Không thu hút FDI trong các ngành nhạy cảm như đường sắt, cảng biển

Chí Hiếu
Chí Hiếu
25/09/2019 18:22 GMT+7

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sẽ không thu hút, hợp tác FDI ở các lĩnh vực đang dư thừa công suất, hay ở một số lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng, cảng biển, đường sắt theo khuyến nghị của các chuyên gia.

Trước cảnh báo của các chuyên gia về chất lượng dự án FDI đang có dấu hiệu đi xuống, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ hoàn thiện pháp luật, khắc phục các rủi ro bằng việc không thu hút, hợp tác FDI ở các lĩnh vực đang dư thừa công suất, hay ở một số lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng, cảng biển, đường sắt.
Hôm nay, 25.9, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, đã chủ trì phiên họp quý 3 nhằm tham vấn các chính sách tài chính, tiền tệ, thương mại.
Các thành viên Hội đồng đều đánh giá cao chất lượng thông tin từ các bộ, ngành và cơ bản đồng tình với nhận định mặc dù kinh tế thế giới và các nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, thị trường tài chính, tiền tệ và thương mại toàn cầu biến động phức tạp, nhưng kinh tế trong nước diễn biến khả quan và đạt nhiều kết quả quan trọng trong 9 tháng năm 2019; tin tưởng cả nước sẽ hoàn thành được kế hoạch của năm 2019.
Ngân sách nhà nước bội thu ở mức cao (66.550 tỉ đồng) do chi đầu tư phát triển chậm cải thiện. Tuy nhiên, thu ngân sách đạt cao ở các khu vực quan trọng như thu nội địa, dầu thô, xuất nhập khẩu, với gần 73% dự toán vào 15.9, phản ánh các hoạt động kinh tế vẫn diễn biến tích cực. Cán cân thanh toán thặng dư cao trên 10 tỉ USD...
Đáng chú ý, các thành viên Hội đồng đánh giá cao điều hành chính sách tiền tệ đạt kết quả tích cực trong bối cảnh rủi ro gia tăng. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ổn định, diễn biến phù hợp với thay đổi của điều kiện thị trường, thanh khoản được bảo đảm, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp.
Cùng với đó, một số thành viên Hội đồng đánh giá chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục được cải thiện về năng suất lao động, năng suất yếu tố tổng hợp (TFP), hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR).

Lo ngại chất lượng đầu tư FDI 

Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng đều lưu ý về năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế còn kém, vì những vướng mắc về thể chế, trong đó có việc chậm trễ trong phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các vướng mắc trong đầu tư tư nhân, thực hiện các hợp đồng công - tư (PPP).
Một số thành viên cũng cảnh báo tới Chính phủ nếu không gỡ được các nút thắt này thì sẽ khó bảo đảm cho tăng trưởng cao hơn mà còn ảnh hưởng tới suy giảm tăng trưởng trong thời gian tới.
Đáng chú ý, các thành viên Hội đồng cũng cảnh báo về chất lượng thu hút đầu tư nước ngoài (FDI)công nghệ hiện đại, chuỗi sản xuất toàn cầu trong 9 tháng đầu năm khi số dự án tăng 26,4% nhưng số vốn đăng ký lại giảm 22,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Chính phủ cần tiếp tục đa dạng hoá thị trường, nhất là thúc đẩy hàng hoá sang thị trường Trung Quốc qua kênh chính ngạch; xử lý các các vấn đề lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ trên cơ sở hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan tới xuất xứ Việt Nam; phối hợp tích cực với các nước, nhất là Mỹ trong khơi thông các vấn đề liên quan tới thương mại; không sử dụng công cụ giá để hỗ trợ cho xuất khẩu.
Tiếp thu kiến nghị của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Phó thủ tướng cho rằng đây là những khuyến cao quan trọng cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều hành kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm và tạo nền tảng vững chắc cho thực hiện các nhiệm vụ của năm 2020.
Chia sẻ với các thành viên Hội đồng về thu hút FDI, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ hoàn thiện pháp luật, khắc phục các rủi ro bằng các biện pháp sàng lọc, kiểm soát đầu tư theo tinh thần Nghị quyết số 50/NQ-TW của Bộ Chính trị, đó là không thu hút, hợp tác ở các lĩnh vực đang dư thừa công suất vì chiến tranh thương mại, dự án được thẩm lậu công nghệ từ nước khác sang hay ở một số lĩnh vực nhạy cảm như năng lượng, cảng biển, đường sắt,... và loại trừ các dự án liên quan tới vấn đề an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ đẩy nhanh thực hiện đề án kinh tế chia sẻ để gia tăng giá trị cho nền kinh tế và tăng trưởng, bảo đảm thị trường bất động sản hoạt động bình thường, thúc đẩy giải ngân đầu tư công...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.