'Khát vọng hòa bình': Tự hào khi hóa thân là chiến sĩ giải phóng năm xưa

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
22/07/2022 12:46 GMT+7

Khoác trên mình bộ áo lính tham gia chương trình Khát vọng hòa bình , được vào vai chiến sĩ giải phóng quân năm xưa, các chiến sĩ trẻ thuộc Sư đoàn 968 thuộc Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị thật sự tự hào.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt Khát vọng hòa bình do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức sẽ diễn ra vào tối 24.7 (nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27.7) huy động đội ngũ khoảng 600 nghệ sĩ, diễn viên… Trong đó, nhiều "diễn viên" là chiến sĩ trẻ thuộc Sư đoàn 968 (Quân khu 4, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị ) được phân công vào vai bộ đội.

Các chiến sĩ trẻ Sư đoàn 968 được điều động tham gia chương trình Khát vọng hòa bình và vào vai các chiến sĩ giải phóng năm xưa

hoàng sơn

Tối 21.7, tại buổi diễn tập với các tiết mục Mãi mãi tuổi 20, Dòng sông hoa đỏ, Đồng đội…, các chiến sĩ trẻ đã nhanh chóng nhập vai và thể hiện tốt những hành động của người lính trong chiến đấu, sinh hoạt sau giờ hành quân…

Cùng các đạo cụ là súng trường AK, ba lô, đàn guitar…, các chiến sĩ thuộc Quân khu 4, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã thật sự "nhập tâm" với những động tác nhuần nhuyễn, hòa mình để tái hiện cuộc chiến khốc liệt, tiến công bất chấp đạn bom của kẻ thù.

Với sắc phục áo lính, đạo cụ là súng AK, bao lô..., các chiến sĩ đã nhanh chóng nhập vai

hoàng sơn

Qua từng tiết mục, phân cảnh, những thời khắc oanh liệt trong chiến đấu được tái hiện. Dòng Thạch Hãn được tái hiện là dòng sông của sự hy sinh anh dũng, là khí phách của những người chiến sĩ trẻ.

Chiến sĩ Sử Minh Hạnh (19 tuổi, tiểu đoàn 43) chia sẻ, khi được điều động tham gia chương trình Khát vọng hòa bình, anh có chút lo lắng vì những bỡ ngỡ trước âm thanh, ánh sáng… Nhưng khi luyện tập thường xuyên, anh đã tự tin cùng các đồng đội làm chủ sân khấu.

Giá súng AK mô hình được dựng trên sân khấu để tái hiện hoạt cảnh sinh hoạt tập thể sau giờ chiến đấu. Các chiến sĩ trẻ vào vai thành thục với quân dụng tươi vui khi sinh hoạt văn nghệ, nghiêm túc khi chiến đấu...

hoàng sơn

"Chúng em là những người lính trẻ sinh ra trong hòa bình nên rất lo lắng khi vào vai các chú, các anh là chiến sĩ giải phóng năm xưa. Nhờ sự chỉ bảo của ê-kíp chương trình, em đã tự tin và thành thục các động tác trong biểu diễn", chiến sĩ Hạnh nói.

Hồ Ra Lu Khăm Đon (19 tuổi, dân tộc Vân Kiều) từng được đào tạo, huấn luyện tân binh trong nhiều tháng nên cùng nhuần nhuyễn với những động tác lăn, bò, mang vác ba lô, vũ khí hành quân. "Ban đầu có chút hồi hộp, âu lo... nhưng rồi chúng em đã nhanh chóng nhập vai, cố gắng thể hiện tốt nhất tinh thần chiến đấu anh dũng của các chú, các anh…", chiến sĩ Hồ Ra Lu Khăm Đon nói.

Bài học giáo dục về tinh thần quả cảm

Chiến sĩ Nguyễn Hồng Thắng (22 tuổi, tiểu đoàn 43) cho biết đây là lần thứ 2 anh được đơn vị điều động tham gia chương trình nghệ thuật.

Trước đó, hồi cuối tháng 4, Thắng đã vào vai bộ đội trong chương trình văn nghệ chào mừng 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị tại Nhà văn hóa tỉnh Quảng Trị.

Các chiến sĩ tiểu đoàn 43 tái hiện cảnh bộ đội tiến vào giải phóng Thành cổ năm 1972

hoàng sơn

"So với các anh em, em đã có chút kinh nghiệm trong diễn xuất nên tham gia Khát vọng hòa bình cũng thuận lợi hơn. Cứ mỗi lần vào vai chiến sĩ giải phóng năm xưa, em lại thấy rất tự hào. Từ đó, em cũng hiểu hơn những hy sinh của lớp cha chú đi trước, để giành lấy độc lập, tự do cho đất nước", Thắng xúc động.

Trao đổi với PV Thanh Niên, thượng úy Nguyễn Trung Anh (sĩ quan quản lý các chiến sĩ tham gia chương trình) cho biết Khát vọng hòa bình là chương trình nghệ thuật đặc biệt với quy mô lớn nên ngay từ đầu điều động 62 chiến sĩ tham gia, đơn vị đã quán triệt tinh thần nghiêm túc đến các chiến sĩ trẻ.

Tham gia chương trình và vào vai chiến sĩ giải phóng, các chiến sĩ trẻ hôm nay được tiếp thêm ý chí, niềm tự hào trong chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc của quân đội nhân dân Việt Nam

hoàng sơn

"Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, chúng tôi đã yêu cầu các chiến sĩ trẻ phải nỗ lực hết mình vì sự thành công của chương trình. Dù gặp khó khăn vì không phải là diễn viên chuyên nghiệp, nhưng các chiến sĩ đã cố gắng để nhập vai một cách tốt nhất…", thượng úy Nguyễn Trung Anh nói.

Theo thượng úy Anh, là chương trình nghệ thuật tái hiện sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ năm xưa, Khát vọng hòa bình mang nhiều ý nghĩa lớn lao. Đối với những chiến sĩ trẻ, ý nghĩa lớn nhất chính là sự giáo dục về tinh thần quả cảm, sẵn sàng chiến đấu của người lính dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Qua nhiều ngày luyện tập, các động tác của các chiến sĩ trẻ đã thành thục, tự tin hơn

hoàng sơn

Tổng đạo diễn chương trình Đặng Lê Minh Trí nhận định các chiến sĩ của Sư đoàn 968 tỉnh Quảng Trị đều là những người còn rất trẻ. Khi tham gia chương trình, về mặt ý thức, các chiến sĩ đã rất cố gắng. Vì được rèn luyện trong môi trường quân đội nên các chiến sĩ trẻ đều rất nghiêm túc.

Hình ảnh người mẹ trên tay chiếc đèn dầu đứng trên chiếc thuyền do các chiến sĩ nâng lên khiến nhiều người xem xúc động

hoàng sơn

"Tuy rằng, các bạn chưa thể hiểu hết các giá trị mà chương trình đang hướng tới, nhất là về mặt lịch sử. Các bạn cần thời gian để cảm nhận... Nhưng khi tham gia chương trình trong vai các diễn viên, các chiến sĩ như đã thấm đượm, hiểu hơn sự hy sinh của ông cha. Mỗi ngày luyện tập, các bạn đã hòa mình vào câu chuyện lịch sử. Đây thật sự là một bài học về lịch sử, bài học giáo dục cho thế hệ hiện tại, đặc biệt là các chiến sĩ trẻ đang bảo vệ đất nước, gìn giữ hòa bình… Bởi hòa bình không còn là ước nguyện mà chúng ta đã thực hiện được và phải gìn giữ", tổng đạo diễn Khát vọng hòa bình chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.