Chuyến tàu không thể bỏ lỡ

Đã bỏ lỡ ba cuộc cách mạng trước, Việt Nam không thể không nhảy lên chiếc tàu 4.0 để giảm khoảng cách với các nước phát triển trong vùng.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hiện tại Việt Nam đi sau Hàn Quốc hơn 30 năm, sau Malaysia và Thái Lan hơn 20 năm, sau Indonesia và Philippines gần 10 năm. Nếu không có thay đổi, các khoảng cách này càng ngày càng dãn ra.
Nếu trong cuộc Cách mạng công nghiệp 3.0 ở nửa cuối thế kỷ 20, hệ thống tự động hóa chỉ thay bắp thịt con người để làm những công việc nhàm chán và nặng như khuân vác, lắp ráp những bộ phận lớn, thì giờ đây các robot thế hệ 4.0 có thể được lập trình để hoàn thành các công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo như bàn tay con người. Trong bối cảnh tổng số lao động Việt Nam đã tăng từ 35 triệu người năm 1996 lên 54 triệu năm 2016, hậu quả là thế mạnh nguồn nhân lực giá rẻ rất có thể sẽ trở thành gánh nặng xã hội khi người lao động không có đủ sức cạnh tranh với những robot ngày càng thông minh và chi phí rẻ.

Pháp, Nhật đã phát triển công nghiệp 4.0 thế nào?

Kinh nghiệm từ các nước đi trước cho thấy, ở thập niên 70 của thế kỷ trước, khi ngành công nghiệp châu Âu, Mỹ và Nhật bước vào thời đại tự động hóa của cuộc cách mạng 3.0, Nhật và châu Âu có tỷ lệ thất nghiệp tương đương khoảng 2%. Nhưng đến đầu thế kỷ 21, tỷ lệ thất nghiệp tăng lên khoảng 10% ở châu Âu (trên 10% ở Pháp) và chỉ giới hạn 4% ở Nhật mặc dù Nhật đã tự động hóa công nghiệp thành công nhất trong các thập niên này với các sản phẩm Toyota, Sony, Honda, Canon… thống trị thị trường thế giới bởi chất lượng và giá cạnh tranh cao.

Ở thập niên 70 của thế kỷ trước, khi ngành công nghiệp châu Âu bước vào thời đại tự động hóa của cuộc cách mạng 3.0, tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp lên đến 10%

Ảnh: Nicolas Phạm

Ngoài những yếu tố văn hóa xã hội, các chính sách nhà nước về phát triển tự động hóa công nghiệp đã là yếu tố quyết định cho thị trường lao động của mỗi quốc gia. Trong chuyến công tác ở Tokyo năm 1997, tôi quan sát sự khác biệt giữa các nhà ga xe lửa và các trạm metro ở Tokyo và Paris. Các xe lửa và tàu métro của Pháp và Nhật đều tối tân và mức độ tự động hóa ngang nhau nhưng số người làm việc ở các nhà ga ở Paris ít hơn nhiều, những người bấm vé lên tàu bị thay thế bằng các máy bấm, những nhân viên điều hành và những người tạo sinh hoạt trong trạm metro bị thay thế bằng các camera và các máy báo động, các ki-ốt bán hàng được thay thế bằng những máy bán tự động. Những người này đã bị mất việc hay phải về hưu sớm.

Hồ chứa nước mưa chống ngập cho thành phố Kashiwa-no-ha (Nhật Bản)

Ảnh: M.V

Cùng thời điểm, ở Tokyo, những người bấm vé vẫn còn, và tôi vẫn thấy sự có mặt của các nhân viên điều hành, sự hiện diện này mang lại sự an tâm cho hành khách trong những giờ vắng vẻ hay khi gặp khó khăn. Paris có các nhà "ga thông minh" với giá phải trả là hàng chục ngàn người thất nghiệp. Sự so sánh dù cục bộ nhưng thể hiện phần nào sự khác biệt tỷ lệ thất nghiệp giữa Nhật và Pháp. Nhật đã đẩy mạnh tự động hóa các phương tiện sản xuất hay di chuyển nhưng vẫn giữ tính cách nhân bản trong các sinh hoạt phục vụ con người.
Rõ ràng là trong thập niên qua, những tiến bộ của các công nghệ: Trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, dữ liệu lớn… đang hội đủ những điều kiện tạo nên những đột phá gọi là cách mạng công nghệ 4.0, nhằm thay thế toàn diện từ cơ bắp đến trí não của con người. Những robot có trí tuệ nhân tạo và những nhà máy thông minh có những khả năng mà con người không làm được vì sức lực và thời gian giới hạn, xây dựng những thành phố thông minh với những mạng internet 5G tạo ra nhiều thay đổi trong cuộc sống hàng ngày qua những vấn đề hành chính, cách di chuyển, kinh doanh… Dù mang lại cho nhân loại và xã hội nhiều lợi ích nhưng cách mạng 4.0 có thể sẽ hủy hoại xã hội nếu chúng ta không tìm được những động lực mới để tôn vinh lao động và từ đó củng cố những giá trị đạo đức.

