Gắn bó với các công trình kiến trúc ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đã nhiều năm, kiến trúc sư người Pháp Souquet cũng có rất nhiều tâm tư trước đề xuất lắp mái che đường Lê Lợi (tại quận 1, TP.HCM) của Sở Quy hoạch Kiến trúc. Ông cùng các cộng sự đã ghi dấu ấn với công trình tầm cỡ như Quảng trường Trung tâm Thủ Thiêm, Trung tâm Triển lãm Quy hoạch TP. HCM hay Đại học Văn Lang,…
KTS người Pháp: ‘Mái che đường Lê Lợi phải đầu tư xứng tầm với metro tỉ đô’
Từng có cơ hội làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau và cũng là người đã thiết kế rất nhiều công trình mái che, kiến trúc sư Olivier Souquet đã đưa ra ví dụ về một kiểu không gian tạo bóng mát công cộng mà các thành phố nhiệt đới khác thường sử dụng.
"Nhiều thành phố nhiệt đới ở Nam Mỹ, ở Brazil có mái che. Nhưng nó không phải mái che như bạn tưởng tượng. Nó gọi là “gallery- tạm dịch là hành lang” và nó nằm trong cấu trúc các tòa nhà. Ý tưởng về hành lang này, bây giờ đã là quá muộn với TP.HCM. Đây là vấn đề của quy hoạch dài hạn, của những nguyên tắc kiến trúc và chúng ta cần có sự thống nhất từ chính quyền để tạo nên sự đồng bộ và hài hòa", ông Olivier Souquet nhận định.
Nhấn mạnh là đã quá muộn để TP.HCM quy hoạch các hành lang trong các tòa cao ốc để tạo bóng mát ở các tuyến đường trung tâm, ông Oliver Souquet bàn đến lựa chọn thứ hai là lắp các mái che vỉa hè. Theo ông Souquet, đây là đề xuất có thể thực hiện được nhưng vấn đề là phải thiết kế như thế nào để vừa có hiệu quả che nắng, che mưa vừa đẹp mắt và vừa lâu bền.
"Không gian đường phố ở Việt Nam mang những đặc trưng rất rõ rệt. Tôi sẽ lặp lại điều đó nhiều lần. Ở các nước nhiệt đới khác, khi chúng tôi không thể xây “hành lang”, chúng tôi mới xây dựng mái che, và mái che phải gắn liền vào các tòa nhà.
Ví dụ ở đường Đồng Khởi, nếu khách sạn Majestic hoặc nhiều khách sạn có mái che và mái che được liên kết với tòa nhà thì mọi người có thể dễ dàng đi dạo và mua sắm ngay tại chính tòa nhà đó. Mái che này phải được liên kết tuyệt đối với tòa nhà, nếu không, nó sẽ là một mớ hỗn độn. Một mái che không liên kết với tòa nhà sẽ tạo ra một vật thể thô thiển chình ình giữa đường."
Với mức kinh phí dự kiến ban đầu cho mái che đường Lê Lợi là từ 20 đến 30 tỉ đồng (tức khoảng trên dưới 1 triệu USD), kiến trúc sư Olivier Souquet cho rằng con số này là quá nhỏ, đặc biệt so sánh với hàng tỉ USD đã bỏ ra để đầu tư cho công trình metro chạy ngầm phía dưới thì kinh phí dự kiến này là chưa xứng tầm.
"Dù sao thì chúng ta vẫn cần bóng mát, chúng ta cần mái che vì cây xanh đã bị chặt đi rồi. Tôi nghĩ rằng mái che phải được lên kế hoạch dài hạn. Vấn đề là tiền. Có bao nhiêu kinh phí để xây dựng mái che này? Tôi nghĩ chúng ta cần tổ chức một cuộc thi với nhiều kiến trúc sư khác nhau, rất nhiều kiến trúc sư Việt Nam có thể làm được điều đó. Và vấn đề trên hết vẫn là kinh phí.
Hãy so sánh con số 1 triệu USD (dự kiến dành cho mái che đường Lê Lợi) với con số đã bỏ ra cho dự án metro. Con số này chẳng đáng là bao. Tôi rất buồn vì chưa có sự đầu tư xứng tầm cho không gian công cộng. Đường phố phản ánh cuộc sống, bản sắc của người Việt Nam và là thứ mà du khách nhìn vào khi đến Việt Nam. Vì vậy, hãy đầu tư mạnh hơn. Hãy so sánh 1 triệu USD so với 100 triệu USD hay 1 tỉ USD (hoặc cũng có thể lớn hơn) đã đầu tư cho tuyến metro thì con số đó chẳng là gì cả. Đây là sai lầm cực kỳ lớn", ông Olivier Souquet một lần nữa nhấn mạnh.
Bình luận (0)