng hàng trăm tấn cá đặc sản, cung cấp cho đất liền và xuất khẩu.

Tàu hậu cần của đảo Phú Quý vừa cung cấp nhiên liệu, vừa thu mua hải sản của bà con ngay trên biển

Ảnh: Quế Hà

Theo ông Bùi Thế Nhân, trên đảo Phú Quý có Nghiệp đoàn nghề cá với hàng chục tàu thuyền tham gia để giúp nhau đánh bắt ở ngư trường khơi xa. Bà con không chỉ được hỗ trợ chính sách đánh bắt xa bờ, như hỗ trợ xăng dầu, thu mua ngay trên biển mà còn được vay vốn với chính sách ưu đãi để đóng mới tàu thuyền công suất lớn. Vì vậy, sản lượng thủy sản đánh bắt hàng năm tăng 10 - 15%.

Cua huỳnh đế, một đặc sản quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng cho vùng biển nước trồi ở đảo Phú Quý

Ảnh: Quế Hà

“Khai thác, nuôi trồng thủy sản là một thế mạnh của đảo Phú Quý cần được phát huy trong những năm tới. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng phát triển dịch vụ nghề cá, thu mua hải sản ngay trên biển. Đây là phương thức sản xuất mới của ngư dân trên đảo, vừa góp phần tăng cao giá trị sản phẩm, vừa góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền trên biển”, ông Bùi Thế Nhân nói.

“Hòn ngọc xanh” mang tên Phú Quý

Theo ông Bùi Thế Nhân, đảo Phú Quý có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. Trong nhiều năm qua, quân và dân trên đảo đoàn kết một lòng, giữ gìn hòn đảo bình yên. 

Tàu hậu cần vận chuyển cá từ biển vào đảo giúp bà con có những chuyến đi biển dài ngày

Ảnh: Quế Hà

Đảo Phú Quý cũng có rất nhiều cảnh đẹp, có nhiều điểm tham quan hấp dẫn du khách như Hòn Hải (cột mốc A6 trên biển), Hòn Trứng, Hòn Khoai và đặc biệt là Hòn Tranh. Trên đảo còn có chùa cổ Linh Quang (xây dựng từ năm 1747), chùa Linh Sơn, đền công chúa Bàn Tranh… với nhiều huyền thoại ly kì, hấp dẫn. Vì thế, mô hình du lịch sinh thái biển, văn hóa đang rất phổ biến trên đảo.

Chùa Linh Quang trên đảo Phú Quý được xây dựng từ năm 1747

Ảnh: Quế Hà

Theo thống kê của huyện, chỉ tính riêng đợt nghỉ lễ tháng 3 và tháng 4 năm nay, đảo Phú Quý đón hơn 15.000 lượt du khách đến đảo. Con số này tăng đột biến (tăng hơn 100 lần) so với cùng kỳ. Tính đến tháng đầu tháng 9.2019, đã có gần 20.000 lượt du khách đến đảo, trong đó có gần 500 lượt du khách quốc tế được cấp phép đến hòn đảo này. Điều này cho thấy sức hút từ tiềm năng du lịch Phú Quý là rất lớn.

Nhờ nghị định 67 của Chính phủ và chính sách hỗ trợ dầu để đánh bắt dài ngày trên biển, nhiều tàu cá được đóng mới trên đảo Phú Quý

Ảnh: Quế Hà

Đảo Phú Quý có 3 xã là Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải với mật độ dân cư khá dày. Hiện nay nhu cầu vào đất liền Phan Thiết của bà con để mua sắm, chữa bệnh, học hành ngày càng cao. Tuyến vận tải biển Phan Thiết - Phú Quý, ngoài 5 tàu chuyên vận chuyển hàng hóa, còn có 4 tàu vận chuyển khách được trang bị hiện đại, tốc độ cao. Nếu như ngày trước ra đảo phải mất 7 tiếng thì hiện nay du khách chỉ mất khoảng 3 tiếng.
Du khách ra đảo không còn quá khó khăn kiếm nhà nghỉ, phải ngủ nhà dân hoặc các cơ quan nhà nước, thay vào đó số khu nhà nghỉ phục vụ du khách mọc lên rất nhiều để du khách có sự lựa chọn.

Lăng Mỹ Khê trên đảo Phú Quý như một bảo tàng truyền thống về của ngư dân trên hòn đảo này

Ảnh: Quế Hà

Ông Lê Hồng Lợi, Phó Bí thư huyện đảo Phú Quý, cho biết để phát huy thế mạnh về du lịch biển, hiện nay tỉnh Bình Thuận đã quy hoạch Phú Quý trở thành điểm du lịch cấp tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo đó, Phú Quý sẽ được khai thác các thế mạnh về du lịch biển, đảo gắn với bảo tồn các di tích văn hóa và giữ vững an ninh chủ quyền trên biển. Mục tiêu đề ra, đến năm 2020, hòn đảo này sẽ đón khoảng 24.000 lượt du khách; đến năm 2025 đón 45.000 lượt và đến năm năm 2030 dự kiến đón 74.000 lượt du khách.
Theo ông Lợi, hiện nay đảo Phú Quý đang xuất hiện nhiều mô mình, dịch vụ phục vụ phát triển du lịch. Điều này đang đi đúng hướng với nghị quyết của Huyện ủy là phát triển các loại hình du lịch bên cạnh ngành kinh tế biển chủ đạo của đảo.

Huyện đảo Phú Quý là huyện duy nhất của tỉnh Bình Thuận đạt chuẩn Nông thôn mới

Ảnh: Thọ Châu

Tuyến sau của Trường Sa với tiềm năng phát triển dịch vụ hàng hải

Hòn Tranh, một hòn đảo nhỏ có vị trí quan trọng chỉ cách đảo chính chừng 1 hải lý

Ảnh: Q.H.

Đại tá Phạm Văn Long, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Thuận, cho biết theo Nghị định 30/CP và nay là Nghị định 130/CP của Chính phủ, xác định ngư dân trên đảo vừa khai thác tài nguyên, đánh bắt trên biển, đồng thời vừa có nhiệm vụ bảo đảm an ninh, giữ vững chủ quyền biển đảo của quê hương.
Cũng theo đại tá Phạm Văn Long, đảo Phú Quý có vị trí chiến lược trong bảo vệ đất liền và là tuyến sau của quần đảo Trường Sa, góp phần tạo thế mạnh vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Còn theo TS Lê Đình Mầu, Phó viện trưởng Viện Hải Dương học Nha Trang, đảo Phú Quý (tên khác là Cù Lao Thu) có một vị trí cực kỳ quan trọng, là khu vực trọng điểm trong hệ thống đảo ven bờ của nước ta. 
"Vì đảo Phú Quý nằm sát đường hàng hải quốc tế, nên có tiềm năng phát triển cảng biển nước sâu và làm dịch vụ hàng hải, dầu khí. Đặc biệt về quân sự quốc phòng, Phú Quý có ý nghĩa quan trọng về chiến lược quân sự, cho phép kiểm soát quân sự toàn bộ phía Nam biển Đông và khu vực thềm lục địa”, TS Lê Đình Mầu cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.