Nhà máy và thành phố thông minh

Cốt lõi của cách mạng công nghệ 4.0 là áp dụng công nghệ số vào nhiều lãnh vực sinh hoạt của xã hội từ các cơ sở sản xuất đến các sinh hoạt hàng ngày, tiêu biểu nhất là nhà máy thông minh và thành phố thông minh.
Thực tế, đầu tư vào các nhà máy thông minh là cần thiết và phải làm nếu chúng ta muốn tham gia vào thị trường cạnh tranh thế giới dù rằng giá phải trả sẽ rất đắt với hàng trăm ngàn người mất việc. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã ước tính 86% lao động của các ngành dệt may và giày dép của Việt Nam sẽ mất việc trong 15 năm tới dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu Samsung, Bosch, các tập đoàn ô tô, các doanh nghiệp lớn và nhỏ Việt Nam phát triển nhà máy thông minh thì số người mất việc sẽ lên tới hàng triệu!

Chính phủ Pháp “đau đầu” với số người thất nghiệp ngày càng gia tăng

Ảnh: AFP

Như vậy, cần những giải pháp nào nhằm tạo ra những việc làm thay thế trong thời đại 4.0? Phát triển thành phố thông minh đang là chủ đề thời sự tại Việt Nam. Loại thành phố này giúp cuộc sống tiện lợi, dễ dàng hơn, thay vì phải chờ đợi hay đi xa, bạn có thể nhanh chóng thực hiện điều mình muốn mọi lúc mọi nơi, không cần chờ đợi, không cần tiếp xúc, không cần di chuyển. Nhưng mặt trái của những tiến bộ này là sẽ làm mất việc hàng trăm ngàn người và gây nhiều thay đổi về văn hóa sống của người Việt Nam.
Sự so sánh giữa các trạm metro thông minh ở Paris và các trạm ở Tokyo có thể khiến chúng ta suy nghĩ. Việt Nam nên và bắt buộc xây dựng nhiều nhà máy thông minh nhưng nên bảo tồn văn hóa sống Việt Nam và tính nhân bản của xã hội qua những "thành phố xanh và đáng sống" với những con người kỷ luật và văn hóa hơn và những phương tiện văn minh hơn. Loại thành phố này cần nhiều cây xanh, có các hệ thống y tế, giáo dục và giao thông phục vụ tốt nhất cho cư dân. Với hướng này, chúng ta nên tập trung các phương tiện tài chính và nhân lực cho những áp dụng công nghệ số vào các ngành giáo dục, y tế và giao thông đầu tư vào các phương tiện máy móc tối tân nhất để tăng chất lượng chẩn đoán trị bệnh, chất lượng giảng dạy… và tăng tính cách nhân bản của dịch vụ với số lượng nhân viên được đào tạo bài bản và số lượng cần thiết. Theo tôi, áp dụng công nghệ số vào các hoạt động ở nông thôn có tính cách chiến lược quốc gia để tăng năng suất lao động, chống được các thiên tai như bão lụt miền Trung, hạn mặn khốc liệt ở miền Tây Nam bộ. Nếu các phương tiện sản xuất được tự động hóa, mức sống được cải thiện, nông thôn sẽ là nơi tạo nhiều việc làm và thu hút nhiều lao động bị mất việc từ cuộc cách mạng công nghiệp.
Chỉ có phương tiện tài chính giúp thực hiện những ý tưởng này nếu chúng ta có được một chính sách phân phối một cách hợp lý lợi nhuận từ các nhà máy thông minh nhờ giảm người lao động, tăng trưởng thị trường nhờ sức cạnh tranh cao. Bài toán không đơn giản!
Cách mạng công nghệ 4.0 có thể sẽ giúp kinh tế VN cường mạnh hơn nhưng sẽ bỏ rơi nhiều người bên lề đường và xã hội sẽ bị phân hóa vì khoảng cách giàu nghèo sẽ quá lớn. Khoa học và công nghệ đang chiếm ưu thế trên mọi lĩnh vực, ảnh hưởng khắp nơi trên thế giới, có lẽ các nhà xã hội học, các nhà giáo dục, nhân văn học, kinh tế gia… cũng cần tham gia thảo luận để giúp xã hội Việt Nam tìm được một sự phát triển quân bình và có thể chấp nhận được nếu mọi người đều có việc làm, giúp xã hội xác định giá trị đạo đức trước sự bùng nổ của các giá trị vật chất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.